Có nên ép trẻ thuận tay trái viết bằng tay phải?

GD&TĐ - Một năm học sắp tới gần, với những em bé bắt đầu bước vào cấp 1 có rất nhiều kỹ năng phải học hỏi, đặc biệt là việc cầm bút. Khi trẻ bắt đầu tập viết cũng nảy sinh tranh luận nên cho trẻ cầm bút tay trái hay tay phải? Câu hỏi được đặt ra cho các giáo viên và phụ huynh là có nên ép trẻ thuận tay trái viết bằng tay phải?

Hình ảnh đưa lên Facebook gây bức xúc cộng đồng mạng
Hình ảnh đưa lên Facebook gây bức xúc cộng đồng mạng

Trẻ gặp nhiều khó khăn khi viết bằng tay trái

Mới đây một người dùng Facebook chia sẻ câu chuyện bức xúc trên cộng đồng mạng với nội dung: Cháu ruột của chủ tài khoản này là một bé thuận tay trái, dù đã cố tập viết bằng tay phải nhưng do viết nhiều mỏi quá, bé chuyển sang viết bằng tay trái và đã bị cô giáo chủ nhiệm phản đối gay gắt. Không những thế, cô giáo còn viết thư gửi cho cha mẹ cháu với nội dung: “Phụ huynh để ý cháu hay viết bằng tay trái”.

Ngay sau khi được đăng tải, trang Facebook này đã gây nên bức xúc trong cộng đồng mạng với hơn 8.000 lượt bày tỏ cảm xúc, 1.300 lượt bình luận. Nhiều người bày tỏ quan điểm nên cho trẻ thuận theo tự nhiên, không nên ép trẻ viết bằng tay phải… Sự việc đặt ra câu hỏi có nên ép trẻ viết tay phải hay không, nếu ép trẻ sẽ có những tác động thế nào tới sự phát triển của trẻ?

Chia sẻ về những băn khoăn này, TS Vũ Thu Hương, giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết: “Theo quan sát của tôi, tại Việt Nam, số trẻ thuận tay trái khá nhiều, thậm chí chiếm đến 30 - 40%. Tôi cũng là người thuận tay trái nên cũng gặp rất nhiều khó khăn”.

Với những em nhỏ trong giai đoạn vào lớp 1, các em phải luyện rất nhiều kỹ năng. Và mức độ thuận tay trái của các em rất khác nhau, với mỗi em mức độ khó khăn cũng khác nhau. Có em khi cầm bút bằng tay phải, nếu để ý, chúng ta sẽ thấy cái dáng cầm bút đã không chuẩn, nhưng khi chuyển sang tay phải thì chuẩn ngay lập tức. Trong khi đó, đối với một số em viết tay nào cũng được. Với mỗi trẻ có sự khác biệt. Tuy nhiên, với trẻ thuận tay trái tương tác trong môi trường hầu hết các em đều thuận tay phải gặp phải vô vàn khó khăn.

Có nên ép trẻ viết bằng tay phải?

Theo TS Vũ Thu Hương, thuận tay trái hay tay phải là do tự nhiên của mỗi người. Có nhiều người làm mọi việc bằng tay trái rất thuận, rất thành thạo. Nhưng dù sao khi viết thì chúng ta nên luyện cho con viết bằng tay phải. Chúng ta không ép con mà là khuyến khích con viết bằng tay phải để không gây khó khăn cho con khi ngồi viết cùng các bạn. Cha mẹ khuyến khích con có thể viết 10 dòng, thì 8 dòng tay phải, 2 dòng tay trái.

“Trong chương trình GD phổ thông của chúng ta chưa có phương pháp dạy học sinh cách viết chữ bằng tay trái. Tôi quan sát rất nhiều người viết bằng tay trái, họ rất lúng túng. Khi con đặt bút viết bằng tay phải, mắt con nhìn được chữ dễ dàng, không bị tay che khuất, dễ đọc những gì mình viết, dễ chỉnh sửa con chữ hơn, không lem mực… Nếu viết tay trái, nhiều khi tay con sẽ đè lên chữ, rồi lem mực nữa…Tôi đồng cảm với các GV khi trong lớp có bạn viết bằng tay trái sẽ gây rất khó khăn cho giáo viên” - TS Vũ Thu Hương chia sẻ.

Khi được hỏi có nên dùng biện pháp cưỡng chế để trẻ viết bằng tay phải hay không? TS Vũ Thu Hương cho rằng, bất kỳ biện pháp cưỡng chế nào cũng đều không tốt, nếu ép trẻ sẽ gây nên những phản ứng tiêu cực. Trẻ em rất dễ bị thuyết phục. Giáo dục là động viên và khích lệ. Do vậy để cho đứa trẻ hòa nhập có một biện pháp là khuyến khích.

Điều quan trọng là ứng xử và hỗ trợ trẻ

Thực tế, chúng ta thấy giáo dục không cấm trẻ viết bằng tay trái hay tay phải, chúng ta chỉ quan tâm đến kết quả như thế nào. Điều đó các nhà nghiên cứu giáo dục không thích lắm; các nhà giáo dục muốn quan tâm đến quá trình học hỏi nhiều hơn.

Bên cạnh đó, tâm lý giáo dục khi dạy trong trường sư phạm không trang bị cho SV xử lý phương pháp như thế nào với trẻ thuận tay trái hay tay phải. Đứng trước một lớp học 50 - 60 trẻ, hơn nữa thời lượng 35 phút trong một tiết học, nếu có một trẻ gặp vấn đề nào đó, cô giáo mất khoảng 5 phút thì sẽ gây khó khăn trong vấn đề truyền tải thông tin. Vì thế, việc giáo viên có những ức chế khi trẻ viết tay trái cũng có thể thông cảm.

Để chuẩn bị kỹ năng và tâm lý cho trẻ vào lớp 1, TS Vũ Thu Hương khuyên, bố mẹ có thể khám phá con ngay qua 6 năm mầm non, biết con thuận tay trái hay tay phải để bố mẹ có phương án giúp đỡ con nhẹ nhàng nhất. Với trẻ thuận cả 2 tay, chúng ta nên gợi ý cho con chuyển sang tay phải để hòa đồng trong mọi tình huống.

Nếu trẻ không thể viết được tay phải thì phụ huynh nên nói chuyện với cô giáo, xin cô cho cháu ngồi đầu bàn bên tay trái để không ảnh hưởng đến các bạn khác. Nếu chúng ta than phiền khiến GV sẽ ức chế, họ không tìm ra cách giải quyết được. Điều quan trọng là việc chúng ta ứng xử với trẻ và cách hỗ trợ trẻ trong cuộc sống như thế nào.

Hiện nay thuận tay trái hay tay phải cũng là điều rất tự nhiên trong cuộc sống. Chúng ta nên tôn trọng trẻ để có sự phát triển tốt nhất về thể chất và tâm lý. Nếu có sự khó khăn, chúng ta tìm đến sự hỗ trợ của GV để các em không bị sang chấn tâm lý khi bước vào năm học mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ