Cô giáo chia sẻ kinh nghiệm "làm bạn" với học sinh cuối cấp

GD&TĐ - Cô giáo Nguyễn Thị Việt Hà, Trường THCS Nguyễn Huệ (quận Hải Châu, Tp Đà Nẵng) cho rằng, để là người đồng hành, định hướng giáo dục, thì giáo viên chủ nhiệm phải là chỗ dựa tin cậy của học sinh.

Cô giáo Nguyễn Thị Việt Hà cùng ký lưu niệm với HS lớp 9 trong lễ bế giảng cuối cấp.
Cô giáo Nguyễn Thị Việt Hà cùng ký lưu niệm với HS lớp 9 trong lễ bế giảng cuối cấp.

Thấu hiểu để sẻ chia

Theo cô giáo Nguyễn Thị Việt Hà, đã làm giáo viên chủ nhiêm (GVCN) dù là ở lớp học nào bậc học nào thì cũng vất vả vì đó là một công việc đặc biệt. GVCN phải dành nhiều thời gian, không chỉ thời gian trên lớp mà còn thời gian ngoài lớp học để quan tâm, chăm sóc, giáo dục học sinh nhằm thúc đẩy sự tiến bộ của mỗi em trong lớp của mình.

GVCN cuối bậc học THCS lại càng vất vả hơn vì đây là giai đoạn có nhiều sự thay đổi tâm lý lứa tuổi ở học sinh. Ngoài việc học tập, các em có nhiều ước mơ, nhiều mối quan tâm đến gia đình, bạn bè, xã hội nên có thể dẫn đến những sao nhãng trong học tập. Đây lại là năm học đặc biệt quan trọng để các em cần phải tự đánh giá năng lực bản thân, xác định cho mình hướng đi mới là tiếp tục học THPT hay học nghề.

Vì vậy, GVCN phải làm tốt vai trò của mình, vừa là người đồng hành, vừa là người định hướng giáo dục, vừa là bạn, vừa là chỗ dựa tin cậy của học sinh bằng cách tăng cường phối hợp với gia đình, các tổ chức trong nhà trường, giáo viên bộ môn để hiểu đúng, hiểu rõ và định hướng đúng cho học sinh của mình.

GVCN thường xuyên cập nhật thông tin từ các GVBM, từ cha mẹ HS Đây là năm học quan trọng và rất nhiều áp lực đối với các em từ nhiều phía , từ ngay chính bản thân các em, tận sâu trong tâm thức các em luôn mong muốn có được sự thông cảm và thấu hiểu. Nếu GVCN có thể là người các em đủ tin tưởng thì các em sẵn sàng chia sẻ và cũng chính từ những chia sẻ này mà GVCN có những phương cách cụ thể để điều chỉnh các hoạt động giáo dục của lớp cho phù hợp.

Cô giáo Việt Hà chụp ảnh lưu niệm với HS trong lễ bế giảng năm học.
Cô giáo Việt Hà chụp ảnh lưu niệm với HS trong lễ bế giảng năm học.

Cô Việt Hà cũng lưu ý rằng, độ tuổi 14 – 15 là giai đoạn khủng hoảng tâm lý và cả sinh lý của trẻ. “Trong bối cảnh XH hiện nay việc các em tiếp nhận các thông tin trên mạng Internet là chuyện đương nhiên và khả năng các em tiếp xúc với các nguồn thông tin không chính thống là không thể tránh khỏi. Có những HS sau này chia sẻ lại chính bản thân em cũng không biết vì sao hồi đó như thế. Có nghĩa các em cũng không hoàn toàn kiểm soát được hành vi của mình” – cô Hà kể.

Theo kinh nghiệm cô giáo Nguyễn Thị Việt Hà thì nhu cầu được những người xung quanh tôn trọng ý kiến cá nhân của HS ở  độ tuổi “ẩm ương” này là rất lớn. Do đó GV và phụ huynh hãy đặt mình vào vị trí của các em để có thể hiểu suy nghĩ, hành vi của các em từ đó dẫn dắt các em theo chiều hướng tích cực.

Gieo niềm tin, gặt hạnh phúc

Cô Việt Hà nhận xét: "Giai đoạn cuối cấp THCS là giai đoạn khủng hoảng và khó khăn trong cuộc đời học sinh. Mọi học sinh đều rất cần đến sự giúp đỡ của người thân và thầy cô giáo. Chỉ khi các em không đủ niềm tin hoặc các em chưa cảm nhận được tình yêu thương từ GVCN thì các em mới khép mình, che giấu những khó khăn của bản thân".

Để trở thành chổ dựa tinh thần của HS, theo cô Việt Hà, GVCN cần phải khơi dậy được ở học sinh niềm tin vào bản thân, gạt bỏ những rào cản tâm lý để các em có thể đối mặt với những vấn đề của mình.

"Mỗi sự thay đổi về sức khỏe, kết quả học tập, thái độ học tập của các em đều có thể là những dấu hiệu cho thấy các em đang “không ổn”. Khi đó, GVCN cần chủ động nói chuyện, khơi gợi cảm xúc từ học sinh.

Tuy nhiên, khi vấn đề không chỉ thuộc về cá nhân học sinh, thì GVCN cần tìm cách phải trợ giúp cho các em bằng nhiều cách, trong đó có việc tiếp xúc với các đối tượng có liên quan đến học sinh như gia đình, tập thể lớp, những người bạn thân của học sinh đó,..để tìm hiểu vấn đề từ đó giúp học sinh vượt qua khó khăn" - cô Hà chia sẻ. 

Khi xây dựng được niềm tin, GVCN sẽ là chỗ dựa tinh thần, trở thành người bạn đồng hành của học sinh.
Khi xây dựng được niềm tin, GVCN sẽ là chỗ dựa tinh thần, trở thành người bạn đồng hành của học sinh.

Theo cô Việt Hà, làm công tác chủ nhiệm lớp thì quá trình mỗi cá nhân tiến bộ, tập thể lớp đoàn kết gắn bó và cùng đi lên, đó là thành tích lớn nhất. "Do là một quá trình nên không thể ngày một, ngày hai, không thể lúc nào cũng đạt thành tích cao, trong quá trình ấy thậm chí phải có những thất bại".

Trong công tác chủ nhiệm, cô Việt Hà luôn đề cao vai trò, trách nhiệm của mỗi cá nhân trong tập thể, gần gũi để hiểu được tâm tư của HS, kết nối các thành viên trong lớp để các em thực sự thông cảm với nhau. "Ở lứa tuổi các em đầy năng lượng nhưng cũng rât dễ nản chí khi không có sự thông hiểu nhau trong các hoạt động của lớp, cái tôi và tự ái cũng khá lớn. Trong các hoạt động, các em được ghi nhận, động viên kịp thời cả khi thất bại cũng như khi thành công thì tự các em sẽ gắn bó và không đơn độc trong lớp của mình" - cô Hà nhận xét. 

Cô Hà cũng cho rằng, GVCN cần xây dựng đội ngũ cán bộ lớp có ý thức, có trách nhiệm, có uy tín với các thành viên lớp và luôn biết lắng nghe từ phía các bạn để trao đổi lại với GVCN kịp thời tìm giải pháp. Qua mỗi hoạt động tập thể mà nhà trường tổ chức như hội trại, văn nghệ, các hoạt động trải nghiệm,các nội dung chủ đề trong các giờ sinh hoạt… đã có sức lôi cuốn rất lớn các em vào các hoạt động chung. Tinh thần vì tập thê, tự hào về “ lớp mình”, “trường mình” sẽ giúp các em có thêm động lực trong hoạt động của mình. 

"Để hỗ trợ tốt cho các em thì sự đồng lòng giữa phụ huynh và GVCN là điều không thể thiếu. Nhưng để đạt được điều đó, nhất là trong trường hợp hoàn cảnh gia đình HS đặc biệt thì GVCN cần hiểu rõ HS của mình. GV nên chủ động tìm hiểu hoàn cảnh của HS vàchủ động trao đổi với phụ huynh những hoạt động của HS tại trường lớp như một học sinh bình thường của lớp , tránh có sự phân biệt hay chỉ trích phê bình HS, tạo điều kiện tốt nhất có thể để HS đó có thể tham gia các hoạt động của lớp, dần tạo mối quan tâm chung giữa gia đình và nhà trường với mục đích chung giáo dục các em" - cô Nguyễn Thị Việt Hà.
.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ