Để có người thầy tốt

GD&TĐ - “Chúng ta muốn có nhân lực chất lượng cao hơn thì phải có thầy tốt, chứ không phải chất lượng cao là có sàn gỗ, điều hòa... Chất lượng cao là phải ở chất lượng của người thầy”.

Để có người thầy tốt

TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) – chia sẻ như vậy khi trao đổi về các giải pháp nhằm sớm nâng cao năng lực nghề nghiệp, phẩm chất nhà giáo, đáp ứng yêu cầu đổi mới, căn bản toàn diện GD&ĐT.

Đổi mới nhận thức về bồi dưỡng tay nghề nhà giáo

Cách bồi dưỡng đến đâu cấp chứng chỉ đến đó sẽ dần dần tuyển chọn được đội ngũ nhà giáo có chất lượng, có nghiệp vụ, có tay nghề và làm việc chuyên nghiệp hơn. Giáo viên nào nhiều lần không lấy nổi chứng chỉ phải chuyển ngành.
TS NguyễnTùng Lâm

Bản thân mỗi nhà giáo, các bộ phận quản lý giáo dục (từ nhà trường đến phòng GD&ĐT, Sở GD&ĐT, Bộ GD&ĐT, các cấp chính quyền) phải coi công tác bồi dưỡng nâng cao chất lượng nghiệp vụ nhà giáo là nhiệm vụ cấp bách, cần tập trung nguồn nhân lực để giải quyết căn bản, toàn diện, trong vòng 3 đến 5 năm tới cho 100% đội ngũ nhà giáo, nếu không làm nổi điều này coi như chưa thể có chất lượng giáo dục.

Nhấn mạnh điều này, TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, để tránh tình trạng bồi dưỡng nhưng không có hiệu quả, về lý luận, chúng ta phải nhờ các chuyên gia, những người nghiên cứu sâu về các lĩnh vực; nhưng về tay nghề thì chỉ có người có tay nghề giỏi mời làm mẫu mới dẫn dắt những người khác cùng làm với mình.

Nói một cách khác, bồi dưỡng tay nghề phải gắn với thực tiễn họ đang giảng dạy và phải tuyển chọn người dạy từ chính những người có tay nghề giỏi.

Về quan niệm bồi dưỡng tay nghề cho giáo viên khác với bồi dưỡng nâng cao nhận thức, TS Nguyễn Tùng Lâm lý giải: Sau khi được bồi dưỡng nâng cao nhận thức và được thực hành tay nghề, giáo viên phải tự nâng cao tay nghề bằng việc tự trải nghiệm một số thời gian nhất định trên lớp. Khi nào giáo viên đủ tự tin, tự khẳng định mới mời người đến kiểm tra, đánh giá, cấp chứng chỉ: Giáo viên đạt “trình độ thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy”.

“Cách bồi dưỡng tay nghề dứt điểm, cuốn chiếu ở mỗi trường học cần nhiều người hướng dẫn, đánh giá. Do đó quan điểm xây dựng một đội ngũ nhà giáo cốt cán cho công việc nâng cao tay nghề giáo viên của Sở GD&ĐT Hà Nội đang thử nghiệm là một quan niệm hết sức hiện đại và thực tế, chắc chắn khác hẳn với cách bồi dưỡng đồng loạt theo kiểu chỉ “tung ra” còn không biết người học tiếp nhận được bao nhiêu, chuyển biến thế nào” – TS Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ.

Không thể chỉ giao khoán cho các trường sư phạm

Để đào tạo lại toàn bộ đội ngũ giáo viên hiện nay về tay nghề, nghiệp vụ sư phạm theo đúng yêu cầu đổi mới giáo dục không thể chỉ giao khoán cho các trường sư phạm làm được mà phải để Sở GD&ĐT các tỉnh thành chủ động hoặc kết hợp với các trường sư phạm để giải quyết.

Do đó, TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, phải khôi phục lại các trung tâm hoặc trường bồi dưỡng cán bộ giáo dục của các tỉnh thành.

Cụ thể, về cơ cấu tổ chức, Trung tâm (hoặc trường Bồi dưỡng) cán bộ giáo dục của các tỉnh thành thuộc sự quản lý, điều hành của Ban Giám đốc Sở GD&ĐT các tỉnh thành và thực hiện kế hoạch phát triển đội ngũ của ngành.

Trung tâm bồi dưỡng tay nghề giáo viên các tỉnh thành làm nhiệm vụ tuyển chọn, bồi dưỡng giáo viên giỏi nòng cốt và tổ chức hoạt động bồi dưỡng giáo viên cho các ngành học: mầm non, tiểu học, THCS, THPT, dạy nghề và giáo dục thường xuyên.

Việc bồi dưỡng tay nghề của giáo viên các ngành học mầm non, tiểu học, THCS từng quận huyện là do các trung tâm bồi dưỡng giáo viên quận huyện thuộc phòng giáo dục quận huyện quản lý.

Phòng GD&ĐT quận huyện chỉ cử người chuyên trách theo dõi và chỉ đạo. Còn các trung tâm quận huyện theo các ngành học: mầm non, tiểu học, THCS sẽ đặt tại 3 trường tiên tiến có cơ cở vật chất tốt, có các cán bộ quản lý giỏi và có đội ngũ giáo viên đủ mạnh (nhiều giáo viên cốt cán).

Giao cho Hiệu trưởng các trường được đặt làm trung tâm sẽ phụ trách kiêm nhiệm thay Phòng GD&ĐT chỉ đạo đội ngũ giáo viên cốt cán của quận huyện. Như vậy không chỉ tăng biên chế các phòng GD&ĐT, lại tận dụng được triệt đẻ các lợi thế ở các trường phổ thông trong quận, huyện về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên giỏi.

TS Nguyễn Tùng Lâm cũng đề xuất: giáo viên cốt cán được tuyển chọn ở trường nào thì phải đảm bảo thời gian làm việc 50% số giờ ở trường nhưng vẫn được lĩnh lương 100% tại trường phổ thông đang giảng dạy; được hưởng mọi phụ cấp lương chức danh (giáo viên cốt cán), được hưởng tiền lên lớp và tiền hướng dẫn thực hành, tiền kiểm tra cấp chứng chỉ do trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ giáo viên trả.

Giáo viên cốt cán đồng thời được “Trung tâm bồi dưỡng tay nghề giáo viên tỉnh, thành phố” bảo đảm cập nhật bồi dưỡng phương pháp giảng dạy mới; được cung cấp tài liệu về đổi mới giảng dạy cho phù hợp các bộ môn, ngành học, cấp học; được hỗ trợ kinh phí, thời gian làm những đề tài NCKH phù hợp yêu cầu đổi mới của ngành, hỗ trợ tham gia hội thảo, báo cáo kinh nghiệm ở các hội nghị toàn quốc hay nước ngoài.

Những giáo viên cốt cán vì lý do sức khỏe hoặc hoàn cảnh gia đình, không đóng góp cho công tác bồi dưỡng sẽ phải miễn nhiệm và tìm người thay thế. Nếu làm tốt ưu tiên tăng lương và bình chọn các danh hiệu nhà giáo của ngành.

Mỗi cơ sở giáo dục đào tạo phải làm rõ yêu cầu đối với từng giáo viên, rồi cử họ đi bồi dưỡng. Có thể giáo viên sau 5 năm phải đào tạo 6 tháng. Đảm bảo là chỉ sau 3 năm là có đội ngũ giáo viên giỏi. Nếu trả lương thỏa đáng và được đào tạo lại, giáo viên lại biết yêu cầu của ngành thì họ sẽ thực hiện theo. Còn ai không phấn đấu được, ai không phù hợp với nghề thì giáo viên phải tự điều chỉnh. Sử dụng, đãi ngộ và thải loại phải đi với nhau.

Tuy vậy, việc xây dựng quy trình, tiêu chuẩn đánh giá giáo viên thế nào cho thỏa đáng, đúng năng lực thực tế của mỗi người, cũng là một bài toán khó, cần có lực lượng nghiên cứu khảo nghiệm. Chỉ có làm đồng bộ, làm triệt để những giải pháp trên, trên tinh thần tự chủ của mỗi nhà trường và tự chủ, tự chịu trách nhiệm của mỗi nhà giáo.

"Trước hết phải giải quyết chế độ tiền lương thỏa đáng để người giáo viên sống thật bằng nghề và nhà giáo yên tâm làm việc một cách chuyên nghiệp về nghề dạy học.

Chúng ta muốn có nhân lực chất lượng cao hơn thì phải có thầy tốt, chứ không phải chất lượng cao là có sàn gỗ, điều hòa... Chất lượng cao là phải ở chất lượng cao của người thầy.”.
TS Nguyễn Tùng Lâm

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.