Cô giáo trẻ day dứt khi chứng kiến học sinh mất đi hứng thú học tập

Cô giáo trẻ day dứt khi chứng kiến học sinh mất đi hứng thú học tập

Đó là chia sẻ của cô Vũ Bích Phương - giáo viên môn Sinh học Trường THCS Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội).

Động lực để đổi mới, sáng tạo

Theo cô Phương, trong bối cảnh xã hội đặt ra nhiều kì vọng đối với ngành Giáo dục, con đường trước mắt của cô còn rất dài, với rất nhiều những kế hoạch, dự án mà cô muốn thực hiện, cũng là con đường nhiều khó khăn, thử thách và chông gai.

Cô Phương là một trong những giáo tâm huyết, đổi mới, sáng tạo của ngành Giáo dục Thủ đô. Cô đã trực tiếp biên soạn giáo trình dạy môn Sinh học với 6 chủ đề tích hợp trên nền tảng phần mềm công nghệ ONENOTE, hướng dẫn học sinh ôn tập kiến thức.

Ngoài ra, cô cùng đồng nghiệp đã nghiên cứu và biên soạn công trình “Dự án ứng phó biến đổi khí hậu - mô hình dạy và học định hướng phát triển bền vững”, tạo kho tài nguyên trực tuyến từ xa về các bài học TOP 16 công trình Tri thức trẻ vì giáo dục.

Dự án đã được Bộ GD&ĐT chọn là một trong 3 dự án được báo cáo và chia sẻ tại Diễn đàn Giáo dục toàn cầu tại Châu Âu.

Cô giáo trẻ day dứt khi chứng kiến học sinh mất đi hứng thú học tập ảnh 1
Cô Vũ Bích Phương tại Diễn đàn Giáo dục toàn cầu tại Châu Âu. Ảnh: NVCC

Về công tác chủ nhiệm cô đã xây dựng bộ hồ sơ sổ liên lạc và sổ chấm chéo với mục đích tăng tính tự quản của học sinh; bộ hồ sơ quản lý học sinh từ xa giúp phụ huynh học sinh có thể cùng giáo viên chủ nhiệm hỗ trợ các con trong học tập, đã được Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) mời phối hợp chia sẻ cho giáo viên các trường và một số tỉnh thành trong cả nước...

Cô Phương tâm sự, để có được những thành tích như ngày hôm nay, bên cạnh sự động viên giúp đỡ của lãnh đạo, bạn bè đồng nghiệp, bản thân cô cũng đã có sự cố gắng không ngừng tự học hỏi và hoàn thiện bản thân.

Cô giáo trẻ day dứt khi chứng kiến học sinh mất đi hứng thú học tập ảnh 2
Cô Vũ Bích Phương. Ảnh: NVCC

Tuy nhiên, trong 9 năm đứng trên bục giảng, điều cô Phương day dứt nhất chính là chứng kiến học sinh mất đi niềm hứng thú học tập. Những đứa trẻ không cảm thấy hạnh phúc khi “được học”, mà ngược lại mệt mỏi khi “phải học”, rồi đến “chán học” và “sợ học”.

Cô luôn trăn trở, phải chăng, đó chỉ là lỗi của các em, vì các em chưa ngoan, chưa nỗ lực? Hay đó còn một phần là do lỗi của người lớn chưa biết cách làm các em thích học?

“Chính những câu hỏi ấy đã thôi thúc tôi tìm mọi phương pháp để khiến cho học sinh thấy cần học, đạt đến trạng thái vui học” – cô Phương bộc bạch và cho biết: Cô may mắn được tiếp cận với các phương pháp giáo dục tích cực, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin và mô hình giáo dục STEM.

Khi áp dụng những phương pháp ấy, kết hợp với sự tìm tòi sáng tạo của bản thân, cô đã nhận thấy sự thay đổi kì diệu của học sinh. Những ánh mắt chăm chú, háo hức chờ mong, những nụ cười rạng rỡ, những sản phẩm từ đơn giản đến kì công, những dự án đạt giải cao trong các cuộc thi quốc tế, tất cả đã cho cô thêm tin tưởng vào triết lý giáo dục “vui học, cô đọng, khoa học” của mình.

Mỗi học sinh là một màu sắc cá tính

Nhìn lại chặng đường mình đã đi qua, tôi hiểu rằng tất cả những gì mình đã đạt được, tuy còn nhỏ bé, nhưng thực sự là sự ghi nhận cho triết lý giáo dục mà tôi luôn theo đuổi cô Phương bộc bạch

Bên cạnh việc giảng dạy bộ môn Sinh học, cô Phương còn được nhà trường tin tưởng giao cho công tác Chủ nhiệm. Với một giáo viên trẻ, chưa nhiều kinh nghiệm, đây là một nhiệm vụ không hề dễ dàng.

Nhất là với những học sinh đang ở độ tuổi “sớm nắng, chiều mưa”, và luôn muốn tự khẳng định mình, thậm chí có biểu hiện nổi loạn. Nhưng cô luôn tâm niệm: Mỗi người có một dấu vân tay không trùng lặp, mỗi học sinh là một màu sắc cá tính, không ai giống ai.

“Giáo dục tích cực đúng nghĩa phải khiến học sinh là chính mình nhưng phát triển tốt nhất so với xuất phát điểm. Bởi vậy, tôi luôn dành thời gian để tìm hiểu học trò, để nhận rõ tâm tư, sở trường, ước mơ của các em, để hỗ trợ các em phát triển tốt nhất”- cô Phương trao đổi.

Cô cho biết: Trong nhiều năm làm chủ nhiệm, cô không còn “quản lý, theo dõi, đánh giá” học sinh mà đã chuyển dần sang việc hỗ trợ các em “tự quản lý, tự theo dõi, tự đánh giá” để tự nhận thức và tiến bộ.

"Rất may mắn, cách làm này của tôi nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của học sinh và phụ huynh. Vì thế, tuy gặp phải không ít những khó khăn, nhưng tôi thực sự hạnh phúc khi các học sinh của mình đã dần khám phá và ý thức về giá trị của bản thân, nỗ lực phấn đấu để bảo vệ, khẳng định và phát triển các giá trị ấy" - cô Phương chia.

Cô giáo trẻ day dứt khi chứng kiến học sinh mất đi hứng thú học tập ảnh 3
Cô Phương vinh dự được phát biểu tại lễ vinh danh "Nhà giáo của năm 2019" do Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức

Thắp sáng những khát khao của học trò

Cô Phương luôn ghi nhớ cảm giác lần đầu tiên cùng học sinh của mình được vinh danh trong 1 kì thi quốc tế. Đó không chỉ là niềm hạnh phúc chiến thắng sau bao ngày miệt mài vất vả, mà đó còn là lòng tự tôn dân tộc, là khát vọng vươn tới những chân trời tri thức cao rộng bao la.

Lúc đó, tôi đã tự nhủ với lòng mình: Học sinh Việt Nam rất tài giỏi, có rất nhiều tiềm năng chưa được khai phá. Nhiệm vụ của người thầy chính là thắp sáng những khát khao chinh phục và dẫn đường cho các em đến với thế giới bao la. Đó cũng chính là những gì 9 năm qua tôi đã làm, và sẽ còn tiếp tục làm trong sự nghiệp của mình” – cô Phương trải lòng.

Là một giáo viên trẻ, cô  Phương càng ý thức rõ hơn vai trò tiên phong trong sự nghiệp đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục, thực hiện sứ mệnh cao cả mà Nhà nước giao phó: đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, để “non sông Việt Nam được sánh vai với các cường quốc năm Châu” như Bác Hồ từng căn dặn. Để làm được điều đó, cô Phương hiểu rằng, người thầy cần không ngừng học hỏi, trau dồi để nâng tầm của bản thân. Chỉ bằng cách mở rộng và tự đổi mới bản thân, kết nối những trang sách với cuộc sống sinh động bên ngoài, chúng ta mới có thể khiến việc học thực sự trở thành niềm vui và ham muốn của học trò.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ