Chuẩn hiệu trưởng để nâng tầm chất lượng

GD&TĐ - Xu thế đổi mới giáo dục - đào tạo ngày nay đang đặt lên vai những người hiệu trưởng nhiệm vụ nặng nề, bởi việc đổi mới không chỉ giới hạn trong chương trình mà đổi mới về quản lý, cách làm… Ở đó người hiệu trưởng được ví như “thuyền trưởng” để điều khiển con tàu vươn ra biển lớn.

Chuẩn hiệu trưởng để nâng tầm chất lượng

Hay nói cách khác, hiệu trưởng chính là nhân tố quan trọng dẫn dắt hoạt động dạy và học đi đến quyết định nâng cao chất lượng giáo dục ở mỗi nhà trường.

Trước xu hướng chung của thế giới và trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 đang đòi hỏi ở ngành Giáo dục phải chuyển mình để đáp ứng những yêu cầu mới. Cụ thể hơn là đòi hỏi ở mỗi người hiệu trưởng phải làm thế nào để nhà trường vừa đáp ứng được những mong đợi từ phía xã hội, lại vừa đáp ứng những yêu cầu từ cán bộ, giáo viên và học sinh.

Vì vậy trách nhiệm hiệu trưởng lại càng nặng nề hơn, điều đó cũng đồng nghĩa là để đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ mới đòi hỏi ở người hiệu trưởng bên cạnh phải đảm bảo đáp ứng được các yêu cầu như: Có phẩm chất chính trị tốt; có hiểu biết về pháp luật, vững vàng về chuyên môn nghiệp vụ; có năng lực quản lý; có tác phong làm việc khoa học; có khả năng tập hợp được quần chúng, xây dựng được tập thể sư phạm đoàn kết; biết xây dựng và nhân điển hình tiên tiến, nhân tố mới, người tốt, việc tốt, nét đẹp trong cuộc sống hàng ngày của giáo viên và học sinh; thực hiện tôn trọng quy chế dân chủ và lấy quy chế dân chủ làm chỗ dựa cho công tác quản lý... là phải có năng lực chuyên môn tốt, phải có khả năng quản lý kinh tế, có trình độ tin học và ngoại ngữ nhất định nếu không, trong thời kỳ hội nhập khó mà nói đến chuyện ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin và tận dụng cơ hội để hiện đại hóa giáo dục thông qua sự hợp tác quốc tế.

Hay nói cách khác là hiệu trưởng phải có các “chuẩn” đảm bảo các tiêu chí đó là người vừa có “tâm” vừa có “tầm”, có “chí” và phải là người mà được đại đa số cán bộ, giáo viên nể và phục. Nể vì đức độ, vì sự gương mẫu, vì lối sống và cách đối nhân xử thế, vì cái “tâm” của hiệu trưởng; phục vì năng lực chuyên môn, năng lực quản lý, cách điều hành, xử lý thông tin. Nhất là trong bối cảnh nền giáo dục Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề cấp bách cần giải quyết.

Công việc rất cần lúc này đối với mỗi người hiệu trưởng là đổi mới tư duy nhận thức trong lĩnh vực quản lý bằng việc thay đổi triết lý quản lý chuyên môn, không nặng về quản lý hành chính, bên cạnh đó là thay đổi phương thức hoạt động chuyên môn, không quá chú trọng phương pháp của người dạy mà chú ý việc tiếp thu của người học, thay đổi quan niệm về đánh giá chất lượng giờ dạy, ngoài ra cần xây dựng môi trường giáo dục thân thiện để có sự hợp tác trong tổ chức, quản lý toàn diện chất lượng trường học, xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh trong tập thể để nâng cao hiệu quả hoạt động của nhà trường…

Đồng thời cần thực hiện phân cấp đề cao vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm của từng thành viên trong nhà trường, biểu hiện cụ thể là mối quan hệ giữa người học với người dạy và các cấp quản lý bên trong, bên trên và bên ngoài nhà trường...

Nhất là trong hành trình dẫn dắt các hoạt động đổi mới căn bản và toàn diện, không ai khác chính người hiệu trưởng phải là người đi đầu, là lực lượng nòng cốt để tạo thành một khối đoàn kết vững chắc, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của tập thể, tạo kỷ cương, nền nếp, đoàn kết, thống nhất và tạo ra bầu không khí tâm lý thuận lợi, có văn hoá cho mọi người cảm thấy có điều kiện tốt nhất để sáng tạo và gắn bó với nhà trường, từ đó nhận thức rõ nhiệm vụ, quyền hạn của mình nhằm nâng cao hiệu quả giảng dạy và giáo dục.

    Hay nói cách khác là hiệu trưởng phải có các “chuẩn” đảm bảo các tiêu chí đó là người vừa có “tâm” vừa có “tầm”, có “chí” và phải là người mà được đại đa số cán bộ, giáo viên nể và phục. Nể vì đức độ, vì sự gương mẫu, vì lối sống và cách đối nhân xử thế, vì cái “tâm” của hiệu trưởng; phục vì năng lực chuyên môn, năng lực quản lý, cách điều hành, xử lý thông tin.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ