Đưa các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc vào giảng dạy

GD&TĐ - Hiện nay học sinh đang có xu hướng thụ động và ỷ lại hơn khi khoa học kỹ thuật và máy tính ngày càng phát triển. Giáo viên cần hỗ trợ học sinh nhận thức tốt về tầm quan trọng của Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) , từ đó rèn luyện cho các em những kỹ năng mềm của thế kỷ 21, trang bị cho các em đủ tự tin trở thành công dân toàn cầu.

Đưa các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc vào giảng dạy

Liên Hiệp Quốc chọn giáo dục cùng đồng hành

Chương trình phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc là chương trình được thông qua vào năm 2015, bao gồm 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) và cần đạt được vào năm 2030. Các nước trên thế giới cam kết thực hiện các mục tiêu này nhằm chấm dứt đói nghèo và tạo ra những cộng đồng bền vững, và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho tất cả mọi người.

Nên lồng ghép SDGs vào chương trình học

Hiện nay học sinh đang có xu hướng thụ động và ỷ lại hơn khi khoa học kỹ thuật và máy tính ngày càng phát triển. Giáo viên cần hỗ trợ học sinh nhận thức tốt về tầm quan trọng của SDGs, từ đó rèn luyện cho các em những kỹ năng mềm của thế kỷ 21, trang bị cho các em đủ tự tin trở thành công dân toàn cầu.

Tất cả học sinh ở mọi cấp lớp đều có thể tìm hiểu về SDGs theo các cách phù hợp với lứa tuổi với các hoạt động miễn phí, chương trình giảng dạy và các hoạt động hiện có sẵn trong mỗi lớp học.

Trẻ em đang đi học bây giờ sẽ lớn lên thành người lớn trong một xã hội ngày càng kết nối và đa văn hóa. Học sinh cần phải nhận thức được các tiêu chuẩn văn hóa và sự khác biệt trên toàn thế giới để chúng có thể tồn tại, phát triển và thành công. SDGs là các mục tiêu phổ quát mang tính toàn cầu cho tất cả mọi người.

Tìm hiểu về những sáng kiến này giúp học sinh phát triển những hiểu biết sâu sắc về các vấn đề trên thế giới, như thiếu tiếp cận với nước sạch và bình đẳng giới. Những vấn đề này không thể tách rời với văn hóa, và để thực sự hiểu SDG, học sinh cần phải tìm hiểu về thế giới xung quanh.

5 cách đưa SDGs vào quá trình giảng dạy

1. Giáo viên tạo cơ hội để học sinh phát hiện ra vấn đề liên quan đến môn học và phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề. Hãy tạo điều kiện để học sinh được nói, được tôn trọng và là người tham gia tích cực trong môi trường mà chúng đang học tập và sinh sống, bởi vì, để giải quyết những thách thức lớn nhất của thế giới, chúng ta phải khuyến khích học sinh tham gia tích cực vào cộng đồng của chúng.

2. Lồng ghép các câu chuyện đời thường vào trong mỗi tiết dạy, liên hệ thực tế giúp sự liên tưởng của học sinh từ bài học tới cuộc sống trở nên hiệu quả. Học sinh cần sự đồng cảm để phát triển các mối quan hệ lành mạnh trong suốt cuộc đời của chúng. Giáo viên cần là người chủ động tạo tình huống để biến những đứa trẻ vô cảm thành những con người sống có tâm, biết đam mê và lấy sẻ chia làm giá trị sống.

3. Dạy học theo dự án giúp học sinh tích hợp nhiều kiến thức của nhiều môn học để mở và giải quyết một vấn đề nào đó mà xã hội đang gặp phải.

4. Thành lập các tổ chức do chính các em học sinh quản lý như tổ chức từ thiện, tổ chức an ninh khu vực, tổ chức tiếng nói học đường… để phát triển kỹ năng lãnh đạo hay kỹ năng thuyết trình tiềm ẩn trong rất nhiều cá nhân.

5. Kết nối học sinh của lớp hoặc trường của các thầy cô với các chuyên gia để được tư vấn về các lĩnh vực liên quan đến SDGs. Hoặc kết nối học sinh với học sinh các trường trong và ngoài nước với nhau để có cơ hội chia sẻ về văn hóa, về những thách thức của nhân loại.

Theo Tiếng nói giáo viên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ