Đại học hóa giáo viên

GD&TĐ - Ngay cả trong những nước giàu như Hong Kong, Singapore, Nhật Bản, việc ĐH hóa 100% giáo viên vẫn chưa đạt được dù đã có kế hoạch ngắn hạn và trung hạn.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Ở Trung Quốc, có một sự khác biệt khá lớn giữa tỉ lệ giáo viên tốt nghiệp ĐH ở tiểu học và trung học. Điều này thực ra là phản ánh sự khác biệt giữa nông thôn và thành thị ở nội địa. Ở nông thôn chỉ có trường tiểu học, và học sinh phải tiếp tục học lên trung học ở các thành phố. Đối với những trường tiểu học ở nông thôn như vậy, nhiều nơi còn đang phải đối đầu với việc duy trì một lực lượng giáo viên chỉ được đào tạo ở mức tối thiểu.

Thông tin về đại học hóa giáo viên ở một số nước Châu Á cũng như vấn đề gặp phải trong quá trình này được chia sẻ trong tham luận của GS Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội – tại Hội thảo giáo dục 2018 diễn ra mới đây.

Tranh luận xung quanh nơi phụ trách đào tạo giáo viên

Trong quá trình thực hiện ĐH hóa giáo viên, một vấn đề đang được tranh luận là nơi phụ trách việc đào tạo. Tham luận của GS Nguyễn Văn Minh cho biết, với xu hướng ĐH hóa giáo viên, các nhà làm chính sách đang phải giải quyết vấn đề liệu có nên tiếp tục giao việc đào tạo giáo viên cho những trường ĐH/cao đẳng sư phạm được nâng cấp hoặc xây dựng mới như vậy, hay là nên chuyển giao phần việc đó cho những trường ĐH khác, chẳng hạn Khoa Giáo dục Sư phạm của các trường ĐH tổng hợp?

Một vấn đề khác nữa là liệu việc đào tạo giáo viên có nên được tổ chức thông qua những chương trình đào tạo sư phạm kết hợp hay là nên tổ chức những chương trình học cấp bằng tổng quát, sau đó là chương trình cao học về sư phạm. Vấn đề không chỉ là chương trình nào thì thuận tiện hơn, mà còn liên quan tới quan điểm thế nào là cách đào tạo giáo viên tốt nhất.

Đối với phần lớn các xã hội Đông Á như Hong Kong, Đài Loan, Nhật Bản, và Hàn Quốc, cả hai hệ thống trường chuyên biệt và trường tổng hợp cùng tồn tại song song, thường là trường chuyên biệt chủ yếu đào tạo giáo viên tiểu học, và trường tổng hợp thì đào tạo giáo viên trung học.

Mặt khác, Trung Quốc đào tạo giáo viên chủ yếu là trong những trường chuyên đào tạo giáo viên, nhưng cũng có cả chương trình đào tạo giáo viên ở các trường ĐH thông thường khác.

Trong quá trình hướng tới mục tiêu ĐH hóa giáo viên, một vấn đề gây tranh cãi là việc đào tạo giáo viên nên được thực hiện trong một chương trình thống nhất hay là thực hiện thông qua một chứng chỉ đại cương và sau đó là một khóa cao học về đào tạo giáo viên.

Đối với mô hình thứ nhất, sinh viên sẽ thi vào ĐH hoặc cao đẳng sư phạm sau khi tốt nghiệp trung học, và học lấy bằng cử nhân giáo dục. Trong mô hình thứ hai, sinh viên sẽ học một khóa cao học về giáo dục để lấy bằng thạc sĩ giáo dục sau khi lấy chứng chỉ về một môn học liên quan.

Vai trò của trường phổ thông trong việc đào tạo giáo viên

Vấn đề về vai trò của trường phổ thông trong việc đào tạo giáo viên, theo tham luận của GS Nguyễn Văn Minh, phía trường ĐH quả là có nỗi lo sợ mất sự kiểm soát và thẩm quyền của mình trong việc đào tạo giáo viên. Ảnh hưởng vượt trội của trường phổ thông có thể gây ra kết quả tiêu cực đối với những lý thuyết dạy học được xây dựng trên cơ sở kết quả nghiên cứu do những người đang hành nghề thực hiện dựa trên kinh nghiệm công việc của mình.

Các trường ĐH cũng có cả nỗi lo mất nguồn tài chính một khi việc đào tạo này được chuyển giao sang cho trường phổ thông. Vào lúc các nguồn lực tài chính đang bị thu hẹp ở một số quốc gia như Hong Kong hay Nhật Bản, đây quả là một mối bận tâm thực sự.

Về phía các trường phổ thông, ý thức về nghĩa vụ đóng góp của họ trong việc đào tạo giáo viên còn khá xa lạ trong giáo giới Đông Á. Nhà trường phổ thông không thấy lợi ích thiết thực gì trong việc tham gia đào tạo giáo viên, chưa kể thái độ sai lầm coi giáo sinh thực tập là một người phụ việc hơn là một người cần được quan tâm giúp đỡ.

Cũng vậy, nhiều giáo viên cho rằng công việc của họ đã quá đủ nặng nề, đòi hỏi nhiều thời gian và công sức, không rỗi hơi mà gánh thêm cái việc hướng dẫn cho giáo sinh thực tập. Kết quả là các trường đào tạo giáo viên càng lúc càng khó tìm được những trường phổ thông chấp nhận cho giáo sinh của mình đến thực tập.

Do thực tế đó mà các nhà khoa học đang cố gắng thiết lập lại mối quan hệ giữa trường phổ thông và trường sư phạm trong việc đào tạo giáo viên. Trường phổ thông không còn chỉ được coi là địa điểm thực tập của giáo sinh sư phạm, mà còn được coi là một đối tác của trường sư phạm với nhiều hình thức khác nhau.

Trong bối cảnh đó gần đây đã có một sự chuyển hướng trong sự cộng tác để đào tạo giáo viên, rõ nhất là ở Hong Kong và Singapore, nhằm đạt đến một kết quả có lợi cho cả hai phía. Sự chuyển hướng này còn đang ở giai đoạn khởi đầu và được xem như một trong những chủ đề chính của các cuộc thảo luận về việc đào tạo giáo viên ở Đông Á những năm gần đây.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Cơ chế đặc thù

GD&TĐ - Luật Giáo dục năm 2019 đặt ra yêu cầu cao hơn đối với trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS.
Minh họa/INT

Truy lùng quốc tế

GD&TĐ - Nga đang triển khai chiến dịch truy lùng ráo riết tại một số nước để bắt các nghi phạm liên quan vụ khủng bố đẫm máu tại Moscow.