Đổi mới công tác xây dựng chủ đề dạy học

GD&TĐ - Mỗi chủ đề dạy học phải hướng cho học sinh chủ động giải quyết một vấn đề/nhiệm vụ học tập tương đối hoàn chỉnh, từ việc hình thành kiến thức, kỹ năng mới đến vận dụng chúng vào giải quyết những vấn đề gắn với thực tiễn, phù hợp trong điều kiện thực tế của nhà trường, của địa phương.

Đổi mới công tác xây dựng chủ đề dạy học

Đó là yêu cầu trong hướng dẫn của Sở GD&ĐT An Giang đối với các cơ sở giáo dục.

Các định hướng xây dựng chủ đề dạy học

Chủ đề dạy học được xây dựng theo một trong các định hướng sau đây:

Chủ đề đơn môn: Là các chủ đề được xây dựng bằng cách cấu trúc lại nội dung kiến thức theo môn học trên cơ sở nghiên cứu chương trình SGK hiện hành đảm bảo các yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng, thái độ.

Chủ đề liên môn: Bao gồm các nội dung dạy học gần giống nhau, có liên quan chặt chẽ với nhau (có thể đang trùng nhau) trong các môn học của chương trình hiện hành, biên soạn thành chủ đề liên môn.

Xét nội dung của chủ đề liên môn, điều kiện về đội ngũ giáo viên... để đưa chủ đề liên môn vào kế hoạch dạy học của một môn học nào đó do hiệu trưởng nhà trường/giám đốc trung tâm quyết định (trên cơ sở trao đổi, thống nhất với giáo viên bộ môn liên quan, có sự tương trợ của nhóm/ tổ chuyên môn, Hội đồng bộ môn để không dạy lại nội dung trùng lặp đã tích họp trong chủ đề liên môn).

Chủ đề tích hợp, liên môn: Có nội dung giáo dục liên quan đến các vấn đề thời sự của địa phương, đất nước. Ví dụ: Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo;

Bảo vệ và sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản; biển đổi khí hậu và phòng chống thiên tai; bảo vệ và phát triển bền vững môi trường sống; giới và bình đẳng giới; an toàn giao thông; sử dụng di sản văn hóa trong dạy học;... nhằm tăng cường năng lực thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn, giáo dục đạo đức và giá trị sống, rèn luyện kỹ năng sống, hiểu biết xã hội, thực hành pháp luật.

Các chủ đề tích hợp, liên môn này được bổ sung vào hoạt động giáo dục nào đó do hiệu trưởng nhà trường/ giám đốc trung tâm quyết định.

Quy trình xây dựng chủ đề dạy học

Hiệu trưởng nhà trường/giám đốc trung tâm GDTX phê duyệt chương trình, kế hoạch của tổ/nhóm chuyên môn đề xuất và ban hành chính thức văn bản kế hoạch giáo dục/phân phối chương trình mới làm cơ sở để tổ chức thực hiện dạy học, hoạt động giáo dục của đơn vị, đồng thời xác định các biện pháp, điều kiện cần thiết để thực hiện.
Quy trình xây dựng chủ đề dạy học đảm bảo các khâu cơ bản sau:

Rà soát nội dung chương trình, SGK hiện hành để điều chỉnh, sắp xểp hợp lý những nội dung trong SGK của từng cấp học, trong từng môn học:

Có thể loại bỏ những thông tin cũ, lạc hậu, nhũng nội dung dạy học trùng nhau trên cơ sở mạch logic hợp lý; những nội dung không phù hợp với địa phương, điều kiện của nhà trường; những nội dung, bài tập, câu hỏi trong SGK không phù hợp mục tiêu giáo dục của chương trình hoặc yêu cầu vận dụng kiến thức quá cao không phù hợp trình độ nhận thức và tâm lý lứa tuổi học sinh (riêng các chủ đề dạy học ở lớp 9, lớp 12 phải thống nhất trong hội đồng bộ môn).

Bổ sung, cập nhật những thông tin mới. Cấu trúc, sắp xếp lại nội dung dạy học thành các chủ đề dạy học mới (giáo viên chịu trách nhiệm về tính khoa học, tính logic, đảm bảo theo chuẩn kiến thức, kỹ năng và thái độ, phù hợp đối tượng học sinh).

Lưu ý: Giáo viên cần xác định rõ lý do, sự cần thiết phải xây dựng lại các nội dung thành chủ đề dạy học trước khi thực hiện.

Số lượng tiết cho một chủ đề nên có dung lượng vừa phải (khoảng 2 đến 5 tiết) để việc biên soạn và tổ chức thực hiện khả thi.

Tổng số tiết của chương trình của từng môn sau khi biên soạn lại có chủ đề mới không vượt hoặc thiếu so với thời lượng quy định trong chương trình hiện hành.

Tùy từng chủ đề, điều kiện cơ sở vật chất và đối tượng học sinh mà giáo viên chủ động lựa chọn các phương pháp, kỹ thuật dạy học phù hợp: Nêu vấn đề, theo hợp đồng, theo dự án...;

Đặc biệt cần chú ý áp dụng đúng quy trình, các bước thực hiện của các phương pháp dạy học, kỹ thuật dạy học tích cực theo quy định: Bản đồ tư duy, khăn trải bàn, động não,sử dụng di sản văn hóa trong dạy học.

Khai thác và sử dụng tối đa, hiệu quả các phương tiện, thiết bị, đồ dùng dạy học, đặc biệt là phòng học bộ môn và thư viện nhà trường, tránh tình trạng dạy chay, dạy học nặng về lý thuyết hàn lâm, ít kỹ năng thực hành, không gắn với thực tiễn.

Việc thiết kế giáo án, xây dựng tiến trình dạy học và tổ chức thực hiện chủ đề hoàn toàn linh hoạt, giao quyền chủ động cho giáo viên, không khuôn mẫu, cứng nhắc.

Trong một chủ đề có nhiều tiết học thì có thể soạn chung, không phải tách ra theo từng tiết, không phải lặp lại những phần chung (như: mục tiêu chủ đề, yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng, thái độ... những nội dung này chỉ ghi một lần nhưng đã phản ánh đầy đủ cho cả chủ đề).

Chủ đề có nhiều tiết học thì giáo viên chủ động phân phối thời lượng, kiến thức phù hợp theo đối tượng học sinh; việc ghi sổ đầu bài theo thứ tự tiết trong phân phối chương trình/ kế hoạch dạy học của nhà trường/trung tâm (số tiết của mỗi chủ đề nằm trong tổng số tiết của phân phối chương trình/kế hoạch dạy học).

Đây là cơ sở pháp lý để các cấp quản lý giáo dục thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chương trình, kế hoạch giáo dục của đơn vị.

Tiến trình xây dựng một chủ đề cụ thể

Các bước thực hiện có thể theo gợi ý sau:

Bước 1: Xác định tên chủ đề và thời lượng thực hiện.

Bước 2: Xác định các nội dung của chủ đề (xác định các đề mục, xây dựng những nội dung kiến thức của chủ đề).

Bước 3: Xác định chuẩn kiến thức, kỹ năng, thái độ và năng lực, phẩm chất cần hướng tới cho học sinh trong từng đề mục để thiết kế chuỗi hoạt động phù hợp.

Bước 4: Xây dựng bảng mô tả các cấp độ tư duy (nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao) cho mỗi đề mục hoặc chung cho cả chủ đề.

Bước 5: Xác định các sản phẩm cần hoàn thành hoặc biên soạn câu hỏi, bài tập tương ứng với các cấp độ tư duy đã mô tả (câu hỏi, bài tập dùng trong quá trình dạy học và kiểm tra đánh giá).

Bước 6: Cụ thể hóa tiến trình hoạt động học. Trong đó tiến trình hoạt động học là chuỗi hoạt động học của học sinh thể hiện rõ ý đồ sư phạm của phương pháp dạy học tích cực được áp dụng trong toàn bộ chủ đề...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ