Dạy lí luận văn học cho học sinh THCS

GD&TĐ - Kiến thức lí luận văn học góp phần tạo nên năng lực học văn của HS, nhất là những HS giỏi ở cấp THCS. HS cần được trang bị và hệ thống lại một số kiến thức lí luận thật cơ bản nhằm lĩnh hội, phân tích, khám phá vẻ đẹp tác phẩm văn học tốt hơn, sâu hơn trên cơ sở sử dụng những kiến thức ấy một cách chính xác hơn.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Khẳng định lí luận văn học (LLVH) là kim chỉ nam đóng vai trò khá quan trọng trong việc định hướng dạy và học một tác phẩm văn học ở nhà trường phổ thông, cô Tô Hằng – giáo viên Trường THCS Giảng Võ (Hà Nội) chia sẻ kinh nghiệm dạy lí luận văn học cho học sinh ở THCS.

Dạy HS nắm khái niệm và vấn đề cơ bản của lí luận văn học

Con đường hình thành kiến thức LLVH cấp THCS trước hết phải gắn với những bài giảng văn, những bài học về tác giả tác phẩm cụ thể.

Nhấn mạnh điều này, cô Tô Hằng cho rằng, trong mỗi giờ dạy, giáo viên cần chỉ ra và phân tích chốt lại được một vài khái niệm, thuật ngữ LLVH nào đó. Trong những giờ tổng kết chương, ôn tập, ngoại khoá cần tiến hành hệ thống hoá tất cả các thuật ngữ khái niệm LLVH đã học hoặc có thêm trong SGK.

Song song với việc cung cấp cho các em các thuật ngữ, khái niệm như thế cần gúp các em đi sâu vào nắm vững một số vấn đề rất cơ bản và thiết thực của LLVH như tác phẩm văn học, thể loại, vai trò của nghệ sĩ, chức năng nhiệm vụ của văn học…

Những kiến thức lí luận được lồng ghép vào các bài, tiết học cụ thể

Những bài dạy có thể đưa kiến thức LLVH được cô Tô Hằng thống kê như sau:

KHỐI/ LỚP

TÊN BÀI DẠY

MỨC ĐỘ LÔNG GHÉP

6

- Phần văn học dân gian như: Thánh Gióng, Sơn Tinh Thuỷ Tinh, Con rồng cháu tiên…

- Phần văn học hiện đại: Bức tranh của em gái tôi, Cô Tô, Bài học đường đời đầu tiên

- Phần thơ trữ tình: Lượm, Đêm nay Bác không ngủ, Mưa…

- Thể loại văn học dân gian

- Thể loại truyện, kí, nhân vật, cốt truyện, tình huống…

- Thể loại trữ tình, hình tượng văn học, nghệ thuật ngôn từ…

7

Ngoài một số tác phẩm truyện hiện đại và thơ trữ tình như đề cập ở chương trình lớp 6, với lớp 7 cần trọng tâm vào một số tác phẩm nghị luận hiện đại như: Ý nghĩa văn chương

-Nguồn gốc, nhiệm vụ, công dụng của văn học và vai trò của người nghệ sĩ

8

- Truyện hiện đại: Lão Hạc, Tức nước vỡ bờ.

- Thơ trữ tình: thơ ca cách mạng : “ Ngắm trăng, Đi đường, Khi con thu hú.” thơ Mới : “Nhớ rừng, Ông đồ, Quê hương” văn thơ yêu nước đầu thế kỉ XX : “Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác, Đập đá ở Côn Lôn”

- Nhân vật và hoàn cảnh điển hình, tình huống, chi tiết truyện

- Ngôn ngữ, hình ảnh thơ, thể thơ, đặc điểm từng “dòng” thơ..

9

- Văn học Trung đại: Chuyện người con giái Nam Xương, Truyện Kiều, Lục Vân Tiên

- Thơ trữ tình: Bếp lửa, Bài thơ về tiểu đội xe không kính, ánh trăng, Con cò, Mùa xuân nho nhỏ…

- Truyện hiện đại: Làng, Bến quê, Lặng lẽ Sa Pa, Chiếc lược ngà, NHững ngôi sao xa xôi…

- Nghị luận hiện đại: Tiếng nói của văn nghệ, Chó sói và cừu trong thơ ngụ ngôn của La Phông Ten

- Cốt truyện, bút pháp xây dựng nhân vật, tình huống…

- Ngôn ngữ, hình ảnh, giọng điệu, hình tượng….

- Cốt truyện, tình huống, nhân vật, chi tiết ….

- Vai trò của người nghệ sĩ, đặc trưng của sáng tác nghệ thuật, chức năng của văn chương..

Với các tác phẩm tự sự được học trong chương trình, kinh nghiệm của cô Tô Hằng là luôn chú trọng vận dụng kiến thức LLVH vào việc giảng dạy văn bản.

Các vấn đề khai thác ở đây chủ yếu là: thể loại tự sự, nhân vật trong tác phẩm tự sự, cốt truyện, tình huống, chi tiết… Tất nhiên không phải văn bản nào người dạy cũng đi vào đầy đủ các khía cạnh trên. Tuỳ từng văn bản mà cần có sự chọn lọc những nét đặc trưng cơ bản nhất, nổi trội nhất để khai thác.

Với thể loại tự sự, ngoài cung cấp cho học sinh những kiến chung về thể loại, trong quá trình dạy, giáo viên có sự so sánh giữa các tác phẩm cùng thể tự sự, để thấy mặc dù cùng chung thể loại lớn nhưng vẫn có sự khác biệt về tiểu loại nhỏ.

Các tiểu loại nhỏ đó sẽ phản ánh cách thức thể hiện nội dung khác nhau. Ví dụ trong truyện thì có truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết. Mà mỗi tiểu loại nhỏ này, đến với người sáng tác lại không ai giống ai.

Ở các tác phẩm thơ trữ tình, vận dụng kiến thức LLVH vào giảng dạy, cô Tô Hằng cho biết thường hướng tới các vấn đề chính: Khai thác “cách nói” của thơ khác với “cách nói” của truyện.

Nếu như truyện “nói” bằng nhân vật, tình huống, chi tiết, sự kiện thì thơ “nói” bằng ngôn ngữ, hình ảnh, giọng điệu, hình tượng… Ngôn ngữ thơ khác với ngôn ngữ văn xuôi. Chính vì tính hàm súc do đó ngôn ngữ thơ thường giầu tính biểu cảm và biểu đạt. Phân tích thơ tức là phân tích tính nghệ thuật của ngôn từ.

Nhóm văn bản nghị luận, đi vào vấn đề vai trò của văn chương và vai trò của người nghệ sĩ.

Dạy học sinh kĩ năng vận dụng kiến thức LLVH vào bài viết

Ở nội dung này, cô Tô Hằng cho biết, có thể sử dụng kiến thức LLVH như là một phương tiện để dẫn dắt nêu hoặc chốt vấn đề; sử dụng kiến thức LLVH để phân tích, bình giá nội dung nghệ thuật tác phẩm.

“Qua những năm trực tiếp đứng trên bục giảng, tôi nhận thấy việc nắm chắc kiến thức lí luận văn học đã hỗ trợ rất lớn trong việc giảng dạy bộ môn Ngữ văn. Nó trở thành một trong những phương tiện hữu hiệu, một kim chỉ nam để định hướng cho giáo viên khai thác bài dạy theo hướng khoa học có cơ sở nhất.

Từ việc hiểu bản chất của những khía cạnh trong văn học nhờ có sự soi sáng của kiến thức lí luận mà các em tích cực hơn với bộ môn, góp phần nâng cao chất lượng tiếp thu, học bài” – cô Tô Hằng chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ