Chuyên gia bật mí nghiệp vụ dạy học trực tuyến

GD&TĐ - Ngoài dạy – học trực tuyến, giáo viên có thể dạy học trên radio, phát phiếu, tài liệu in tới cha mẹ học sinh… Mục đích không để việc học tập của các em bị gián đoạn, đứt gãy.

Ảnh minh hoạ/internet
Ảnh minh hoạ/internet

Số hoá bài giảng

Sáng 12/9, ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Hướng dẫn một số nghiệp vụ sư phạm cơ bản trong dạy học trực tuyến ở tiểu học”. Toạ đàm nằm trong chuỗi chương trình hỗ trợ giáo viên tiểu học thuộc khuôn khổ các hoạt động của Kênh trực tuyến hỗ trợ giáo dục tiểu học do ĐH Quốc gia Hà Nội và VNPT phối hợp thực hiện.

Diễn giả của chương trình đến từ Trường ĐH Giáo dục (ĐH quốc gia Hà Nội) là PGS.TS Nguyễn Chí Thành - Chủ nhiệm Khoa Sư phạm và TS Tôn Quang Cường - Chủ nhiệm Khoa Công nghệ.

Theo PGS.TS Nguyễn Chí Thành, trong bối cảnh hiện nay, tuỳ từng điều kiện cụ thể ở các địa phương, nhà trường; giáo viên có thể sử dụng một trong 4 phương án dạy học: Dạy học trực tuyến qua Zoom, Google Meeting, Teams… hoặc LMS; Dạy học qua truyền hình; Dạy học qua sóng radio; phát phiếu, tài liệu in tới cha mẹ học sinh thông qua email, bưu điện kết hợp với các phương thức trực tuyến khác.

PGS.TS Nguyễn Chí Thành nhìn nhận, dịch Covid-19 đã tạo ra động lực mới cho đội ngũ giáo viên khi việc dạy – học phải chuyển sang hình thức trực tuyến. Theo đó, giáo viên bắt buộc phải số hoá bài giảng.

Trước đây, khi dạy trên lớp học truyền thống, giáo viên đã có giáo án và kịch bản dạy học. Nay, cần hệ thống lại những nội dung đó để phù hợp với các phương thức dạy học nêu trên. Mỗi phương án, đều cần phối hợp chặt chẽ với phụ huynh để hoạt động giáo dục, dạy học đạt hiệu quả cao nhất…

PGS.TS Nguyễn Chí Thành chia sẻ tại buổi toạ đàm trực tuyến
PGS.TS Nguyễn Chí Thành chia sẻ tại buổi toạ đàm trực tuyến

Đặt vấn đề, làm sao để tổ chức các hoạt động dạy – học trực tuyến hiệu quả, TS Tôn Quang Cường nhấn mạnh, điều kiện tiên quyết là bài giảng phải chất lượng. Muốn vậy, nhà trường, tổ chuyên môn cần thống nhất kịch bản và lựa chọn giáo viên am tường công nghệ để thiết kế thành bài giảng hoàn hảo. Các giáo viên khác sẽ hỗ trợ, tạo ra những tương tác hiệu quả.

Bằng cách đó, kho học liệu sẽ được cập nhật liên tục và hỗ trợ đắc lực cho giáo viên trong quá trình dạy học. Ngoài ra, nhà trường cần tổ chức tập huấn cho giáo viên, để bất kỳ thầy cô nào cũng có thể ứng dụng công nghệ vào giảng dạy, trước mắt là dạy học trực tuyến.

“Dĩ bất biến, ứng vận biến”

TS Tôn Quang Cường trao đổi, trong bối cảnh hiện nay đòi hỏi các nhà trường, giáo viên phải “Dĩ bất biến, ứng vận biến”. Việc đầu tiên mà cán bộ quản lý cơ sở giáo dục cần làm là đồng hành cùng thầy cô và lựa chọn phương án dạy – học tối ưu nhất.

Khi dạy – học trực tuyến, giáo viên cần xác định vất vả và tốn công sức gấp 2-3 lần so với dạy học trực tiếp. Giáo viên không thể bê nguyên bài giảng của lớp học truyền thống vào lớp học trực tuyến, mà cần thiết kế lại theo hướng: video và số hoá.

TS Tôn Quang Cường: Cần số hoá bài giảng
TS Tôn Quang Cường: Cần số hoá bài giảng

Tuy nhiên, theo TS Tôn Quang Cường, không phải lúc nào nhà trường, giáo viên, học sinh cũng đủ thiết bị để dạy – học trực tuyến. Vì thế, tuỳ từng điều kiện cụ thể, giáo viên có thể lựa chọn phương án dạy học phù hợp; thậm chí, không nhất thiết phải “dập khuôn” theo tiến độ thời khoá biểu từng ngày, mà có thể linh hoạt, hoán đổi.

Chẳng hạn, với lớp 1, bài học hôm nay âm A, nhưng giáo viên có thể dạy âm B hoặc âm C trước để phù hợp với thực tiễn…. Mục đích cuối cùng là không để việc học tập của học sinh bị gián đoạn và đứt gãy.

Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng theo hướng mở; do đó nhà trường chủ động bố trí thời gian triển khai kế hoạch giáo dục các môn học và hoạt động giáo dục trong năm học bảo đảm tính khoa học, sư phạm, không gây áp lực đối với học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: ITN

Cách cảm thụ một câu thơ hay

GD&TĐ - Nhà thơ sáng tạo nên câu thơ hay bằng cách nào? Người đọc cảm thụ câu thơ hay cần chú ý những phương diện sáng tạo nghệ thuật nào của nhà thơ?
Nhiều nhà tuyển dụng e ngại làm việc với “gen Z” vì sự khác biệt thế hệ.

'Gen Z' và 'mác' lười biếng

GD&TĐ - Trên một số diễn đàn, hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm làm việc, nhiều nhà tuyển dụng, quản lý cho biết cảm thấy khá e ngại khi làm việc với thế hệ trẻ...