Dạy văn là giảng rõ về hồn người, hồn nước

GD&TĐ - Cần có nhiều công trình nghiên cứu một cách hệ thống về nghệ thuật sáng tạo cũng như nghệ thuật sư phạm của GS-NGND Hoàng Như Mai. Từ góc độ của mình, tôi chỉ nhớ lại và viết ra đôi điều cảm nhận về thầy.

Thầy Hoàng Như Mai với các thế hệ học trò
Thầy Hoàng Như Mai với các thế hệ học trò

1.

Tôi nhớ duy một lần thầy vô lớp với một quyển sổ tay, nhưng không thấy mở ra - chắc sổ ghi việc gì đó hay một số thông tin chính xác khi cần… Những buổi còn lại, thầy chỉ lên lớp tay không, nhưng ăn mặc rất lịch sự, luôn đeo cà vạt. Tôi thấy việc lên lớp với thầy Hoàng Như Mai là cả một công trình văn hóa, người thầy phải xuất hiện trong tư thế đàng hoàng nhất, trang trọng nhất và hạnh phúc nhất của đời người!

Vô lớp, sau hồi hỏi chuyện ngắn, thầy bắt đầu giảng, như một diễn viên vô vai diễn xuất thần, lúc đưa tay, khi ngân giọng, những câu thơ khi như suối róc rách, lúc như thác nước gầm; bục giảng nhỏ dường biến thành sân khấu, phòng học hóa thành vòm nhà hát lớn - nơi diễn - viên - thầy - giáo cất giọng sang sảng, rung ngân như giọng opera của danh ca L. Pavarotti…

Ai đã được nghe giờ giảng của thầy Hoàng Như Mai, chắc cũng cảm nhận gần như thế. Đâu cần phải sách vở, trình chiếu lủng củng mà lại rất hay, rất sâu! Tất cả giáo án đã nhuần nhuyễn ở trong thầy từ lâu, nó là máu thịt, là tâm hồn của thầy, “bóc” dần ra chia cho học trò như một thứ bánh thánh. Chắc thầy biết rõ sự tích bánh thánh trong Thiên Chúa giáo và không thể không thích hình tượng này.

Từ những câu thơ của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu “Dân hai chục triệu đâu người lớn/ Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con”, thầy chỉ ra nỗi đau của nhà thơ - dịch giả bài Hoàng hạc lâu (Thôi Hiệu) tài hoa bậc nhất chính là nỗi đau mất nước, nỗi đau con dân Việt Nam đang phải làm nô lệ. Đó cũng là nỗi đau của Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến “Cờ đương dở cuộc không còn nước/ Bạc chửa thâu canh đã chạy làng”…

Cũng qua giọng đọc, bình truyền cảm của thầy, chúng tôi mới cảm nhận ra cái hay về chất của Rau tần (Trần Huyền Trân), Màu thời gian của Đoàn Phú Tứ; cái bi tráng “Sông Mã gầm lên khúc độc hành” (Tây Tiến - Quang Dũng), khí vị của “Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong/ Hồn dân tộc sáng bừng trên giấy điệp(Bên kia sông Đuống - Hoàng Cầm).

Đặc biệt, thầy nhấn mạnh phần thơ văn, báo chí chống tham nhũng ngay trong chiến khu Việt Bắc. Lúc đó, tôi trộm nghĩ còn bao cái hay của văn chương thứ thiệt, sao thầy lại dành nhiều thời gian cho loại này? Càng ngày, chuyện tham nhũng càng trở thành một quốc nạn, tôi mới thấy thầy mình thật có lý, tính dự báo của thầy qua bài giảng rất cao!

GS-NGND Hoàng Như Mai

Phong thái giảng dạy và giọng đọc thơ truyền cảm của thầy Hoàng Như Mai mang vẻ đẹp của một huyền thoại, một tầm học vấn, một nhân cách. Việc lên lớp là cả một công trình văn hóa, người thầy phải xuất hiện trong tư thế đàng hoàng nhất!

2.

Cứ hình dung chuyên đề của thầy như một vườn hoa, thầy dẫn ta đi dạo ngắm nghía rất nhiều loại cây với hương sắc của nó, thỉnh thoảng, thầy chỉ ra xa, cho ta thấy vẻ đẹp khác biệt hoặc giống nhau của vườn hoa này với những vườn hoa bên cạnh; rộng hơn là của vùng hoa này với các vùng hoa thế giới, rồi mời ta lại góc vườn, ngồi nghỉ, uống trà. Lúc đó, ta sẽ nghe những câu thơ mộc mạc, đầy khí huyết của chính thầy:

Chúng ta trí thức đi theo Đảng

Nào có bao giờ tính thiệt hơn?

Việc làm ngay thẳng, lòng trong sáng,

Sống giản đơn và chết giản đơn!”

Đây là khẩu khí của một con người mang nặng hồn nước, hồn dân tộc, “đi theo Đảng” - như nhận thức của nhiều người cùng thế hệ của thầy, là một cách để cứu nước, cứu dân.

Mảng thơ văn thầy viết không nhiều, nhưng khá đa dạng (văn, thơ, kịch, nghiên cứu phê bình, dịch và báo chí…), đủ toát lên phẩm cách của bậc đại bút!

Cạnh nhà tôi có một người làm nghề giáo, sau này tôi biết họ cũng dạy văn và họ mở lớp dạy thêm bằng cách bớt bài ở trường, ép học sinh về học ở lớp dạy thêm. Và vì tiếng ồn vọng tường qua nên những khi làm việc ở nhà, tôi không thể không nghe. Cô soạn sẵn bài rồi đọc cho các em chép, chép xong thì cô nhắc nộp tiền - việc dạy văn thành một sự mua bán đơn thuần.

Tôi nghe và bực, rồi cười, rồi sợ cái kiểu dạy văn như vậy. Mà kiểu này xem ra khá phổ biến, nó chỉ làm học sinh chán ghét môn Văn, cũng như môn Sử… Những lúc như vậy, tôi lại nhớ đến thầy Hoàng Như Mai, chắc những người như người hàng xóm đó không được học giờ văn của thầy! Ngay nhiều thầy cô dạy họ cũng chưa chắc đã được học thầy hay người như thầy?!

Một lần sau buổi giảng, tôi chở thầy về căn nhà nhỏ hẻm đường Phó Đức Chính (TPHCM). Thầy về tới nhà người mệt rũ ra, khác hẳn lúc trên lớp. Tôi thấy thương thầy, thấy thầy đúng như con tằm miệt mài ăn dâu rồi khéo léo nhả ra tơ - thứ tơ vàng trên lớp. Thế mới biết, người thầy lớn phải thực sự có tâm, có tầm, biết tạo hứng thú, biết truyền lửa - ngọn lửa của vẻ đẹp văn chương, của hồn người, hồn nước. Đó cũng là ngọn lửa thiêng của nghề sư phạm mà thầy đã truyền cho các thế hệ, đã nhân rộng khắp nơi.

Một lần khác, tôi ghé thăm thầy, đương lúc chuyện trò thì một anh chàng dắt xe lọc xọc đi vào. Thầy nói: “Đây là Hoàng Vũ Quân - con trai tôi. Nó làm Đài truyền hình HTV”. Thầy gọi Quân lại giới thiệu tôi và nói: “Anh Hương đây chuyên về văn học Nga. Anh xem bên đài có nhu cầu làm chương trình gì thì phối hợp với anh ấy…”. Thế nên, sau này, tôi đã cùng Hoàng Vũ Quân làm mấy chương trình giới thiệu về thơ Nga - Xô viết, về Pushkin, Tyutchev… rất vui và khá hoành tráng. Vậy ra thầy không chỉ biết lắng nghe, chia sẻ - dù rằng có được điều này đã là rất quý, điều quan trọng hơn theo tôi hiểu, là thầy tìm mọi cách để giúp người khác phát huy được thế mạnh của họ, để họ có nhiều cống hiến nhất cho cuộc sống…

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Xoay chuyển tình thế

Thế giới
GD&TĐ - Ứng viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa Donald Trump đang trên đường đua để trở lại Nhà Trắng trong bối cảnh những cáo buộc pháp lý bủa vây ông.

Đừng bỏ lỡ