Để GD lý luận chính trị trong trường học thu hút sinh viên

GD&TĐ - Từ năm học 2019 - 2020, giáo trình mới của 5 môn lý luận chính trị (Triết học Mác - Lênin; Kinh tế chính trị Mác - Lênin; Chủ nghĩa xã hội khoa học; Lịch sử ĐCSVN; Tư tưởng Hồ Chí Minh) được đưa vào giảng dạy.

Sinh viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội). Ảnh: TG
Sinh viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội). Ảnh: TG

Đây là bước quan trọng nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả, làm phong phú các hoạt động giáo dục chính trị, tư tưởng cho sinh viên.

Nâng cao nhận thức và trách nhiệm xã hội 

Tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, các môn giáo dục chính trị luôn là “đặc sản” với sinh viên bởi thời lượng và chất lượng luôn được chú trọng. Theo em Nguyễn Hồng Nhung - sinh viên khoa Báo chí, việc học các môn lý luận chính trị rất cần thiết. Trong thời gian học tại trường đại học, sinh viên không chỉ cần kiến thức chuyên môn vững vàng mà cần phải có phẩm chất chính trị, đạo đức, kỹ năng và lý tưởng sống cao đẹp. 

Nguyễn Thế Hoàng - sinh viên Học viện An ninh nhân dân chia sẻ: Các môn lý luận chính trị đặc biệt quan trọng với sinh viên các trường công an, quân đội. Hiện các thế lực thù địch dùng nhiều thủ đoạn, nhắm vào thế hệ trẻ để lôi kéo, kích động chạy theo lối sống thực dụng, làm mất phương hướng chính trị. Học tập lý luận chính trị giúp sinh viên nhận thức âm mưu và thủ đoạn của các thế lực thù địch để chủ động phòng tránh.

Còn với Vũ Quý Phan - sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, dù học ngành kĩ thuật nhưng em thấy các môn lý luận chính trị là cần thiết để sinh viên có nhận thức đầy đủ, khách quan về xã hội. Đặc biệt trong chương trình mới tăng cường phương pháp thảo luận nhóm, giúp em nhận thức các vấn đề kinh tế - chính trị - xã hội đầy đủ hơn; trưởng thành về văn hóa ứng xử, biết chia sẻ và hợp tác.

“Em được học các môn Triết học, Kinh tế chính trị theo giáo trình mới của Bộ GD&ĐT. Đây là chương trình theo hướng mở, phát huy phẩm chất và năng lực người học khiến sinh viên rất hứng thú. Các môn lý luận chính trị trang bị thế giới quan, nhân sinh quan cách mạng và phương pháp luận khoa học, góp phần phát triển con người toàn diện, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới”, SV Vũ Quý Phan tâm sự.

GS.TS Đinh Thanh Xuân - Trưởng khoa Lý luận Chính trị, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng: Chương trình mới được thiết kế với 30% thời lượng thảo luận, 70% lý thuyết. Buổi thảo luận được tổ chức tốt, sinh viên có nhận thức lý luận sâu sắc hơn, đi vào thực chất của vấn đề, từ đó đạt kết quả cao trong học tập.

Ngoài ra, chương trình được thiết kế theo hình thức đào tạo tín chỉ. Sinh viên chủ động thiết kế kế hoạch học tập cho mình, được quyền lựa chọn tiến độ học tập thích hợp với khả năng, sở trường và hoàn cảnh riêng. Cùng với việc trao quyền chủ động cho sinh viên, học chế tín chỉ cũng đòi hỏi sinh viên chủ động trong việc học, tránh tâm lí ỷ lại, thầy ghi - trò chép như học theo hình thức niên chế. 

Những cuộc thi tìm hiểu về Đảng, Bác Hồ luôn thu hút được đông đảo sinh viên tham gia. Ảnh: NTCC
Những cuộc thi tìm hiểu về Đảng, Bác Hồ luôn thu hút được đông đảo sinh viên tham gia. Ảnh: NTCC

Tăng tính chủ động của sinh viên

Ông Bùi Văn Linh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HSSV (Bộ GD&ĐT) nhận định: Trong những năm gần đây, việc dạy và học các môn khoa học Mác-Lênin của trường đại học từng bước thực hiện theo hướng chuyển dần từ việc truyền đạt tri thức thụ động sang lối giảng đối thoại, gợi mở; chú trọng dạy cho sinh viên phương pháp tự học; tăng cường tính chủ động, tích cực của sinh viên trong quá trình học tập. 

Các giảng viên của bộ môn lý luận Mác - Lênin đã xây dựng được phương pháp giảng dạy mới gồm các bước: Giảng viên yêu cầu sinh viên tự đọc tài liệu trước ở nhà. Lên lớp sinh viên tập trung nghe giảng và chủ động ghi chép bài giảng. Sinh viên tự hệ thống bài dưới sự định hướng của giảng viên. Sinh viên ôn tập thường xuyên. 

Theo phương pháp học tập mới này, sinh viên phải nghiên cứu giáo trình trước khi lên lớp, đọc tài liệu, suy nghĩ, thảo luận nhiều hơn. Giảng viên chú trọng hướng dẫn sinh viên vận dụng kiến thức vào thực tiễn, kết hợp giảng dạy lý luận với giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức nâng cao trình độ nhận thức, rèn luyện bản lĩnh chính trị cho sinh viên. 

Ông Vũ Tuấn Dũng - Bí thư Đảng ủy khối các trường đại học Hà Nội cho rằng: Với đặc thù của môn Lý luận chính trị, giáo viên cần tạo điều kiện cho sinh viên cơ hội được nói, bày tỏ, thể hiện quan điểm, chính kiến của mình bằng nhiều hình thức khác nhau. Trong đó, thảo luận nhóm là phương pháp hiệu quả, để sinh viên có dịp bày tỏ quan điểm của họ về một vấn đề nào đó.

Với phương pháp này, giáo viên là người tổ chức và thiết kế hoạt động, thành lập các nhóm, đề ra nhiệm vụ của từng nhóm, đồng thời là người điều hành, giám sát, hướng dẫn các nhóm tự nghiên cứu, hoàn thành nhiệm vụ học tập của mình. Giáo viên còn là người chủ trì hoạt động thảo luận chung toàn lớp và tổng kết, gợi ý định hướng kiến thức cho sinh viên.

Tương ứng với các hoạt động trong một giờ dạy như: Khởi động, khám phá, vận dụng, tổng kết, giáo viên thiết kế trò chơi học tập phù hợp. Ví dụ với hoạt động khởi động, giáo viên có thể tổ chức trò chơi đoán chữ dựa trên những hình ảnh/ đoạn nhạc… để sinh viên tìm ra từ khóa. Từ khóa này phù hợp với kiến thức của bài học để dẫn nhập vào bài.

Hoặc giáo viên có thể sử dụng trò chơi như: Ô chữ bí mật, đuổi hình bắt chữ, đường lên đỉnh Olympia, rung chuông vàng... trong các phần tổng kết bài hay ôn tập của chương, giúp sinh viên không chỉ nắm bắt được kiến thức của bài học mà còn tạo hứng thú cho người học, không khí lớp học trở nên sôi động hơn.

Qua thời gian thực hiện chương trình mới, sinh viên hào hứng hơn với các môn lý luận chính trị. Trong thời gian tới, thầy cô giáo tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm tăng tính hiệu quả, hấp dẫn với học phần lý luận chính trị, trong đó có việc tổ chức mô hình Câu lạc bộ sinh viên yêu thích các môn lý luận chính trị, áp dụng phương thức B-Learning trong giảng dạy môn học này... - GS.TS Đinh Thanh Xuân

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ