Giải pháp phát triển hệ thống đồ chơi cho giáo dục mầm non

GD&TĐ - Giáo dục mầm non (GDMN) Việt Nam cần thay đổi để có một triết lý rõ ràng, khoa học hơn về mục tiêu GD trẻ từ 0 - 6 tuổi. Ngoài ra, cũng cần có hệ thống tài liệu về đồ chơi trẻ em mầm non. 

Khu vui chơi phát triển thể chất cho HS mầm non tại Trường MN Hoàng Diệu (TP Thái Bình)
Khu vui chơi phát triển thể chất cho HS mầm non tại Trường MN Hoàng Diệu (TP Thái Bình)

Đó là kiến nghị của nhóm nghiên cứu đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu giải pháp phát triển hệ thống đồ chơi phục vụ hoạt động GD trẻ, đáp ứng yêu cầu đổi mới GDMN” do Trường CĐSP Trung ương đảm nhiệm.

Tầm quan trọng của đồ chơi

Qua khảo sát nghiên cứu, nhóm tác giả cho biết, một số nước trên thế giới có quan điểm rõ ràng về tầm quan trọng của hệ thống đồ chơi cho trẻ mầm non. Theo đó, trẻ em sẽ chơi lâu hơn khi được cung cấp đồ chơi phù hợp và đạt được hiệu quả tốt nhất trong hoạt động chơi đó.

Theo kết quả nghiên cứu, hai yếu tố tác động mạnh mẽ nhất đến sự phát triển nhận thức ở giai đoạn sơ sinh và mầm non là: Đồ chơi cung cấp cho trẻ và sự liên hệ mật thiết của người mẹ. Các đồ chơi ở giai đoạn sơ sinh sẽ ảnh hưởng đến IQ của trẻ biểu hiện khi 3 tuổi. Trẻ em được tiếp cận với đồ chơi phong phú có thành quả trí tuệ cao hơn xét trên mọi giới, dân tộc và tầng lớp xã hội.

Nhật Bản có những chính sách và quy định trong việc đảm bảo việc trang bị cơ sở vật chất cơ bản cho các trường mầm non của chính phủ. Các quy định chỉ rõ diện tích lớp học, sân chơi ngoài trời chia trên từng trẻ cũng như các thiết bị và đồ chơi tối thiểu phục vụ GD.

Tất cả các trường mầm non được cấp phép ngoài đáp ứng được phòng học rộng, sân chơi trong nhà và ngoài trời đủ diện tích, cần phải trang bị đủ các học cụ và đồ chơi GD, như: Phòng nghỉ giáo viên, cầu trượt, xích đu, sân chơi cát; đàn piano, nhạc cụ cơ bản, máy ghi hình; khối xếp hình, dụng cụ cho kể chuyện minh họa, sách ảnh, các dụng cụ để trồng cây, tưới nước, cho động vật ăn và đồ làm thủ công… Chính phủ viện trợ kinh phí cho cả trường công và trường tư trong việc trang bị cơ sở vật chất.

Nhóm nghiên cứu cho biết, theo báo cáo chuyên đề của OECD 2011, Úc là một trong những quốc gia đi đầu trong việc phát triển các chương trình hỗ trợ GD nói chung và GDMN nói riêng. “Thư viện đồ chơi” là một chương trình hỗ trợ GD của chính phủ

Australia. Thư viện đồ chơi là một phương tiện di động. Đồ chơi và thiết bị của thư viện được lựa chọn phục vụ tốt nhất cho sự phát triển của trẻ. Một số thư viện đồ chơi được xây dựng hướng tới các trẻ đặc biệt hoặc các vùng sâu vùng xa.

Ngoài ra, các nhà GDMN Australia tập trung nhiều vào việc xây dựng môi trường học tập thân thiện, nhằm phản ánh và làm phong phú đời sống của trẻ, đáp ứng sở thích cũng như nhu cầu của chúng.

Không gian học hỏi ngoài trời là một nét đặc trưng của môi trường học tại Australia; bao gồm cây xanh, vườn cây ăn quả, bãi cá, đá, bùn, nước và các thành phần khác từ thiên nhiên.

Những không gian này khuyến khích tương tác mở, tính tự khám phá, chấp nhận rủi ro, tìm hiểu và giao tiếp với thiên nhiên. Chúng nuôi dưỡng sự quý trọng môi trường tự nhiên, phát triển nhận thức về môi trường và tạo nền tảng cho việc GD không ngừng về môi trường.

Học sinh Trường Mầm non Sao Mai (Cầu Giấy, Hà Nội) học cách làm đồ chơi
  • Học sinh Trường Mầm non Sao Mai (Cầu Giấy, Hà Nội) học cách làm đồ chơi

Các môi trường trong nhà và ngoài trời hỗ trợ mọi khía cạnh học tập của trẻ. Các học liệu củng cố sự học hỏi khi chúng phản ánh những gì tự nhiên và quen thuộc và đồng thời cũng giới thiệu sự mới lạ để kích thích cảm giác thích thú và những suy nghĩ ngày càng phức tạp và trừu tượng hơn. Có thể thấy rằng, chính phủ

Australia đánh giá rất cao tầm quan trọng của việc được cung cấp đồ chơi phong phú trong trải nghiệm GD của trẻ em.

Lựa chọn đồ chơi phù hợp

Theo nhóm nghiên cứu, tuổi càng nhỏ thì số lượng đồ chơi càng nhiều và ít dần đi khi độ tuổi tăng lên. Không có quy định nào đối với các trường mầm non về chủng loại đồ chơi cụ thể. Mỗi năm Nhà nước cấp một khoản kinh phí, các trường tự quyết định xây dựng môi trường chơi cho trẻ, trên cơ sở tuân theo quy định chung về các quy tắc lựa chọn đồ chơi an toàn và các kỹ năng đang thiếu của trẻ, do giáo viên quan sát được khi trẻ chơi.

Đôi khi, việc mua sắm đồ chơi cũng dựa trên ý kiến của bản thân trẻ. Ví dụ, khi cần mua thêm đồ chơi, người đầu tiên được tham khảo ý kiến là chính trẻ trong lớp. Nếu những ý kiến trẻ đưa ra là hợp lý thì yêu cầu của trẻ sẽ được chấp nhận.

Bài viết được biên tập, lược dẫn từ Báo cáo “Về việc xây dựng báo cáo chuyên đề phục vụ sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT theo nội dung đề tài KHCN cấp Nhà nước KHGD/16-20.014” của Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương. 

Nhóm nghiên cứu cho rằng, không nên thiết kế môi trường đồ chơi theo độ tuổi, cũng không nên chia các khu vực riêng cho từng tuổi chơi. Xu hướng chung là tạo ra môi trường chơi đa dạng, để trẻ với các khả năng, kinh nghiệm và hứng thú khác nhau, có thể dễ dàng lựa chọn đồ chơi phù hợp cho mình, dưới sự giám sát của cô giáo. Trẻ ở các độ tuổi có thể chơi chung với nhau và chơi cùng một loại đồ chơi.

Việc phân loại đồ chơi là cần thiết xong xu hướng một đồ chơi có thể khuyến khích chơi theo nhiều cách khác nhau, nhiều mục tiêu khác nhau. Trong các trường mầm non, giáo viên không làm đồ chơi cho trẻ mà GV cùng trẻ làm đồ chơi, nhằm mục đích dạy trẻ các kỹ năng làm và sử dụng đồ chơi ở trường, ở nhà.

Từ thực trạng hệ thống đồ chơi trong các cơ sở GDMN và kinh nghiệm của quốc tế, nhóm nghiên cứu đề xuất, kiến nghị, GDMN Việt Nam cần thay đổi để có một triết lý rõ ràng, khoa học hiện đại hơn về mục tiêu GD trẻ 0 - 6 tuổi. Đồng thời thay đổi trên thực tế nhận thức về tầm quan trọng của hoạt động vui chơi đối với sự phát triển của trẻ, chứ không phải chỉ trên lý thuyết như hiện nay, khi mà thời gian chơi của trẻ còn quá ít, thậm chí là trẻ không còn giờ chơi.

Cùng với đó, thay đổi cơ bản về cách tổ chức hoạt động chơi và sử dụng đồ chơi cho trẻ, nhằm khai thác và phát huy tối đa hệ thống đồ chơi cho sự phát triển trẻ. Có các tiêu chỉ đánh giá rõ ràng về hệ thống đồ chơi phát triển trong các cơ sở GDMN. Mặt khác, tăng cường thêm nhận thức và hiểu biết cho giáo viên mầm non và cán bộ quản lý mầm non về đồ chơi trẻ em.

Nội dung chính của đề tài khoa học cấp Nhà nước “Nghiên cứu giải pháp phát triển hệ thống đồ chơi phục vụ hoạt động GD trẻ, đáp ứng yêu cầu đổi mới GDMN” tập trung nghiên cứu tổng quan các vấn đề liên quan đến nội dung nghiên cứu của đề tài.

Đồng thời đánh giá thực trạng số lượng, chất lượng và hiệu quả sử dụng hệ thống đồi chơi trong các trường mầm non hiện nay. Cùng với đó là nghiên cứu các giải pháp phát triển hệ thống đồ chơi phục vụ hoạt động GD trẻ, đáp ứng yêu cầu đổi mới GDMN.

Trên cơ sở đó, xây dựng các tiêu chuẩn của hệ thống đồ chơi trẻ em trong trường mầm non, nhằm đáp ứng theo yêu cầu của chương trình GDMN. Đồng thời nghiên cứu xây dựng danh mục đồ chơi đáp ứng nhu cầu chơi tự do của trẻ theo các loại trò chơi của trẻ nhà trẻ và mẫu giáo.

Mặt khác, nghiên cứu xây dựng các danh mục đồ chơi cho trẻ nhà trẻ và mẫu giáo, phục vụ việc thực hiện chương trình GDMN; nghiên cứu đề xuất hệ thống đồ chơi cho các loại cơ sở GDMN theo vùng miền, phù hợp với văn hóa của trẻ và kinh tế của các vùng miền khác nhau.

Phát triển hệ thống đồ chơi tự làm bằng các nguyên vật liệu từ thiên nhiên, tái sử dụng, rẻ tiền đáp ứng các yêu cầu GD và an toàn cho trẻ. Từ đó, nhóm nghiên cứu đề xuất hệ thống tài liệu về đồ chơi cho trẻ mầm non.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ