Giao lưu trực tuyến “Giáo dục đạo đức, lối sống cho HSSV: Vai trò người chèo lái”

Giao lưu trực tuyến “Giáo dục đạo đức, lối sống cho HSSV: Vai trò người chèo lái”diễn ra trên Báo Giáo dục và Thời đại điện tử từ 9h30 – 10h30 thứ Ba ngày 14/9.

Giao lưu trực tuyến “Giáo dục đạo đức, lối sống cho HSSV: Vai trò người chèo lái”

Chương trình có sự tham gia của các khách mời:

- TS Nguyễn Thị Thanh Nga, Viện Tâm lý học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam;

- Cô Lô Thị Thùy, Hiệu trưởng Trường PTDT Nội trú THCS Tương Dương, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An.

Công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên những năm qua được các nhà trường chú trọng tăng cường, với nhiều hoạt động ý nghĩa và tạo sự chuyển biến tích cực với thế hệ trẻ; tăng cường mối quan hệ và sự tương tác giữa nhà trường, gia đình, xã hội trong giáo dục đào tạo HSSV.

Tuy nhiên do điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ nhân sự chưa đồng đều, nên nhiều trường học mới chủ yếu tập trung vào giảng dạy kiến thức văn hóa. Việc giáo dục kỹ năng, trải nghiệm, quan tâm đến tâm sinh lý lứa tuổi, bồi dưỡng đạo đức, xây dựng lối sống... cho học sinh, sinh viên còn khó khăn, hạn chế.

Trên thực tế, vẫn còn một bộ phận học sinh sinh viên chưa có ý thức học tập tốt, tình trạng bạo lực học đường, học sinh vi phạm pháp luật xảy ra.

Khách mời giao lưu mời sẽ có những trao đổi với bạn đọc về đặc thù tâm lý lứa tuổi; thực tiễn xã hội tác động thế nào đến nhận thức, hành động của HSSV. Đồng thời, chia sẻ về vai trò của người thầy, của giáo dục nhà trường trong quá trình hình thành nhân cách, xây dựng giá trị sống cho các em…

Ngay bây giờ, độc giả có thể gửi câu hỏi tới các vị khách mời qua email của Báo Giáo dục và Thời đại: gdtddientu@gmail.com hoặc tương tác qua Fanpage của Báo.

TS Nguyễn Thị Thanh Nga

TS Nguyễn Thị Thanh Nga

Viện Tâm lý học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Cô Lô Thị Thùy

Cô Lô Thị Thùy

Hiệu trưởng Trường PTDT Nội trú THCS Tương Dương, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An

Bạn đọc

Bạn Bùi Thoa (Hòa Bình):

Với trường nội trú, mối quan hệ giữa nhà trường với gia đình học sinh, địa phương nơi các em sinh sống có vai trò như thế nào? Nhà trường có giải pháp gì để tăng cường mối quan hệ này nhằm mục tiêu giáo dục tốt nhất cho học sinh?
Cô Lô Thị Thùy

Cô Lô Thị Thùy

Ở trường học nào cũng rất cần mối quan hệ mật thiết giữa nhà trường với gia đình và địa phương. Với trường nội trú các mối quan hệ ấy vô cùng quan trọng. Nhưng chúng tôi gặp nhiều khó khăn vì học sinh của trường ở tất cả các xã trên địa bàn, có vùng chưa có điện lưới, sóng điện thoại không ổn định. Việc liên lạc thường xuyên với phụ huynh gặp nhiều trở ngại.

Để tăng cường mối quan hệ này, nhà trường định hướng cho Ban đại diện cha mẹ học sinh bầu các đại diện phụ huynh ở các xã để làm đầu mối liên lạc.

Đối với chính quyền địa phương nơi các em sinh sống, chúng tôi thường gửi báo cáo kết quả học tập, rèn luyện của học sinh về xã mỗi năm học 2 lần. Những lúc cần thiết nhưng không liên lạc được với phụ huynh, chúng tôi cũng thường gọi điện nhờ chính quyền địa phương giúp đỡ.

Giao lưu trực tuyến “Giáo dục đạo đức, lối sống cho HSSV: Vai trò người chèo lái” ảnh 5
Bạn đọc

Bạn luongthuyvk32@....:

Xin cô cho biết, công tác phân luồng, định hướng cho học sinh dân tộc thiểu số sau THCS được nhà trường triển khai như thế nào?
Cô Lô Thị Thùy

Cô Lô Thị Thùy

Mục tiêu của các trường dân tộc nội trú là tạo nguồn cán bộ người dân tộc thiểu số cho địa phương. Cho nên phương châm của nhà trường là định hướng cho tất cả các em sau khi tốt nghiệp THCS vẫn tiếp tục cố gắng học THPT.

Đối với một số em không thi đậu vào trường DTNT THPT cấp tỉnh và có hoàn cảnh khó khăn thì nhà trường động viên các em ấy đi học nghề. Nhà trường sẽ liên hệ chọn trường nghề giúp các em.

Bạn đọc

Bạn Hải Thanh (Hà Giang):

Những năm qua, học sinh trường mình có xảy ra trường hợp bỏ học hoặc tảo hôn không? Nhà trường tuyên truyền về vấn đề này nói riêng, và giáo dục pháp luật nói chung cho học sinh như thế nào?
Cô Lô Thị Thùy

Cô Lô Thị Thùy

Từ khi thành lập đến nay, trường chưa có trường hợp nào bỏ học hay tảo hôn. Chỉ có một số học sinh do sức khỏe không đảm bảo nên xin chuyển về học gần nhà để chữa bệnh. Cũng có một vài học sinh lớp 6 vì quá nhớ gia đình nên xin chuyển trường.

Nhà trường có kế hoạch tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho học sinh, vừa tổ chức bằng hình thức ngoại khóa vừa lồng ghép vào các môn học. Hoặc qua các buổi trò chuyện, nêu gương những anh chị khóa trước đã cố gắng vượt qua hoàn cảnh để học tập tốt và thành công như thế nào.

Bạn đọc

Bạn ductrigv@...:

Môi trường nội trú, tất cả mọi hoạt động học tập, sinh hoạt của học sinh đều ở trong trường, dưới sự dạy bảo, chăm sóc, quản lý của thầy cô. Trường học như ngôi nhà thứ 2 của các em. Vậy là người thầy, người cô trong ngôi nhà này có khác biệt gì với các ngôi trường bình thường khác, thưa cô?
Cô Lô Thị Thùy

Cô Lô Thị Thùy

Giáo viên trường PTDT Nội trú THCS Tương Dương hướng dẫn học sinh cách giặt quần áo. Ảnh tư liệu
Giáo viên trường PTDT Nội trú THCS Tương Dương hướng dẫn học sinh cách giặt quần áo. Ảnh tư liệu

Giáo viên công tác tại trường nội trú có nhiều vất vả hơn giáo viên các trường khác. Thứ nhất là hầu như thời gian ở trường nhiều hơn ở nhà. Ngoài dạy chính khóa, giáo viên thay cha mẹ học sinh động viên, an ủi, vỗ về khi các em nhớ nhà. Hướng dẫn cách chăm sóc bản thân khi có sự thay đổi tâm sinh lý; cùng các em làm vườn, chơi thể thao…

Buổi tối còn phải đến trường hướng dẫn học sinh cách tự học. Chưa kể khi có học sinh ốm đau, thầy cô giáo phải túc trực, chăm sóc thường xuyên. Khi các em thiếu thốn đồ dùng cá nhân thì GV chủ nhiệm tự bỏ tiền túi mua cho các em trước, sau này phụ huynh trả lại. Cũng có em hoàn cảnh khó khăn, các thầy cô phải góp tiền để hỗ trợ.

Là giáo viên nội trú, các thầy cô cũng phải kiên nhẫn hơn, coi học sinh như coi cái, tìm hiểu hoàn cảnh, cá tính... để vừa dạy kiến thức, vừa bồi đắp tình cảm, nghị lực, ước mơ cho các em.

Tuy nhiên, các thầy cô, giáo đã gắn bó với trường nội trú rồi thì hầu hết đều thấy yêu nghề, yêu trò và luôn hết mình vì học sinh.

Bạn đọc

Bạn vunhuthao237@...:

Vấn đề giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy giá trị văn hóa truyền thống cho học sinh được nhà trường tổ chức ra sao, thưa cô?
Cô Lô Thị Thùy

Cô Lô Thị Thùy

Vấn đề giữ gìn bản sắc dân tộc, giá trị văn hoá truyền thống cho học sinh là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các trường DTNT nói chung. Tại trường chúng tôi, thực hiện nhiệm vụ này bằng cách bắt đầu từ việc các em biết giữ gìn trang phục và tiếng nói dân tộc mình.

Thứ 2 hàng tuần, học sinh phải mặc trang phục dân tộc. Khuyến khích giáo viên, nhân viên học tiếng dân tộc để giao lưu, giao tiếp với học sinh. Nhà trường cũng thường mời nghệ nhân dân gian đến trường hướng dẫn học sinh các bài đồng dao, dân ca, các trò chơi truyền thống…

Trong năm học 2020-2021, nhà trường thí điểm tổ chức ngoại khóa đọc thơ bằng 3 thứ tiếng (Kinh, Thái, Mông) và được học sinh rất hào hứng tham gia. Trong năm học này, chúng tôi cũng dự kiến sẽ tiếp tục tổ chức với quy mô rộng hơn.

Vào các dịp lễ tết truyền thống của các dân tộc như tết nguyên đán, lễ hội cầu mùa, lễ mừng lúa mới... nhà trương đều tổ chức cho học sinh theo hình thức mô phỏng. Trong các chương trình văn nghệ, ưu tiên các tiết phục mang âm hưởng dân gian, tái hiện văn hóa các dân tộc. Mục đích giúp các em hiểu biết, trân trọng giá trị văn hóa của dân tộc mình. Biết gìn giữ phát huy truyền thống tốt đẹp và loại bỏ hủ tục, tập tục lạc hậu, không phù hợp, trái luật...

Bạn đọc

Bạn dongquangvinh-ktv@...:

Bên cạnh dạy học, nhà trường đã có những hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt CLB gì để tăng cường kỹ năng cho học sinh?
Cô Lô Thị Thùy

Cô Lô Thị Thùy

Là trường DTNT nên nhà trường chú trọng tổ chức các hoạt động tập thể và giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Cụ thể, trong mỗi năm học, nhà trường tổ chức ít nhất 4 cuộc ngoại khóa chuyên môn tạo sân chơi “vừa học vừa chơi” cho học sinh.

Tổ chức tuyên truyền giáo dục pháp luật, tuyên truyền cách phòng chống dịch bệnh theo mùa, giáo dục giới tính… Biểu diễn văn nghệ trong các ngày lễ lớn.

Ngoài ra, để tạo điều kiện cho học sinh được phát triển năng khiếu và sở thích cá nhân, nhà trường thành lập các câu lạc bộ nghệ thuật, thể dục thể thao (cầu lông, bóng chuyền, bóng đá, bóng bàn, đẩy gậy,…) đều có giáo viên hướng dẫn.

Hàng tháng, tổ chức sinh nhật cho HS toàn trường. Đồng thời tổ chức chương trình “Những điều em muốn nói” vào tối thứ 7 của tuần thứ 3 hàng tháng. Qua đó, tạo cơ hội để các em được chia sẻ tâm tư, nguyện vọng của mình một cách cởi mở, dân chủ. Các em được lắng nghe, chia sẻ và thấy được tôn trọng và mạnh dạn tự tin học trong học tập, giao tiếp, ứng xử với các vấn đề nảy sinh trong cuộc sống.

Tại kí túc xá nhà trường còn có 1 “Thùng quà tình bạn”. Học sinh sẽ tự nguyện quyên góp vào thùng quà số tiền tiết kiệm ăn quà vặt để nhằm giúp đỡ các bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Giáo dục tình tương thân tương ái, biết yêu thương quan tâm giữa các bạn học trong lớp, trong trường.

Bạn đọc

Bạn manhha79@...:

Việc quản lý học sinh nội trú được nhà trường tổ chức như thế nào để đảm bảo duy trì nề nếp học tập, sinh hoạt của học sinh?
Cô Lô Thị Thùy

Cô Lô Thị Thùy

Học sinh trường PTDT Nội trú THCS Tương Dương. Ảnh tư liệu
Học sinh trường PTDT Nội trú THCS Tương Dương. Ảnh tư liệu

Nhà trường có Ban quản sinh quản lý hoạt động của học sinh tại kí túc xá, như hướng dẫn các em sinh hoạt có nền nếp, giám sát nguồn cung cấp lương thực thực phẩm hàng ngày.

Các thành viên của Ban quản sinh phân công trực 24/24, kịp thời xử lý những tình huống phát sinh của học sinh nội trú như trường hợp học sinh ốm đau đột xuất.

Đồng thời nắm bắt tâm tư, vấn đề của học sinh để có giải pháp xử lý phù hợp. Thực tế, các em trường nội trú phần lớn ngoan ngoãn, biết vâng lời thầy cô. Nhưng cuộc sống tập thể không tránh khỏi những va chạm, mâu thuẫn nhỏ. Đặc biệt là lứa tuổi THCS được xem là “dở dở ương ương”, với nhiều thay đổi về tâm sinh lý. Vì vậy, thầy cô phải sát sao, quan tâm, vừa mềm mỏng giải quyết, vừa nghiêm khắc để hạn chế vi phạm xảy ra.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng thành lập đội tự quản với thành viên là đại diện học sinh của các lớp. Đây được xem là cầu nối giữa thầy cô, nhà trường và học sinh. Đồng thời phát huy ý thức tự giác, tự quản của các em trong sinh hoạt, học tập.

Bạn đọc

Bạn hoanghanh90@...:

Nhiều năm làm giáo viên và hiện trên cương vị quản lý, cô thấy khó khăn nhất đối với học sinh dân tộc thiểu số khi tập trung 3 tại chỗ tại trường nội trú là gì?
Cô Lô Thị Thùy

Cô Lô Thị Thùy

Theo tôi, khó khăn nhất của học sinh dân tộc thiểu số khi tập trung 3 tại chỗ tại trường nội trú là trong thời gian đầu mới nhập học. Các em còn nhỏ (mới 12 tuổi), lần đầu xa gia đình, nhiều em chưa biết tự chăm sóc bản thân, sử dụng các trang thiết bị hiện đại…

Bên cạnh đó, nhiều học sinh dân tộc thiểu số chưa bỏ được những thói quen từ nhỏ trong gia đình, bản làng. Đặc biệt cách vệ sinh, ăn uống, ý thức sinh hoạt tập thể. Sau 1 tháng, với sự hướng dẫn, quản lý của thầy cô, các em sẽ dần hòa nhập, chăm ngoan và học tập, rèn luyện tốt.

Hướng dẫn các em học sinh làm quen với sinh hoạt tại trường nội trú. Ảnh tư liệu
Hướng dẫn các em học sinh làm quen với sinh hoạt tại trường nội trú. Ảnh tư liệu

 

Bạn đọc

Bạn ganhep2k@...:

Một ngày của học sinh nội trú tại trường diễn ra như thế nào thưa cô? Công tác giáo dục đạo đức, tác phong cho các em được dành thời gian ra sao?
Cô Lô Thị Thùy

Cô Lô Thị Thùy

Học sinh nội trú thường bắt đầu từ 5h30 phút để tập thể dục, vệ sinh cá nhân, vệ sinh khu vực đã phân công. 6h15 – 6h40 phút các em ăn sáng. Từ 6h55 đến 11h30 các em học tập trên lớp. Từ 11h35 đến 13h40 phút các em ăn trưa, nghỉ ngơi.

Buổi chiều, từ 14h đến 15h30 phút các em học chương trình tăng cường. Từ 15h35 phút đến 17h các em tham gia các câu lạc bộ nghệ thuật, thể dục thể thao, đọc sách tại thư viện…

Học sinh trường PTDT Nội trú THCS Tương Dương. Ảnh tư liệu
Học sinh trường PTDT Nội trú THCS Tương Dương. Ảnh tư liệu

Từ 17h đến 18h phút các em vệ sinh khu vực, cá nhân, chăm sóc vườn rau theo lớp. Từ 18h05 phút đến 18h50, các em ăn tối. Từ 19h đến 19h25 phút các em đọc sách tại lớp theo hướng dẫn của nhân viên thư viện. Từ 19h30 đến 22h các em tự học tại lớp có sự hướng dẫn, kèm cặp của giáo viên trực.

Công tác giáo dục đạo đức, tác phong được lồng ghép trong các tiết dạy, vào thời gian ngoài giờ lên lớp và các buổi sinh hoạt ngoại  khóa vào chiều thứ 7 hàng tuần.

Thời gian biểu của học sinh dân tộc nội trú được bố trí, sắp xếp khoa học, đảm bảo các em vừa có thời gian học kiến thức, vừa rèn luyện kỹ năng, thể dục thể thao, và sinh hoạt cá nhân, nghỉ ngơi. Đồng thời có sự quản lý, giám sát thường xuyên của thầy cô.

Có thể nói, ban đầu, khi học sinh làm quen với những quy tắc, môi trường nội trú sẽ có những khó khăn, vất vả. Nhưng nhà trường xác định, hình thành được tác phong sinh hoạt, giờ giấc điều độ đối với lứa tuổi học sinh THCS đặc biệt quan trọng. Những thói quen này sẽ theo các em lâu dài và giúp các em biết sắp xếp thời gian hợp lý giữa học tập, vui chơi, hoạt động kỹ năng...trong cuộc sống sau này.

Bạn đọc

Bạn vithanhnhan@...:

Với đặc điểm học sinh gồm đa thành phần dân tộc: Thái, Mông, Khơ Mú... Vậy làm thế nào để tạo sự hòa nhập, giao lưu giữa các em học sinh trong trường? Việc sắp xếp phòng ở, hay xếp lớp có lưu ý đặc biệt gì không?
Cô Lô Thị Thùy

Cô Lô Thị Thùy

Nhằm xóa bỏ ngăn cách giữa học sinh thuộc các thành phần dân tộc khác nhau, nhà trường bố trí mỗi lớp học đều có đủ các thành phần dân tộc. Việc cùng học tập trong một môi trường sẽ giúp các em tiếp xúc, giao lưu với nhau. Dần dần hòa nhập và đoàn kết phối hợp cùng nhau trong học tập, rèn luyện và hoạt động ngoài giờ lên lớp khác.

Việc sắp xếp phòng ở cho các em vẫn thường theo bản, theo dân tộc để có sự tương đồng, phù hợp về văn hóa, lối sống. Tuy nhiên, khi sinh hoạt tập thể, các chương trình do nhà trường tổ chức tại ký túc xá thì vẫn theo lớp học.

Ở trường Trường PTDT Nội trú THCS Tương Dương mỗi lớp học đều có đủ các thành phần dân tộc. Ảnh tư liệu
Ở trường Trường PTDT Nội trú THCS Tương Dương mỗi lớp học đều có đủ các thành phần dân tộc. Ảnh tư liệu

 

Bạn đọc

Bạn Trần Hạnh (Yên Bái):

Xin cô cho biết về đặc điểm về thành phần dân tộc, năng lực, kỹ năng sống của học sinh trường phổ thông DTNT THCS Tương Dương? Những đặc điểm này có thuận lợi và khó khăn gì đối với công tác giáo dục đạo đức, tác phong cho học sinh?
Cô Lô Thị Thùy

Cô Lô Thị Thùy

Trường Phổ thông DTNT THCS Tương Dương hiện có 6 thành phần dân tộc (Thái, Mông, Khơ Mú, Ơ Đu,…) cho nên văn hóa và năng lực, kỹ năng của các em có sự khác nhau. Điều này vừa thuận lợi vừa có khó khăn nhất định trong công tác giáo dục đạo đức, tác phong cho học sinh. 

Về thuận lợi, các em được về học tập, sinh hoạt chung nên có dịp được giao lưu, tìm hiểu về văn hóa của các dân tộc trên địa bàn. Mặt khác, học sinh của trường DTNT vốn là những em có lực học khá từ các trường tiểu học trên địa bàn huyện. Các em cũng đã có kiến thức nền nảng cơ bản. Bên cạnh đó, đặc điểm của học sinh DTTS ngoan ngoãn, biết vâng lời thầy cô. Trên cơ sở đó nhà trường hướng dẫn, cung cấp kỹ năng, phương pháp học tập cho các em.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là kỹ năng của học sinh DTTS ở độ tuổi này còn rất hạn chế. Do môi trường sống của các em từ trước đến nay chỉ ở trong bản làng, chưa chưa biết cách giao tiếp, bỡ ngỡ, không mạnh dạn, sống khép mình.

Một số em có tâm lý chỉ muốn giao lưu, tiếp xúc với các bạn ở cùng bản, cùng xã, hoặc dùng dân tộc; do những sự phân biệt dân tộc nên thường né tránh giao lưu, tiếp xúc với các bạn khác dân tộc.

Mặc dù là học sinh được lựa chọn từ các trường tiểu học trong toàn huyện, nhưng nhiều em Tiếng Việt chưa thông thạo, tốc độ tiếp thu chậm, nên kết quả học tập ban đầu không cao. Thầy cô phải dày công hơn trong dạy học, khích lệ để các em không nản chí mà có động lực tiếp tục theo học tại trường.

Bạn đọc

Bạn luongkhuyen@...:

Đối với học sinh khối 6 đầu cấp, còn nhiều bỡ ngỡ, nhà trường đã có những hoạt động gì để chào khóa mới, giúp đỡ các em bắt nhịp với môi trường học tập, sinh hoạt nội trú? Bài học làm quen đầu tiên đối với học sinh đầu cấp là gì, thưa cô?
Cô Lô Thị Thùy

Cô Lô Thị Thùy

Học sinh Trường PTDT Nội trú THCS Tương Dương. Ảnh tư liệu
Học sinh Trường PTDT Nội trú THCS Tương Dương. Ảnh tư liệu

 

Đối với những năm học trước (năm học không có dịch), nhà trường thường tổ chức đón học sinh lớp 6 trước ngày tựu trường để có thời gian giúp các em làm quen với cuộc sống mới. Với các hoạt động như: Tổ chức giáo dục về truyền thống nhà trường, phổ biến nội quy, sinh hoạt tập thể như múa hát sân trường… Tổ chức lễ chào đón học sinh lớp 6 trong ngày khai giảng.

Năm học này, vì thực hiện phòng chống dịch Covid-19, nhà trường không tập trung học sinh nên những công việc đó được giao cho giáo viên phụ trách từng lớp, từng phòng. Thực hiện hướng dẫn các kỹ năng cơ bản của cuộc sống tập thể, như hướng dẫn cách giặt quần áo, gấp chăn màn, cách giữ vệ sinh cá nhân và vệ sinh chung...

Học sinh lớp 6 vừa qua độ tuổi tiểu học, phần lớn chưa từng sống xa gia đình, nên sẽ rất nhớ bố mẹ, người thân. Vì vậy, thầy cô phải quan tâm hơn, trong thời gian đầu thường xuyên đến phòng thăm nom, trò chuyện, động viên để giúp các em vơi bớt nỗi nhớ nhà, bắt nhịp vào môi trường học tập mới.

Bạn đọc

Bạn Đức Dũng (Thanh Hóa):

Năm nay học sinh không có ngày tựu trường và khai giảng tập trung như những năm học trước. Điều này có gây khó khăn gì đối với cả nhà trường trong chuẩn bị đón học sinh nội trú, thưa cô?
Cô Lô Thị Thùy

Cô Lô Thị Thùy

Cô Lô Thị Thùy - Hiệu trưởng Trường PTDT Nội trú THCS Tương Dương
Cô Lô Thị Thùy - Hiệu trưởng Trường PTDT Nội trú THCS Tương Dương

Năm học 2021-2022, trước khi chính thức vào dạy học không có ngày tựu trường và khai giảng tập trung, nên về phía nhà trường gặp một số khó khăn khi đón học sinh nội trú. Bởi vì sau thời gian nghỉ hè dài hơn 3 tháng, khi trở lại đi học, thầy cô phải có thời gian sắp xếp, ổn định lại nề nếp sinh hoạt cho các em.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh, là trường nội trú với  học sinh, công tác vệ sinh, khử khuẩn, đảm bảo an toàn cho các em và giáo viên đặc biệt được chú trọng. Sau khi đề xuất và được sự thống nhất, đồng ý của lãnh đạo các cấp, nhà trường tổ chức đón toàn bộ các em về trường và dạy học từ ngày 6/9. Đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn, nhắc nhở học sinh thực hiện 5K phòng dịch, nội bất xuất ngoại bất nhập.

Riêng khối 6, là lứa học sinh mới, đầu cấp còn nhiều bỡ ngỡ. Vì các em không có thời gian làm quen với thầy cô giáo, bạn bè; chưa kịp quen với cuộc sống tập thể,… Cho nên giáo viên, nhân viên vất vả hơn trong việc động viên, hướng dẫn các em cách thích nghi với cuộc sống mới.

Song song với các hoạt động đó, nhà trường còn khẩn trương tận dụng thời gian dạy học trực tiếp các kiến thức cốt lõi, trọng tâm cho các em. Hướng dẫn các em làm quen với việc trực tuyến để hỗ trợ học trực tiếp và chuyển hình thức dạy học nếu như dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Bạn đọc

Bạn mataivan…@gmail.com:

Thời điểm này, nhiều cơ sở giáo dục phải tổ chức dạy học online. Vậy vấn đề giáo dục đạo đức, lối sống của học sinh, sinh viên có cần thiết không, nếu có thì cách triển khai như thế nào cho hiệu quả, thưa bà?
TS Nguyễn Thị Thanh Nga

TS Nguyễn Thị Thanh Nga

Giáo dục nói chung và giáo dục đạo đức nói riêng đó là việc diễn ra trong suốt cuộc đời và không phụ thuộc vào việc học online hay offline. Hiện nay, chúng ta nói nhiều đến “dạy học phát triển năng lực”.

Như vậy, kiến thức chỉ là một phần, điều quan trọng là từ kiến thức đó, bạn hình thành ở học sinh những năng lực thực tiễn gì. Chính vì vậy, dù là môn Toán, Hóa, Lý, hay môn Sinh… là giáo viên bạn nên tư duy để cài cắm vào đó các bài học đạo đức một cách nhẹ nhàng, dễ hiểu.

Tôi được nghe một gợi ý về việc dạy toán phát triển năng lực như thế này: Trong bài giảng tính % trong môn Toán, cô giáo chiếu hình ảnh hoặc video đi siêu thị. Trong đó, có những quầy hàng giảm giá 20, 30, 40%.

Sau khi yêu cầu học sinh làm các bài toán về phần trăm, giáo viên đặt các câu hỏi mở rộng: Tại sao lại giảm giá? Giảm giá như vậy, nhà sản xuất có lãi không?  Liệu giảm giá nhiều như vậy có câu chuyện hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, thực phẩm bẩn không? Quan điểm của em về vấn đề này như thế nào?...

Như vậy, giáo dục đạo đức không phụ thuộc vào việc học oniline hay offline mà phụ thuộc vào việc giáo viên tư duy, thiết kế chương trình và phương pháp giáo dục như thế nào mà thôi. 

Bạn đọc

Bạn Nguyễn Thu Trà, TP Cần Thơ:

Bạo lực học đường trở thành nỗi ám ảnh của nhiều học sinh và phụ huynh. Có cách nào để “phòng và trị tận gốc” vấn nạn này, thưa tiến sĩ?
TS Nguyễn Thị Thanh Nga

TS Nguyễn Thị Thanh Nga

Theo tôi, để phòng và trị tận gốc thì giáo dục không chỉ hướng đến kỹ năng sống. Tôi cho rằng, kỹ năng sống (trong vấn đề bạo lực đó là: các kỹ năng ứng phó bạo lực học đường, kỹ năng kiểm soát cảm xúc, kỹ năng giao tiếp học đường) chỉ là ngọn.

Nếu giáo dục chỉ tập trung cắt hành vi thì tình trạng bạo lực học đường vẫn còn diễn ra. Vậy giáo dục tập trung vào gốc là ở đâu? Theo tôi đó là giáo dục thật tốt các giá trị sống.

UNESCO đưa ra 12 giá trị sống như sau: Hòa bình, tôn trọng, yêu thương, khoan dung, trung thực, khiêm tốn, hợp tác, trách nhiệm, hạnh phúc, giản dị, tự do, đoàn kết.

Đây là những giá trị sống nhất thiết phải được đưa vào giáo dục cùng với các kỹ năng sống. Những nội dung giá trị sống này cần được đưa vào, “cài cắm” vào tất cả các nội dung môn học. Tránh giáo dục một cách giáo điều, hình thức và “tẻ nhạt”, hô khẩu hiệu… Làm được như vậy, sẽ xây dựng cho các em có “cái gốc” để tránh xa bạo lực học đường.

Bạn đọc

Bạn hanoi@gmail.com:

Con trai tôi năm nay học lớp 12 đã vướng vào chuyện yêu đương. Vợ chồng tôi khuyên can thế nào cũng không nghe, nhiều lúc còn nổi khùng với bố mẹ. Cô Nga tư vấn giúp tôi giải quyết tình huống này với. Cảm ơn cô!
TS Nguyễn Thị Thanh Nga

TS Nguyễn Thị Thanh Nga

Theo TS Nguyễn Thị Thanh Nga, phụ huynh cần trở thành một người bạn của con.
Theo TS Nguyễn Thị Thanh Nga, phụ huynh cần trở thành một người bạn của con.

Tình yêu đầu đời là chuyện tự nhiên và là bình thường trong giai đoạn phát triển tâm lý của con người. Với sự phát triển hiện nay, tình yêu đầu đời xuất hiện sớm hơn.

Mẫu giáo, các em đã có sự tò mò với bạn khác giới. Tiểu học, các con đã biết thích bạn này, bạn kia. Lên THCS, các con đã trao thư tỏ tình. Đến THPT, nhiều em có thể đã “vắt vai” vài mối tình.

Trước tiên, không nên quá lo lắng và xác định đây là đặc điểm tâm lý tuổi hết sức tự nhiên. Mà đã là tự nhiên thì sao cấm cản và đặc biệt cần tránh những giáo huấn thường thấy như: “Mới nứt mắt ra đã yêu với đường” rồi lên trường ca “Học đi ấm vào thân chứ yêu đương gì?”…

Khi bạn cấm đoán, áp đặt thì trong mắt con bạn, bạn đã trở thành đối tượng mà con cần cảnh giác, cần nói dối, và nhiều trường hợp nổi khùng phản ứng lại. Tình cảm càng cấm thì lại càng tò mò, càng khao khát.

Hãy nhớ lại, khi bằng tuổi con, chúng ta có những tình cảm như vậy không? Khi có những điều cần tâm sự, chúng ta tâm sự với ai? Tại sao chúng ta lại dễ thổ lộ chuyện tình cảm của mình với bạn đến vậy?...

Vì bạn không phán xét, không áp đặt, không la mắng, không cấm đoán… Vậy nên, phụ huynh cần trở thành một người bạn của con. Hãy chia sẻ và lắng nghe con như một người bạn. Chỉ khi đó bạn mới có thể định hướng cho con những gì tốt nhất. 

Bạn đọc

Bạn Vương Thuý Vân – TP Hà Nội:

Tôi là giáo viên THCS. Lớp tôi chủ nhiệm có học sinh “cá biệt” làm ảnh hưởng chung đến phong trào thi đua của lớp. Điều tôi lo ngại nhất là học sinh sẽ “sai đường, lạc lối”; nguy hiểm hơn là em này còn lôi kéo bạn khác vào các hoạt động không lành mạnh. Tôi đã báo cáo nhà trường, gia đình để phối hợp giáo dục học sinh này. Tuy nhiên, vẫn chưa hiệu quả, thậm chí tôi còn bị học sinh đó ghét. Tôi phải làm gì bây giờ, mong nhận được lời khuyên từ chuyên gia?
TS Nguyễn Thị Thanh Nga

TS Nguyễn Thị Thanh Nga

Từ xưa đến nay, chúng ta vẫn hay nói rằng “Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”. Đặc biệt, giai đoạn lứa tuổi THCS là giai đoạn khủng hoảng với nhiều biến động trong sự phát triển tâm sinh lý.

Tò mò, ham mê khám phá, mong muốn thể hiện mình, bốc đồng, thiếu kiểm soát, thường hành động trước khi suy nghĩ chín chắn… là những biểu hiện thường thấy của học sinh ở giai đoạn này.

Trước tiên, chúng ta cần nhìn nhận những hành vi này là đặc điểm lứa tuổi, tránh dán nhãn cho học sinh là “láo, vô đạo đức, mất dạy…”. Việc báo cáo với nhà trường và gia đình là cần thiết trong việc phối hợp giáo dục nhưng cần tránh phối hợp trong việc “phạt, hoặc bêu gương” .

Giáo viên nhất thiết phải nắm vững đặc điểm tâm lý lứa tuổi của các em. Giáo dục học sinh “cá biệt” cần xuất phát từ mong muốn phát triển nhân cách của học sinh chứ không phải vì thành tích của lớp. Vì khi chúng ta nhìn vào thành tích, chúng ta thường nôn nóng, sốt ruột và thiếu đi tình cảm.

Đối với một học sinh cá biêt, giáo viên đừng đóng vai là “người phán xử” hay “cảnh sát, công an”, hãy tìm cách trở thành bạn của các em. Khi đó, chúng ta mới có thể nói chuyện, tìm hiểu nguyên nhân, tâm tư và đưa ra những lời khuyên hợp lý.

Thay đổi hành vi của một con người, uốn nắn một nhân cách, ngoài việc áp dụng các phương pháp còn cần gửi vào đó cả tình cảm và sự mến yêu.

Bạn đọc

Bạn Hà Duy Phương, tỉnh Bạc Liêu:

Nhiều trường tổ chức các hoạt động ngoại khoá để giáo dục và phát triển kĩ năng cho học sinh, sinh viên. Việc này có cần thiết không, thưa tiến sĩ?
TS Nguyễn Thị Thanh Nga

TS Nguyễn Thị Thanh Nga

Hoạt động giáo dục ngoại khóa là một trong những nội dung quan trọng trong việc giáo dục phát triển toàn diện cho học sinh. Riêng theo ghi nhận từ con tôi và những học sinh, sinh viên mà tôi biết, các em rất hào hứng với những giờ ngoại khóa.

Khi tham gia các hoạt động này, các em được xả căng thẳng sau các giờ ngồi bó hẹp trong không gian lớp học. Nếu chúng ta tổ chức tốt, hoạt động này giúp cho người học phát huy được nhiều kỹ năng, năng lực và chính là hoạt động củng cố, mở rộng các kiến thức trên lớp.

Bạn đọc

Bạn Dương Quế Anh – tỉnh Đồng Tháp:

Mọi người thường nói tới giải pháp “kiềng 3 chân”: nhà trường – gia đình – xã hội trong giáo dục HSSV. Nhưng cứ có việc gì xảy ra lại đổ lỗi cho nhà trường. Vậy theo cô, vai trò của gia đình và xã hội như thế nào để thực sự là “kiềng 3 chân” trong giáo dục HSSV.
TS Nguyễn Thị Thanh Nga

TS Nguyễn Thị Thanh Nga

Hoạt động dành cho cha mẹ học sinh của trường Ban Mai. Ảnh tư liệu
Hoạt động dành cho cha mẹ học sinh của trường Ban Mai. Ảnh tư liệu

Nhiệm vụ giáo dục đạo đức, lối sống của học sinh nhất thiết phải có sự chung tay góp sức của các cấp, các ngành, của toàn xã hội. Bác Hồ đã chỉ ra: “Giáo dục nhà trường chỉ là một phần, cần có sự giáo dục ngoài xã hội, trong gia đình”.

Sự hình thành và phát triển nhân cách của mỗi con người đều chịu ảnh hưởng từ 3 lực lượng giáo dục gồm: gia đình, nhà trường và xã hội. Trong đó, gia đình là môi trường giáo dục đầu tiên quyết định đến việc hình thành đạo đức, lối sống cho học sinh.

Rất nhiều nhà tâm lý học cho rằng, cách ứng xử giữa các thành viên trong gia đình, tấm gương của cha mẹ… có hình hài như thế nào thì đứa trẻ phản ánh đúng như thế vào các mối quan hệ tại trường và ngoài xã hội.

Gia đình thiếu sự yêu thương, quan tâm hoặc giáo dục không đúng cách chính là yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến lối sống đạo đức của học sinh. Yếu tố thứ hai dẫn tới những hành vi lệch chuẩn hiện nay của học sinh chính là việc tiếp xúc với Internet, điện thoại thông minh, mạng xã hội, phim ảnh, âm nhạc,… mà chưa được giáo dục các kỹ năng cần thiết như sử dụng như thế nào? Lựa chọn các thông tin thu nạp? Kỹ năng ứng phó với việc sử dụng internet quá đà…

Yếu tố thứ ba đó chính là trường học. Chúng ta cũng cần nhìn nhận rằng: Giáo dục là con đường cơ bản nhất trong việc phát triển nhân cách của con người thông qua việc định hướng và tổ chức dẫn dắt quá trình hình thành, phát triển nhân cách của cá nhân (xác định mục đích giáo dục cho cả hệ thống, cho từng bậc học, cấp học, trường học và từng hoạt động giáo dục cụ thể; Xây dựng nội dung, chương trình, kế hoạch dạy học và giáo dục, lựa chọn phương pháp, phương tiện và hình thức giáo dục đáp ứng mục đích giáo dục, phù hợp với nội dung và đối tượng, điều kiện giáo dục cụ thể; Tổ chức các hoạt động giáo dục; Đánh giá, điều chỉnh nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục…).

Giáo dục con người nhất thiết phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình - nhà trường - xã hội. Tuy nhiên, trong câu chuyện về giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, chúng ta cũng cần nghiêm túc nhìn nhận lại xem công tác giáo dục đạo đức đã được quan tâm đúng mức chưa? Có thiên về kiến thức: Văn, Toán, tiếng Anh, Lý, Hóa… hơn so với các môn như: đạo đức, giáo dục công dân không? Công tác giáo dục đạo đức cho học sinh đã đạt hiệu quả chưa…?

Bạn đọc

Bạn touyen…@gmail.com:

Xin cho biết tham vấn tâm lý cần hướng tới những nội dung cơ bản nào?
TS Nguyễn Thị Thanh Nga

TS Nguyễn Thị Thanh Nga

Căn cứ trên những vấn đề về sức khỏe tâm thần cũng như những hiện tượng tiêu cực nảy sinh trong đời sống học đường, tham vấn tâm lý cần hướng tới những nội dung cơ bản sau:

Thứ nhất: Cần cung cấp và tham vấn cho các em về những vấn đề tâm lý lứa tuổi, giới tính, sức khỏe sinh sản... đảm bảo “vẽ cho hươu chạy đúng đường”

Thứ hai: Cần tham vấn và giáo dục kỹ năng, biện pháp ứng xử văn hóa trong học đường. Đặc biệt, là tham vấn và giáo dục các kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại.

Thứ ba: tham vấn học đường cần hướng vào việc trợ giúp tâm lý học sinh nhận thức được thế mạnh/tiềm năng của mình để tự giải quyết/ứng phó với những khó khan tâm lý gặp phải.

Bên cạnh đó, tham vấn học đường cần phát hiện sớm những nguy cơ gặp khó khăn tâm lý ở học sinh trong học tập, quan hệ xã hội để phòng ngừa thông qua việc xây dựng những chương trình nhằm cải thiện môi trường học tập, quan hệ xã hội trong nhà trường.

Thứ tư: Tham vấn học đường cần có các chiến lược nhằm giúp học sinh phát triển khả năng học tập như: giúp học sinh đánh giá khả năng, hứng thú, tài năng và đặc điểm nhân cách của mình; tham vấn về kỹ năng, phương pháp học tập hiệu quả và đặc biệt là định hướng nghề nghiệp.

Tất nhiên, để làm những nội dung này cần đảm bảo người làm công tác tham vấn học đường được đào tạo và có chế độ chính sách đãi ngộ phù hợp. Trên thực tế, hiện nay ở các trường đã có phòng tham vấn học đường.

Tuy nhiên, các trường thường sử dụng giáo viên chủ nhiệm, cán bộ làm công tác đoàn đội… kiêm nhiệm. Điều này gia tăng áp lực công việc của giáo viên, mặt khác do không được đào tạo bài bản nên trong công tác tham vấn tâm lý còn nhiều lúng túng.

Bạn đọc

Bạn haiphong…@gmail.com:

Theo quan điểm của bà, có nhất thiết thành lập phòng tham vấn học đường ở các trường phổ thông hay không?
TS Nguyễn Thị Thanh Nga

TS Nguyễn Thị Thanh Nga

TS Nguyễn Thị Thanh Nga và HS trường Ban Mai. Ảnh tư liệu
TS Nguyễn Thị Thanh Nga và HS trường Ban Mai. Ảnh tư liệu

 

Theo báo cáo khoa học của Weiss và cộng sự cho thấy, hiện ở Việt Nam tỷ lệ mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần chung từ 8% đến 29%. Trẻ em có vấn đề sức khỏe tâm thần khoảng 12%, tương đương hơn 3 triệu trẻ em có nhu cầu về các dịch vụ sức khỏe tâm thần . 

Các vấn đề sức khỏe tâm thần phổ biến nhất trong trẻ em Việt Nam hiện nay gồm: lo âu, trầm cảm, cô đơn, tăng động và giảm chú ý. Ngoài ra, các vấn đề về lạm dụng chất (sử dụng thuốc lá), bạo lực học đường ngày càng có xu hướng tăng. 

Các nghiên cứu khoa học cũng chỉ ra vấn đề sức khỏe tâm thần có ảnh hưởng rất lớn đến học tập và phát triển nhân cách của học sinh. Học sinh bị rối nhiễu về hành vi thường hay trốn học, nghỉ học và thường gặp các vấn đề trong quan hệ với giáo viên và bạn học.

Con số thống kê tại Hoa kỳ cho thấy, tỷ lệ học sinh THPT có vấn đề sức khỏe tâm thần cũng đồng thời được chẩn đoán khuyết tật học tập là 91% . Ngoài ra, báo cáo của Bộ giáo dục Hoa Kỳ (2002) cũng cho thấy, có tới 51% học sinh THPT bị rối nhiễu hành vi bỏ học giữa chừng.

Trong số những học sinh bị chẩn đoán rối nhiễu hành vi hoàn thành chương trình THPT ở Hoa Kỳ, chỉ 20% tiếp tục học lên các bậc học cao hơn (Cao đẳng, Đại học); phần lớn họ đều gặp phải những vấn đề liên quan đến khả năng thích ứng nghề nghiệp sau này  (Wagner et al., 2005).

Tại Việt Nam, vấn đề về sức khỏe tâm thần và khó khăn tâm lý của học sinh có xu hướng gia tăng nên rất cần thiết thành lập phòng tham vấn học đường. Xuất phát từ nhu cầu và tính cấp thiết này, Bộ GD&ĐT đã ra thông tư số 31/2017 hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông.

Đây được xem như một cú hích quan trọng về mặt pháp lý trong công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần tại trường học cho trẻ em tại Việt Nam. Trong đó, vai trò và vị trí việc làm của các chuyên gia chăm sóc sức khỏe tâm thần, chuyên gia tâm lý học lâm sàng, chuyên gia tham vấn học đường tại các đơn vị giáo dục đào tạo từ cấp tiểu học tới phổ thông là không thể thiếu.

Bạn đọc

Bạn mochuong….@gmail.com:

Em là giáo viên trẻ, năm nay là năm đầu tiên làm công tác chủ nhiệm. Em phát hiện, một nhóm học sinh nam đọc truyện “người lớn”. Em dự định sẽ đưa vấn đề này ra để giáo dục lối sống cho học sinh trong giờ sinh hoạt lớp, nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu và làm như thế nào. Mong nhận được lời tư vấn của chuyên gia.
TS Nguyễn Thị Thanh Nga

TS Nguyễn Thị Thanh Nga

Tôi không rõ bạn đang dạy ở cấp học nào, nhưng ngay từ khi 2 tuổi, chúng ta cũng tự tò mò về các bộ phận trên cơ thể của mình. Ở các giai đoạn sau là tò mò về cơ thể của bạn khác giới, lớn hơn là tò mò về chuyện quan hệ nam nữ… Vậy việc tò mò, mong muốn khám phá về mối quan hệ khác giới, đó không phải là việc xấu.

Trong các nội dung về giáo dục giới tính, sức khỏe học sinh, bạn có thể khéo léo định hướng các em trong việc lựa chọn các nguồn thông tin trong việc tìm hiểu về giới tính.

Tại Mỹ, có một bộ phim Sex Education nói về các vấn đề giới tính trong lứa tuổi học đường như: các dấu hiệu phát triển, thủ dâm, bạn khác giới, quan hệ nam nữ, quan hệ đồng giới… 

Trong phim việc lồng ghép giáo dục được diễn ra nhẹ nhàng, vui vẻ hợp tâm lý lứa tuổi. Bạn thử xem để thêm các kiến thức về tâm sinh lý lứa tuổi học trò nhé.

Bạn cũng có thể tổ chức các buổi sinh hoạt, các buổi tọa đàm với nhiều nội dung như: tình bạn khác giới; tình yêu đầu đời… để lắng nghe quan điểm của các em. Nội dung “đọc truyện người lớn” chỉ là một nội dung nhỏ mà bạn đưa vào, và phải thật khéo léo đừng để “đối phương” nghĩ bạn lôi chuyện của em ấy ra thảo luận và dậy dỗ nhé.

Bạn đọc

Bạn lelam…@gmail.com:

Chào cô Nga! Tôi là hiệu trưởng của một trường ngoài công lập. Nhờ cô tư vấn về các biện pháp giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Cảm ơn cô!
TS Nguyễn Thị Thanh Nga

TS Nguyễn Thị Thanh Nga

TS Nguyễn Thị Thanh Nga - Viện Tâm lý học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
TS Nguyễn Thị Thanh Nga - Viện Tâm lý học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

 

Nhà trường muốn thay đổi, đầu tiên phải bắt đầu từ đội ngũ lãnh đạo, đặc biệt là hiệu trưởng. Người lãnh đạo cần xác định giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh là nhiệm vụ trọng tâm của nhà trường. Từ đó, thay đổi các hình thức giáo dục.

Giáo dục đạo đức mà diễn ra bằng các hình thức khô cứng, hình thức hoặc chỉ là hô hào khẩu hiệu sẽ không thu lại kết quả như mong muốn. Giáo dục đạo đức cần hướng vào các hành động thực tiễn chứ không nặng tính học thuật.

Nhà trường có thể xây dựng các nội dung giáo dục lối sống cho học sinh dựa trên các hiện tượng nổi cộm trong xã hội, các hành vi lệch chuẩn xuất hiện trong đời sống học đường.

Một nguyên lý mà nhà giáo dục nào cũng cần hiểu đó là: “Chúng ta chỉ có thể cho người khác cái mà chúng ta có”. Trong giáo dục đạo đức, lối sống cũng vậy; Chỉ khi nào các thầy cô là những cây nhân cách, là những bậc thầy hiền trí chúng ta mới có thể trao truyền cho thế hệ học trò những phẩm chất đạo đức tốt đẹp được.

Vì vậy, tôi đề cao vấn đề xây dựng hình mẫu từ chính đội ngũ giáo viên và nhân viên trong nhà trường.

“Tam bảo” để giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh gồm: Người thầy hiền trí, bạn tốt và tủ sách hay. Thầy cần là người thầy đủ năng lực và phẩm chất nhân cách.

Trong nhà trường bắt buộc phải xây dựng bằng được thư viện, và không thể thiếu những cuốn sách hay về các vĩ nhân. Nên xây dựng văn hóa đọc, hướng dẫn cách chọn sách và cách đọc sách cho học sinh.

Vì tự học vẫn là một kỹ năng quan trọng nhất trong quá trình phát triển nhân cách của mỗi người. Giáo dục đạo đức, lối sống cũng có thể thông qua các nhóm bạn. Vì với học sinh, quan hệ bạn bè yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến nhân cách của các em.

Ngoài ra, cần có sự gắn kết các lực lượng giáo dục trong việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Cần thay đổi hình thức họp phụ huynh theo hướng thiết thực nhất như: tổ chức nhiều buổi “Parenting” trong đó tập trung trao đổi, chia sẻ về phương pháp giáo dục để nhà trường, gia đình hiểu nhau hơn, phối hợp chặt chẽ hơn trong công tác giáo dục con trẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sa mạc ngập vì mưa bất thường

GD&TĐ - Hầu hết các nhà khoa học đều có chung nhận định, biến đổi khí hậu có thể 'tiếp tay' gây ra tình trạng thời tiết cực đoan ở UAE.
Ảnh minh họa ITN.

Nên hay không?

GD&TĐ - Trong xu thế tự chủ đại học, nhiều cơ sở đào tạo đã chủ động xét tuyển sớm.