Đề xuất hướng dẫn chấm bài làm văn nghị luận của học sinh trung học theo hướng đánh giá năng lực

GD&TĐ - Đổi mới kiểm tra đánh giá chất lượng học tập môn Ngữ văn của học sinh THCS và THPT theo hướng tiếp cận năng lực là một yêu cầu tất yếu trong thời điểm hiện nay.

Đề xuất hướng dẫn chấm bài làm văn nghị luận của học sinh trung học theo hướng đánh giá năng lực

Trọng tâm của việc đổi mới này là thay đổi cách ra đề và hướng dẫn chấm, nhất là đối với phần kiểm tra, đánh giá kĩ năng viết của học sinh. 

Bài viết này xin đề xuất hướng dẫn chấm bài làm văn nghị luận – một kiểu bài quan trọng của học sinh THCS và THPT theo hướng đánh giá năng lực.

Lâu nay, ở trường THCS và THPT, giáo viên và học sinh đã quen với các đề văn nghị luận “đóng” và đáp án “đóng”. Cách làm này chưa tạo điều kiện cho học sinh phát biểu những suy nghĩ riêng, sáng tạo và vận dụng những kiến thức đã học vào việc giải quyết những vấn đề đặt ra trong cuộc sống của mình.

Cần đổi mới cách thức kiểm tra, đánh giá kĩ năng viết văn nghị luận của hóc sinh, đặc biệt là ở những kì thi lớn mang tầm quốc gia bằng cách ra đề theo hướng “mở” và tích hợp (trong môn và liên môn). Chẳng hạn, có thể ra đề như sau:

- Đề nghị luận văn học: Viết về một tác phẩm mà anh/chị yêu thích nhất trong thời gian học ở nhà trường phổ thông.

 - Đề nghị luận xã hội: Trong những năm học ở trường phổ thông, anh/chị đã được học/biết về nhiều người nổi tiếng ở trong nước và trên thế giới. Viết về một người trong số đó và cho biết điều gì làm cho con người ấy trở nên đặc biệt để học hỏi?

Với các đề mở và tích hợp như trên, hướng dẫn chấm không nên áp đặt nội dung trả lời một cách quá chi tiết, cụ thể mà nên nêu các phương án mà học sinh có thể trình bày, phân tích được sự hợp lí của các phương án đó; đồng thời, nêu được những yêu cầu về kĩ năng làm bài của học sinh, khuyến khích các em sử dụng nhiều kĩ năng, thao tác khác nhau trong giải quyết vấn đề;

Khuyến khích học sinh nêu những suy nghĩ, quan điểm riêng của mình, chấp nhận nhiều cách hiểu và giải quyết vấn đề khác nhau miễn là tư tưởng của người viết không đi ngược lại những chuẩn mực đạo đức và pháp luật mà xã hội đã quy định; khuyến khích học sinh vận dụng được những điều đã học vào giải quyết những vấn đề mà thực tiễn đặt ra một cách có sức thuyết phục, hợp lí, tự nhiên, phù hợp với trình độ của các em.

Sau khi tham khảo cách làm của một số nước trên thế giới, nhất là của bang California (Hoa Kỳ), bài viết xin đề xuất hướng dẫn chấm cho 2 đề bài trên nói riêng, cho các bài làm văn nghị luận nói chung dựa trên các chuẩn về kĩ năng viết như sau: Chia tổng điểm của bài thi làm 5 mức: điểm tuyệt đối, ¾ tổng số điểm, ½ tổng số điểm, 1/4 tổng số điểm và không chấm điểm.

Với bài nghị luận văn học:

* Học sinh được điểm tuyệt đối khi:

- Nêu được một quan điểm riêng, rõ ràng, thể hiện sự hiểu biết sâu sắc, toàn diện về vấn văn học mà đề bài yêu cầu.

- Lấy được những dẫn chứng từ tác phẩm một cách chính xác và phù hợp để hỗ trợ cho việc triển khai luận đề và những luận điểm/ý chính.

- Làm rõ các phương tiện nghệ thuật mà tác giả sử dụng và chỉ ra phong cách của tác giả trong tác phẩm ấy.

- Diễn đạt trôi chảy, mạch lạc bằng nhiều kiểu câu khác nhau; sử dụng ngôn từ chính xác, có hình ảnh.

- Mắc rất ít hoặc hầu như không mắc lỗi chính tả, từ vựng, ngữ pháp.

*Học sinh được ¾ tổng số điểm khi:

- Thể hiện sự hiểu biết khá toàn diện về vấn đề văn học mà đề bài yêu cầu.

- Lấy được những dẫn chứng từ tác phẩm một cách chính xác và phù hợp để hỗ trợ cho việc triển khai luận đề và những luận điểm/ý chính.

- Làm rõ các phương tiện nghệ thuật mà tác giả sử dụng và chỉ ra phong cách của tác giả trong tác phẩm.

- Diễn đạt khá trôi chảy bằng nhiều kiểu câu khác nhau và sử dụng ngôn từ có hình ảnh.

- Mắc một số lỗi chính tả, từ vựng, ngữ pháp.

* Học sinh được ½ tổng số điểm khi:

- Hiểu biết chưa toàn diện về vấn đề văn học mà đề bài yêu cầu.

- Lấy được ít dẫn chứng và ví dụ từ tác phẩm để hỗ trợ cho việc triển khai luận đề và các luận điểm/ý chính.

- Chưa làm rõ các phương tiện nghệ thuật mà tác giả sử dụng và chưa chỉ ra phong cách của tác giả trong tác phẩm.

- Diễn đạt không đa dạng về ngữ pháp, từ ngữ.

- Mắc một số lỗi chính tả, từ vựng, ngữ pháp

*  Học sinh được 1/4 tổng số điểm khi:

- Hiểu rất ít về vấn đề văn học mà đề bài yêu cầu.

- Hầu như không nêu được các chi tiết và ví dụ từ tác phẩm để hỗ trợ cho việc triển khai luận đề, luận điểm/ý chính.

- Không làm rõ các phương tiện nghệ thuật mà tác giả sử dụng và chưa chỉ ra phong cách của tác giả trong tác phẩm.

- Sử dụng không đa dạng các loại câu và nghèo nàn về từ vựng.

- Mắc nhiều lỗi chính tả, từ vựng, ngữ pháp

* Không chấm điểm bài làm của HS khi: Bài viết không được viết bằng Tiếng Việt, không đề cập đến vấn đề văn học mà đề bài yêu cầu, hoặc không thực hiện và trình bày nhiệm vụ mà đề bài yêu cầu bằng một bài viết…

Với bài nghị luận xã hội

* Học sinh được điểm tuyệt đối khi:

- Nêu được một quan điểm/ tư tưởng (luận đề) riêng, có ý nghĩa và nhất quán, không mâu thuẫn để phản hồi/giải quyết vấn đề mà đề bài yêu cầu.

- Làm sáng tỏ luận đề và các luận điểm bằng những ví dụ và dẫn chứng hết sức chính xác, phù hợp, toàn diện.

- Có giọng điệu phù hợp, mang tính đối thoại (với người đọc giả định) để thể hiện sự quan tâm sâu sắc và và hiểu biết về quan điểm, thành kiến hoặc kỳ vọng của người đọc.

- Trình bày có trọng tâm, cấu trúc/bố cục hợp lí, phù hợp với mục đích của bài viết.

- Diễn đạt tốt, trong đó sử dụng đa dạng các loại câu theo các cấu trúc ngữ pháp khác nhau; dùng từ chính xác, phù hợp.

- Mắc rất ít lỗi chính tả.

* Học sinh được 3/4 tổng số điểm khi:

- Nêu được một quan điểm/ tư tưởng (luận đề), có ý nghĩa và nhất quán để phản hồi/giải quyết vấn đề mà đề bài yêu cầu.

- Làm sáng tỏ luận đề và các luận điểm bằng những ví dụ và dẫn chứng cụ thể.

- Có giọng điệu phù hợp, mang tính đối thoại (với người đọc giả định) để thể hiện sự quan tâm sâu sắc và và hiểu biết về quan điểm, thành kiến hoặc kỳ vọng của người đọc.

- Trình bày có trọng tâm, cấu trúc/bố cục bài viết hợp lí.

- Sử dụng một số kiểu câu khác nhau; dùng từ chính xác, phù hợp.

- Mắc một số lỗi chính tả.

* Học sinh được 1/2 tổng số điểm khi:

- Nêu lên được quan điểm, tư tưởng hoặc một số ý chính có liên quan đến vấn đề mà đề bài yêu cầu.

- Nêu được một số ít ví dụ để hỗ trợ cho việc triển khai luận đề hoặc các ý chính.

- Giọng điệu chưa phù hợp; chưa thực sự quan tâm đến quan điểm, thành kiến hoặc kỳ vọng của người đọc (giả định).

- Trình bày chưa có trọng tâm, bố cục bài viết chưa thực sự hợp lí.

- Sử dụng không đa dạng các loại câu theo các cấu trúc ngữ pháp khác nhau; dùng từ còn mơ hồ, chưa chính xác và phù hợp.

- Mắc một số lỗi chính tả.

* Học sinh được 1/4 tổng số điểm khi:

- Nêu lên được một quan điểm, tư tưởng hoặc ý chính nhưng không thật liên quan đến vấn đề mà đề bài yêu cầu.

- Không nêu được một số ví dụ để hỗ trợ cho việc triển khai luận đề hoặc các ý chính, thất bại trong việc bảo vệ quan điểm/lập trường do bằng chứng không phù hợp với lí lẽ.

- Giọng văn chưa phù hợp, chưa có tính đối thoại do không quan tâm đến hoặc hiểu sai quan điểm, thành kiến hoặc kỳ vọng của người đọc (giả định).

- Trình bày chưa có trọng tâm, bố cục bài viết không hợp lí.

- Sử dụng không đa dạng các loại câu theo các cấu trúc ngữ pháp khác nhau; dùng từ còn mơ hồ, chưa chính xác và phù hợp; từ vựng nghèo nàn.

-  Mắc nhiều lỗi chính tả.

Không chấm điểm bài làm của HS khi: Bài làm không được viết bằng tiếng Việt, không đề cập đến vấn đề mà đề bài yêu cầu, hoặc không thực hiện và trình bày nhiệm vụ mà đề bài yêu cầu bằng một bài viết…

Để có thể chấm bài theo những hướng dẫn mở và đánh giá năng lực viết của học sinh như trên, người chấm bài phải thay đổi quan niệm về đề thi, về hướng dẫn chấm. 

Đặc biệt, bản thân người chấm bài phải có trình độ chuyên môn tốt; nắm vững vấn đề mà đề bài yêu cầu; có tinh thần, thái độ nghiêm túc trong chấm bài mới có thể chấm đúng, đánh giá đúng NL của học sinh. Từ đó, điều chỉnh phương pháp dạy học để góp phần nâng cao chất lượng dạy học Ngữ văn ở trường trung học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ