Đừng để các em phải chết oan!

GD&TĐ - Chưa kịp vào hè mà đây đó trên cả nước dồn dập đón nhận hung tin về học sinh đuối nước. Nay thì 3 học sinh ở Quảng Bình đi mò cua bị rớt xuống ao sâu, hôm qua thì 4 học sinh ở Khánh Hòa đi tắm sông bị sụp hố hút cát mà không biết, hôm trước nữa thì 3 học sinh Nghệ An cũng rủ nhau đi tắm sông và rồi bỏ mạng… 

Ảnh Internet
Ảnh Internet

Tin tức về học sinh đuối nước mỗi ngày một nhiều thêm trên các trang báo khiến những bậc phụ huynh có con đang là học sinh phổ thông vô cùng bất an. Mùa hè đã về, các trường đã nghỉ dạy nhưng cha mẹ lại không quản lý và kiểm soát hết thời gian rảnh rỗi của con cái thì nỗi bất an càng được nhân lên!

Đâu phải năm nay tình trạng đuối nước đối với học sinh mới xảy ra. Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội năm 2018, mỗi năm nước ta có khoảng 7.000 trẻ em bị chết vì đuối nước, có lẽ chỉ đứng sau tai nạn giao thông! Ngoài những rủi ro bất khả kháng như lũ lụt làm trôi nhà, gió bão làm sập trường, hàng nghìn cái chết còn lại của các em đều là chết oan. Sở dĩ nói “oan” vì nếu gia đình, nhà trường và xã hội cùng chăm lo cho sự an toàn mạng sống của các em giống như làm sao để đạt học sinh giỏi hoặc thi vào trường nọ, đỗ đạt trường kia thì các em sẽ không bị chết vì đuối nước.

Ngành Giáo dục xem việc các trường được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn như là một mục tiêu để “phấn đấu”. Trường chuẩn thì được công nhận hàng loạt nhưng hầu như không trường nào có bể bơi cả, trừ một số trường của tư nhân. Vì sao? Vì nếu xây thêm một bể bơi trong khuôn viên của trường thì “lấy” thêm của các em một phần không gian vốn đã quá chật chội. Vả lại, để xây một bể bơi 12 x 25 = 300m2 tốn 960 triệu đồng, chưa kể việc thay nước thường xuyên phải tốn thêm tiền nước nữa. Đấy là khoản kinh phí mà những người làm kế hoạch tài chính ở các tỉnh luôn đặt lên bàn cân mỗi khi các trường thêm vô mục “xây bể bơi”.

Cách đây mấy năm, một doanh nghiệp ở Quảng Ngãi có trình diễn mô hình “bể bơi dã chiến”, không phải đào đất, xây bằng xi măng mà bằng tấm bạt nhưng chắc chắn, giá thành chỉ bằng 1/5 giá xây bể, lại gọn nhẹ, khi không dùng thì có thể xếp lại rất tiện lợi. Thế nhưng, mô hình đã được kình ngư Ánh Viên bơi biểu diễn ấy phải xếp xó mấy năm nay vì các trường vẫn… không có kinh phí.

Sau vụ tai nạn thương tâm khiến 9 trẻ em ở một làng quê ven sông Trà (Quảng Ngãi) chết vì đuối nước, một phong trào rầm rộ “bơi không cần bể” đã diễn ra khắp các thôn cùng xóm vắng vào mùa hè năm đó. Nhiều huấn luyện viên đã tình nguyện dạy bơi cho các em. Tuy nhiên, cũng chỉ rầm rộ mùa hè năm 2016 ấy rồi thôi. Dạy bơi, học bơi mà sao giống tiêm chủng quá, tiêm một mũi là miễn dịch cả đời!

Bơi lặn là món quà miễn phí mà tạo hóa đã dành tặng con người để tự vệ trước hiểm họa của thiên nhiên. “Bạn có thể nghèo nhưng không thể không biết bơi”, đó là phương ngôn của người Nam Bộ, một vùng đất mà bước ra khỏi nhà là gặp ngay kênh rạch chằng chịt. Sao không dùng phương ngôn đó để dạy cho con học bơi? Người giàu thì đi học tại các trung tâm dạy bơi, người nghèo chỉ cần một quãng sông cạn là có thể bơi được rồi.

Mùa hè đến, phụ huynh hay hỏi nhau về học thêm ở thầy cô hay trung tâm nào chứ ít ai hỏi dạy bơi cho con thế nào cả. Nhà trường và xã hội thì cũng đáng trách thật nhưng phụ huynh cũng nên trách mình trước. Chỉ ba tháng hè học bơi là con khỏi chết oan vì đuối nước thôi mà. Hãy bắt đầu dạy bơi cho con ngay từ mùa hè này trước khi quá muộn!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ