Định hình khung tư tưởng trong triết lý giáo dục

GD&TĐ - Khung tư tưởng triết lý trong Luật Giáo dục (sửa đổi) được nhóm thực hiện Đề tài “Triết lý giáo dục (TLGD) Việt Nam: Từ truyền thống đến hiện đại” do Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TPHCM) thực hiện và GS.TSKH Trần Ngọc Thêm làm chủ nhiệm đề tài đề xuất. 

Định hình khung tư tưởng trong triết lý giáo dục

Đề tài nằm trong Chương trình KH-CN cấp quốc gia giai đoạn 2016 - 2020: “Nghiên cứu phát triển khoa học GD đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện nền GD Việt Nam”.

Các cách hiểu về TLGD

Trình bày những thu hoạch bước đầu về cơ sở lý luận có thể ít nhiều phục vụ cho việc xây dựng nền tảng triết lý trong Luật GD (sửa đổi) tại hội thảo khoa học tổ chức mới đây, đại diện nhóm nghiên cứu, GS Trần Ngọc Thêm chia sẻ: Gốc của TLGD là “triết lý”. “Triết lý” cùng với “triết học” và “minh triết” tạo thành một bộ ba. Tuy nhiên, tùy theo sự khác biệt của loại hình văn hóa mà vai trò của các khái niệm trong bộ ba này ở mỗi dân tộc sẽ khác nhau.

Trong sự đối chiếu ngôn ngữ và tư duy người Việt với phương Tây, có thể thấy nổi lên rất rõ rằng TLGD, với tư cách là tinh thần chủ đạo của GD, có thể được hiểu theo hai nghĩa - nghĩa hẹp và nghĩa rộng.

Do được dùng nhiều nên “triết lý” nói chung và TLGD nói riêng thường được người Việt hiểu theo nghĩa hẹp, với những đòi hỏi cao: Nó phải được thể hiện một cách tường minh, rõ ràng, công khai; dưới dạng những từ khóa cô đọng; được thừa nhận khá rộng rãi.

Ngược lại, ở các dân tộc phương Tây, “triết lý” nói chung và TLGD nói riêng ít được sử dụng tách bạch mà dùng “ké” với “triết học” và “triết học GD” trong một vỏ ngôn từ nên thường được hiểu theo nghĩa rộng, không bị ràng buộc cả về hình thức tồn tại, mức độ hàm súc và mức độ đồng thuận: Nó có thể được thể hiện tường minh hoặc hàm ẩn; có thể đúc kết thành các từ khóa hoặc không; có thể được thừa nhận rộng rãi hoặc mang tính chuyên biệt.

Nằm giữa hai cách hiểu này có một cách hiểu thứ ba, mang tính trung gian. Đó là khi các tư tưởng GD tồn tại tường minh, được tuyên bố công khai, được thừa nhận khá rộng rãi (giống như TLGD theo nghĩa hẹp), nhưng với hình thức ngôn từ tự do, không gò bó (giống như TLGD theo nghĩa rộng) - các từ khóa cô đúc vẫn có thể được tích hợp vào, nhưng chúng không phải là hình thức tồn tại duy nhất thể hiện TLGD. Đó là những tư tưởng về mục đích, mục tiêu, tính chất, nguyên lý GD... được công bố trong các văn bản pháp quy (như Luật GD) hoặc những tuyên bố về tầm nhìn, sứ mạng, giá trị cốt lõi... của các cơ sở GD.

Trong ba cách hiểu về TLGD, duy nhất chỉ có cách hiểu TLGD theo nghĩa trung gian là thích hợp để sử dụng trong Luật GD. Chỗ mạnh của nó là vừa tích hợp được những ưu điểm, lại vừa khắc phục được những nhược điểm của cả cách hiểu rộng lẫn cách hiểu hẹp: Không bị giới hạn quá mức về dung lượng, nhưng vẫn đủ ngắn gọn, rõ ràng, dễ sử dụng; không bị giới hạn khắt khe về hình thức câu chữ, nhưng vẫn có thể chọn lọc những từ khóa có giá trị để đưa vào.

Vấn đề TLGD trong Luật Giáo dục

Theo GS Trần Ngọc Thêm, do nhu cầu và hoàn cảnh của mỗi nước mỗi khác nhau, nên việc thể hiện tư tưởng triết lý trong Luật GD của các nước là một bức tranh rất đa dạng.

Nhìn chung, phần lớn các nước không tuyên bố rõ ràng về TLGD trong Luật GD, nhưng “nhìn riêng” thì vẫn có. Ngoài mục đích, trong Luật GD của các nước thường có những điều khoản về các thành tố quan trọng khác của TLGD như mục tiêu, nguyên lý, trong đó mục tiêu luôn là thành tố xuất hiện phổ biến nhất.

Dừng lại ở việc đề xuất một khung tư tưởng triết lý trong Luật GD, GS Trần Ngọc Thêm đại diện nhóm nghiên cứu cho rằng: Nên tách riêng một chương nói về tư tưởng triết lý, có thể đặt tên là “Mục đích, mục tiêu, nguyên lý GD”.

“Sở dĩ chúng tôi đề xuất tên này mà không đề xuất gọi thẳng là TLGD, vì không phải là ngẫu nhiên mà không có nước nào làm như vậy. Triết lý là những tư tưởng, nếu công bố chính thức ở tầm quốc gia thì sẽ trở thành tuyên ngôn. Còn các bộ luật thì phải cụ thể. Cho nên TLGD (nếu có) thì chỉ nên đặt ở Lời nói đầu, còn nếu để trong Luật thì nếu thật quan trọng thì có thể gọi là tuyên bố (như tuyên bố mục đích, tuyên bố mục tiêu)” - GS Trần Ngọc Thêm lý giải.

Chương này, theo GS Trần Ngọc Thêm, có thể bao gồm 5 điều. Trong đó điều thứ nhất và điều cuối cùng lấy từ khoản 1 và khoản 2 - 3 của Điều 61 trong Hiến pháp 2013. Điều thứ nhất có nội dung là tuyên bố về sứ mệnh, có thể đặt tên là “Mục đích của GD”: “Mục đích của GD là nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Phát triển GD là quốc sách hàng đầu”. Hiện nay câu này đang được sử dụng ở một vị trí rất khiêm tốn trong Điều 11 của Dự thảo Luật GD (sửa đổi) nói về phát triển GD.

Điều cuối cùng của chương này, với nội dung là khoản 2 và 3 trong Điều 61 của Hiến pháp 2013, có thể đặt tên là “Vai trò của Nhà nước trong việc tổ chức nền GD”.

Ba điều ở giữa là các điều 2, 3, 6 của dự thảo Luật GD (sửa đổi): “Mục tiêu của GD”, “Tính chất và các nguyên lý của GD”, “Yêu cầu về nội dung và phương pháp GD”. Ba điều này nói về bốn thành tố còn lại của TLGD: Mục tiêu, nguyên lý, nội dung và phương pháp. Song nội dung của các điều này cần được chỉnh sửa và bổ sung cho gọn hơn, đủ ý hơn (chẳng hạn, trong điều về “Mục tiêu của GD” ít nhất cần bổ sung ý về “ý thức coi trọng tự nhiên và bảo vệ môi trường”) và cần tham khảo những kết quả nghiên cứu mới nhất trên thế giới về vấn đề này.

Công việc này cần dựa trên những nghiên cứu sâu về tư tưởng triết lý trong lĩnh vực GD từ những lời huấn đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ các công trình nghiên cứu của nhiều nhà nghiên cứu đi trước, cũng như từ sự thảo luận, góp ý rộng rãi của các học giả và những người quan tâm.

“Cuối cùng, cần nói thêm rằng bao giờ cũng có một độ vênh nhất định giữa TLGD được công bố với TLGD thực tế tồn tại trong cuộc sống. Bởi vậy mà, theo kinh nghiệm của Đài Loan và nhiều quốc gia khác, “GD… phải tuân theo một quá trình vĩnh viễn tự nâng cấp, tự làm giàu và tự thăng hoa” - GS Trần Ngọc Thêm nêu quan điểm từ việc trích dẫn một nghiên cứu của tác giả Trần Văn Đoàn năm 2014.

Định hình khung tư tưởng trong triết lý giáo dục ảnh 1
“Cấu trúc phổ biến của khái niệm “TLGD” có thể xem là gồm năm thành tố. Trong đó sứ mệnh GD là thành tố gốc; còn mục tiêu GD là thành tố trung tâm, cốt lõi, trực tiếp chi phối ba thành tố còn lại (nội dung GD, phương pháp GD và nguyên lý GD)”.  GS Trần Ngọc Thêm

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ