Giáo dục và hạnh phúc

GD&TĐ - Từ năm 2019, Bộ GD&ĐT triển khai cuộc vận động “xây dựng trường học hạnh phúc”. Để cuộc vận động có hiệu quả thiết thực, không chỉ như một phong trào, cần có những hiểu biết sâu sắc về giáo dục và hạnh phúc, những giải pháp căn cơ, lâu dài.

Con người luôn mong muốn có được cảm giác hạnh phúc càng nhiều càng tốt. Ảnh minh họa
Con người luôn mong muốn có được cảm giác hạnh phúc càng nhiều càng tốt. Ảnh minh họa

Khoa học về hạnh phúc 

Trên bình diện khoa học và giáo dục, hạnh phúc cũng là một đối tượng được nghiên cứu, thảo luận và hướng đến xây dựng một khoa học mới, đó là “khoa học hạnh phúc”, không chỉ là lý thuyết về hạnh phúc mà còn nhắm đến các giá trị thực tiễn của hạnh phúc.

Về phương diện triết học, nếu muốn tìm ra một khái niệm trung tâm có khả năng thống nhất ở mức độ cao của cả 3 phương diện CHÂN, THIỆN, MĨ trong tam giác lý tưởng của Platon thì khái niệm đó chính là HẠNH PHÚC. Nếu đạt được một phương diện trên cũng đủ khả năng đem lại hạnh phúc cho con người, nhưng nếu đạt được sự tổng hợp và thống nhất của cả 3 phương diện, niềm hạnh phúc lớn lao và trọn vẹn hơn. 

Trong đó, Chân được hiểu là thật, là chân thực, xác thực. Chân đối lập với phạm trù cái giả -  không thật. Và chân còn được hiểu là chân lý - tức là cái đúng, chính xác; Thiện là tốt, lòng tốt, lương thiện, đối lập với cái ác; Mĩ là phạm trù thẩm mĩ khá phức tạp, song hiểu một cách thông dụng, đó là cái đẹp. Cái đẹp ở trong thiên nhiên, trong cuộc sống và trong con người.

Các nhà giáo dục theo trường phái hạnh phúc cho rằng: Hạnh phúc là mục đích quan trọng nhất của giáo dục cần đạt tới, vấn đề học không chỉ để “biết”, “làm”, “tự khẳng định mình” và để “chung sống”, như quan niệm 4 trụ cột giáo dục của UNESCO. Nhưng xét cho cùng, học là để chinh phục và nắm bắt hạnh phúc trên bình diện cá nhân lẫn cộng đồng. Các yếu tố “biết”, “làm”, “tự khẳng định mình”... tự nó không làm nên hạnh phúc mà chỉ là điều kiện của hạnh phúc. Theo Nel Noddings (nhà giáo dục Mỹ), “Giáo dục mà không đưa đến hạnh phúc là một nền giáo dục sai lầm và què quặt, còn hạnh phúc mà không có giáo dục là hạnh phúc không bền vững”. 

Cần nâng cao nhận thức cho giáo viên, học sinh về hạnh phúc và mục tiêu hạnh phúc của giáo dục. Ảnh minh họa
Cần nâng cao nhận thức cho giáo viên, học sinh về hạnh phúc và mục tiêu hạnh phúc của giáo dục. Ảnh minh họa

Hạnh phúc là mục tiêu giáo dục

Từ nhiều bối cảnh văn hóa, chính trị, xã hội khác nhau, các nước đặt ra mục tiêu giáo dục rất đa dạng, phong phú và không giống nhau. Nhưng dù mục tiêu như thế nào thì tất cả đều quy về đích cuối cùng là “hạnh phúc”. Việc đặt ra mục tiêu này, do một số lý do sau đây: 

Hạnh phúc là cảm xúc cao nhất của con người: Theo tâm lý học, hạnh phúc là một trạng thái cảm xúc của con người khi được thỏa mãn một nhu cầu nào đó, là cảm xúc bậc cao, chỉ có ở loài người, mang tính nhân bản sâu sắc và thường chịu tác động của lý trí;

Giáo dục cần mang lại cho con người một ý nghĩa: Các nhà hoạch định chính sách và giáo dục bàn thảo rất nhiều về mục tiêu, chức năng và hiệu quả giáo dục. Tuy nhiên, vấn đề cao hơn, mang tính triết lý sâu sắc, đó là ý nghĩa của giáo dục. Liệu giáo dục có mang đến một ý nghĩa nào đó cho người học hay không. Học để ứng dụng kiến thức vào thực tiễn, học để sáng tạo và nâng cao giá trị bản thân, khi đó việc học mới có ý nghĩa thiết thực với người học, chứ không phải học vì điểm, vì thành tích, vì danh dự của gia đình, để vào đại học; 

Tiến bộ về vật chất chưa bảo đảm hạnh phúc cho con người: Tiến bộ vật chất mà không đi liền với sự tiến bộ ở các lĩnh vực khác, đặc biệt là tinh thần và đạo đức thì có thể dẫn đến sự hủy hoại và tha hóa. Điều này có thể khắc phục một phần nhờ giáo dục; 

Hạnh phúc là nhu cầu của HS và GV: GS Hồ Ngọc Đại cho rằng, nhà trường phải làm sao để HS “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Một nghiên cứu mới đây của GS Huỳnh Văn Sơn (Trường Đại học Sư phạm TPHCM) cho thấy, HS có nhu cầu hạnh phúc khi đến trường. Theo kết quả khảo sát trong 181 HS ba khối lớp 6, 7, 8, có đến 92,8% HS mong thầy, cô cười nhiều hơn khi vào lớp; 82,4% HS mong thầy, cô không phê bình mình trước mặt bạn bè và người khác; 74% HS mong thầy, cô mỗi khi vào lớp không nhắc đi nhắc lại “môn học này là quan trọng nhất”... 

Những con số này nói lên thông điệp: HS mong đợi những điều đơn giản ở thầy cô, mong thầy cô biết, hiểu để đáp ứng. Theo GS Huỳnh Văn Sơn, “Nếu chúng ta muốn xây dựng hay tạo nên những lớp học hạnh phúc, hay hướng đến hạnh phúc của HS mà quên đi chủ thể song hành, thì thật là khiên cưỡng”. Vì vậy, muốn HS hạnh phúc, trước hết GV phải cảm thấy được hạnh phúc khi làm nhiệm vụ dạy học.

Những chuyển động tích cực

Những năm gần đây, ngành Giáo dục triển khai các giải pháp hướng đến giáo dục hạnh phúc như: Giảm tải chương trình học, chương trình giáo dục phổ thông tiếp cận phát triển năng lực, phẩm chất và phát triển toàn diện HS theo từng cá nhân; giảm áp lực thi cử, thay đổi cách kiểm tra, đánh giá vì sự tiến bộ của HS; tăng cường hoạt động trải nghiệm ứng dụng kiến thức đã học vào thực tiễn; tăng cường khen thưởng, động viên và thực hiện kỷ luật tích cực đối với HS... 

Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Công đoàn Giáo dục tổ chức cuộc vận động: “Triển khai kế hoạch nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo vì một trường học hạnh phúc”. Trọng tâm mô hình này là “Trường học hạnh phúc – GV hạnh phúc – HS hạnh phúc”, với 3 tiêu chí cốt lõi: Yêu thương, An toàn và Tôn trọng. Trong đó, về yêu thương, đó là sự quan tâm, chia sẻ, tin tưởng lẫn nhau, sự hỗ trợ và sự bao dung. Về tôn trọng, là tôn trọng đồng nghiệp, tôn trọng đối với HS, nhất là sự khác biệt của mỗi em. GV biết lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ và hỗ trợ HS vượt qua khó khăn. Về an toàn, nhà trường bảo đảm an toàn cho GV và HS, không có tệ nạn xã hội, bạo lực học đường, xâm hại trẻ em, không dịch bệnh; không có sự xúc phạm giữa đồng nghiệp với nhau và xúc phạm HS... Nhiều địa phương trong cả nước đang từng bước triển khai xây dựng trường học hạnh phúc.

Giáo dục tích cực hướng đến giảm căng thẳng và tăng hạnh phúc cho cả học sinh và giáo viên. Ảnh: Thế Đại
Giáo dục tích cực hướng đến giảm căng thẳng và tăng hạnh phúc cho cả học sinh và giáo viên. Ảnh: Thế Đại

Những rào cản đối với trường học hạnh phúc

Để tiến tới trường học hạnh phúc còn nhiều rào cản, trước hết, đó là, bệnh thành tích của giáo dục. Ngành Giáo dục đã quyết liệt với bệnh thành tích, nhưng công tác thi đua, khen thưởng đôi khi vẫn tập trung vào các con số như: Tỷ lệ học sinh giỏi, tỷ lệ tốt nghiệp, số GV dạy giỏi, tỷ lệ lên lớp, nên tạo ra áp lực cho nhà trường,  GV và HS. 

Còn phụ huynh mong muốn con mình học giỏi, đỗ vào trường chuyên, hay đại học tốp đầu. Một số nơi sĩ số HS mỗi lớp rất cao, gây khó khăn cho dạy học và hoạt động giáo dục, nhất là đánh giá HS vừa nhận xét, vừa bằng điểm số. Ngành Giáo dục đang triển khai nhiều vấn đề mới như đổi mới chương trình, sách giáo khoa, đổi mới kiểm tra, đánh giá HS, nâng chuẩn đào tạo theo Luật Giáo dục 2019... đòi hỏi GV phải nỗ lực, đầu tư nhiều công sức hơn nhưng thu nhập thấp, không đủ sống, và nguy cơ lương có thể giảm do không còn phụ cấp thâm niên.

Cơ sở vật chất, trường lớp và đi lại của HS miền núi, vùng sông nước quá khó khăn, thiếu thốn; quy chế dân chủ cơ sở chủ yếu chỉ quy định dân chủ đối với GV, nhân viên, chưa quy định dân chủ với HS... Công tác bổ nhiệm đội ngũ quản lý giáo dục có nơi chưa minh bạch, dẫn đến chạy chức, chạy quyền... Đây là những trở ngại trong quá trình xây dựng trường học hạnh phúc.

Giải pháp xây dựng trường học hạnh phúc

Để xây dựng trường học hạnh phúc, trước hết, cần nâng cao nhận thức cho GV, HS về hạnh phúc và mục tiêu hạnh phúc của giáo dục. Đây là mục tiêu lâu dài, tối thượng của giáo dục. Vì vậy,  các hoạt động của nhà trường, hoạt động giảng dạy và học, trải nghiệm... đều hướng đến niềm vui, hạnh phúc cho HS và cho cả GV;

Tiếp đó, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho GV về dạy học tích cực, kiểm tra, đánh giá vì sự tiến bộ phẩm chất, năng lực của HS; nghiên cứu để xây dựng các chủ đề dạy học tích hợp có nội dung về hạnh phúc của con người để giảng dạy cho HS; cần xác định rõ trách nhiệm của nhà trường, trách nhiệm của thầy cô, trách nhiệm của HS với nhà trường và công tác xây dựng môi trường sư phạm dân chủ, văn minh một cách cụ thể, rõ ràng, không tạo ra áp lực nhưng cũng không quá tập trung vào phong trào, làm đẹp báo cáo thành thành tích mà không mang lại hiệu quả thiết thực.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ