Đề thi Ngữ văn gây xôn xao: Ranh giới mong manh giữa phản cảm và sáng tạo

GD&TĐ - Vừa qua, Trường THPT Kiến Thụy (Hải Phòng) đưa nhân vật bất hảo Khá “bảnh” vào đề thi HS giỏi lớp 11 đã tạo nên những tranh luận nhiều chiều. Cách làm nội dung đề thi như vậy có phù hợp hay không? Mở rộng ra, việc đổi mới cách ra đề kiểm tra, thi ở nhà trường đang cần chú trọng những điều gì để việc dạy và học, cũng như nội dung thi, kiểm tra gần gũi hơn với thực tiễn xã hội, nhưng không quá đà, lệch hướng với mục đích GD?

Đưa hiện tượng xã hội gây hiệu ứng tiêu cực vào đề thi là một phép thử mạo hiểm với bản lĩnh của học trò.	Ảnh minh họa
Đưa hiện tượng xã hội gây hiệu ứng tiêu cực vào đề thi là một phép thử mạo hiểm với bản lĩnh của học trò. Ảnh minh họa

Không thể tùy tiện đưa nhân vật vào đề thi

Trao đổi vấn đề này với Báo GD&TĐ, TS Nguyễn Thị Nhiếp (Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa, Hà Nội) cho biết, cô đồng tình về việc nên đưa những vấn đề xã hội vào nội dung dạy, học, cũng như đề kiểm tra, thi... trong nhà trường, để làm sao giữa lý thuyết và thực hành gắn liền với nhau, giữa kiến thức trong sách vở và hiện thực cuộc sống có sự gần gũi, từ đó thực hiện mục tiêu GD tốt hơn.

“Tuy nhiên, GV, nhà trường chọn những nhân vật quá nhạy cảm, một hình ảnh lệch chuẩn đưa vào đề thi cho HS phân tích là không nên. Nhân vật Khá “bảnh” được một bộ phận giới trẻ tung hô trên mạng xã hội như một “ngôi sao” cho thấy có sự lệch chuẩn về giá trị sống. Như vậy mà đưa vào đề thi Ngữ văn thì bản thân nội dung đó có yếu tố hết sức nhạy cảm với HS. Nhất là những HS làm bài với đề thi như vậy, nếu không biết, không tìm hiểu, không quan tâm nhân vật đó, nhưng trước yêu cầu của đề bài, các em thả một vài dòng cảm xúc ngô nghê, đi theo hướng “bám đề”, rất có thể sẽ sa đà vào điều lệch chuẩn, không đúng mong muốn trong GD đạo đức, nhân cách sống của HS”- cô Nhiếp nêu.

Thêm nữa, cô Nhiếp cho rằng xưa nay “làm” đề kiểm tra, thi Ngữ văn vẫn có truyền thống tập trung vào những nhân vật có cống hiến, giỏi giang, vì đất nước, phục vụ Tổ quốc... Điều đó đã thành “nếp”. Do vậy, ra đề thi khác với truyền thống phải cân nhắc xem HS có thật sự hiểu và cảm nhận được về nhân vật xã hội đưa ra trong đề thi không. “Tránh trường hợp HS không biết, không hiểu lại sa đà vào ca ngợi, tung hô những nhân vật lệch chuẩn về đạo đức xã hội, vi phạm pháp luật như Khá “bảnh”, như vậy rất nguy hiểm” - cô Nhiếp bày tỏ quan điểm về cách ra đề thi.

TS Trịnh Thu Tuyết (giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Lương Thế Vinh - Hà Nội) bày tỏ một thực tế trong đổi mới cách ra đề thi: “Việc đưa những hiện tượng trong đời sống vào đề thi Ngữ văn ở những câu hỏi nghị luận xã hội, theo tôi đó là một xu hướng tích cực. Cách làm này có giá trị: Giúp rút ngắn khoảng cách giữa văn chương và cuộc đời, rút ngắn khoảng cách giữa nhà trường và xã hội; Làm tăng thêm hứng thú cho học trò, sự hấp dẫn và hữu ích cho văn chương”.

Cô Tuyết cũng đã ra đề rất nhiều theo xu hướng này và thường xuyên cập nhật những hiện tượng xã hội mới nhất, nóng nhất.

Tuy nhiên, cô Tuyết không đồng tình với việc đưa một nhân vật xã hội còn quá nhiều ý kiến trái chiều vào đề thi: “Những hiện tượng xã hội ấy có thể xuất hiện trong nội dung liên hệ ở bài làm của học trò, với những phần nghị luận xã hội đề cập đến tâm lý đám đông, về hâm mộ thần tượng... Chứ không thể xuất hiện như một đối tượng nghị luận trong đề thi. Bởi, đưa những hiện tượng xã hội gây hiệu ứng tiêu cực vào đề thi là một phép thử mạo hiểm với bản lĩnh của học trò”.

Ở góc nhìn của HS, Nguyễn Thị Phương Thảo (lớp 12D0, Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội) cho rằng: “Đưa vào đề thi để phân tích về nhân vật như Khá “bảnh”, nếu HS chưa biết đến nhân vật này, chưa xem những clip của anh ta trên mạng thì HS cũng không thể phân tích được anh ta cũng như hành động của anh ta có vi phạm những quy chuẩn đạo đức hay không”.

HS Nguyễn Trọng Nghĩa lớp 12D0 (Trường THPT Lương Thế Vinh) cũng cho rằng: “Đưa nhân vật Khá “bảnh” vào đề thi như vậy là không phù hợp. Bởi điều này có thể dẫn đến cách nhìn nhận sai lệch của một số HS”.

“Bộ lọc” khi ra đề thi

HS Phương Thảo thẳng thắn: “Một đề thi Ngữ văn không nên chỉ khai thác những vấn đề trong tác phẩm văn học, mà nên khai thác các khía cạnh thực tiễn của cuộc sống. Đề thi nên đưa những vấn đề xã hội nhiều hơn, thay vì cách ra đề theo kiểu truyền thống từ trước đến nay”.

Còn theo HS Trọng Nghĩa, nếu cách ra đề hợp lý, định hướng GD rõ ràng, vẫn có thể giúp HS mở rộng được góc nhìn, nhận thức đúng - sai về các hiện tượng có thật trong xã hội.

TS Trịnh Thu Tuyết đúc rút: “Sự hứng thú của học trò với đề thi, với môn học, cũng như sự hữu ích của văn chương chỉ là một trong những con đường để dẫn tới đích của GD. Đích của GD phải tạo dựng cho HS những giá trị Chân - Thiện - Mỹ”. 

“Không thể đưa tất cả những vấn đề gì được cho là “hot” nhất, “nóng” nhất ở trên mạng xã hội ngoài cuộc sống vào đề thi. Bởi, mạng xã hội vẫn là nơi tập trung những thông tin rất đa chiều. Do đó, nhà trường phải là “bộ lọc”, đề thi cũng phải là “tấm lọc” giúp tạo môi trường hướng thiện trong sạch cho học trò, việc thanh lọc những nguồn thông tin phức tạp, tiêu cực cũng là một chức năng GD”, TS Trịnh Thu Tuyết khẳng định.

“Sáng tạo, đổi mới về dạy và học, cũng như ra đề thi phải phù hợp với mục tiêu GD, phù hợp giá trị sống và văn hóa của người Việt. Sự đổi mới, sáng tạo trong GD nói chung phải lành mạnh. Không phải “khác biệt” nào cũng được coi là sáng tạo, đổi mới” - TS Nguyễn Thị Nhiếp nhấn mạnh - “Dù đổi mới phương pháp, nội dung kiểm tra, đánh giá như thế nào, GV, nhà trường cũng nên hết sức cân nhắc trước những nội dung nhạy cảm. Đưa nhân vật Khá “bảnh” vào đề thi Văn theo tôi không nên một chút nào. Điều này có thể lợi bất cập hại, có thể ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách của HS.

Liệu người lớn chúng ta, GV, nhà trường có kiểm soát được việc ra đề như vậy khiến HS không nghĩ: À, những nhân vật lệch chuẩn như thế, hay những nhân vật tương tự cho thấy trong xã hội cứ người “mạnh” là người có tiền, người “mạnh” là người dám đưa lên mạng những nội dung bậy bạ, những câu chửi bới... Trong khi HS dù sao vẫn là trẻ em, thường dễ bị tác động, dễ theo trào lưu... Do đó, chính GV, nhà trường phải là những người đưa ra định hướng rõ ràng mang tính GD cho HS, tránh hiểu lầm, hiểu lệch, phản tác dụng”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ