Chia sẻ của cô giáo nhiều năm dạy học sinh khiếm thị

GD&TĐ - Dạy học lớp 1 chưa bao giờ dễ dàng, đặc biệt khi trong lớp có cả học sinh khiếm thị thì những khó khăn, vất vả càng chồng chất. Để làm tốt nhiệm vụ, giáo viên phải kiên trì, tâm huyết và yêu thương trẻ hết mực...

Học sinh khiếm thị luôn cần được quan tâm và chia sẻ trong quá trình học tập.
Học sinh khiếm thị luôn cần được quan tâm và chia sẻ trong quá trình học tập.

Kiên trì vượt khó

Cô giáo Dương Thu Hằng, người đã gắn bó nhiều năm với ngôi trường đặc biệt - PTCS Nguyễn Đình Chiểu (Hai Bà Trưng – Hà Nội) chia sẻ: Khi nhận lớp việc đầu tiên chúng tôi phải làm đó là giúp học sinh bình thường làm quen với sự có mặt của các bạn học sinh khiếm thị trong lớp.

Vì học sinh lớp 1 còn nhỏ nên giáo viên phải giải thích rõ cho các con hiểu mình sẽ gặp những khó khăn gì khi đi học, ngồi học và chỉ ra những việc mà những học sinh bình thường khác cần hỗ trợ học sinh khiếm thị.

Cùng đó, giáo viên cũng phải chú ý đến các nhu cầu bình thường nhất của các em như đi vệ sinh, uống nước, ra vào lớp… Do nhút nhát, tự ti, ngại nhờ cô và bạn nhưng các em lại chưa tự phục vụ được bản thân nên cũng gây ra ít nhiều những ảnh hưởng tới quá trình học tập chung của lớp và bản thân học sinh.

Một khó khăn khác mà giáo viên phải đối diện ngay đầu năm học đó là hướng dẫn các em sờ được sách giáo khoa (chữ nổi), sờ chữ, hình, tìm bài học. Học sinh khiếm thị cần rèn luyện xúc giác để sờ được chữ, có tư duy tưởng tượng tốt mới sờ được hình. Song nhiều em việc rèn kĩ năng sờ chấm chữ khó khăn vô cùng bởi khả năng xúc giác của các em không tốt.

Việc sử dụng sách chữ nổi cũng là khó khăn với học sinh khiếm thị vào lớp 1 bởi khổ sách thường to, nặng, lấy sách, cất sách không dễ dàng. Sách toán giấy nilon, đóng gáy nhựa nên khá trơn. Để mở sách đúng trang, giữ sách trên bàn để không trượt dơi xuống đất phải mất một thời gian dài làm quen, thích nghi…

Cô Dương Thu Hằng bày tỏ: “Dạy học sinh khiếm thị khó khăn hơn dạy học sinh bình thường rất nhiều lần, do đó khi nhận nhiệm vụ giáo viên hãy xác định đổi mới về tư tưởng, không nên nghĩ dạy các em sẽ áp lực, thay vào đó là tinh thần hãy thoải mái, thả lỏng… sẽ giúp cho dạy học sẽ đạt hiệu quả cao hơn…”

Cô Dương Thu Hằng cùng HSKT khi kết thúc năm học.
Cô Dương Thu Hằng cùng HSKT khi kết thúc năm học.

Mặt khác từ kinh nghiệm bản thân, cô Hằng cũng cho rằng: Dạy học sinh khiếm thị quan trọng nhất giáo viên phải có tính kiên trì để rèn luyện từng kĩ năng nhỏ nhất như sờ đọc, viết, nghe, di chuyển… cho học trò.

Bên cạnh đó, cần hỗ trợ cho học sinh khiếm thị cần theo mức độ gặp khó khác nhau. Việc sáng tạo, linh hoạt trong kĩ thuật dạy học sẽ nảy sinh từ quá trình dạy học thực tế chứ không trên lý thuyết.

Quan trọng hơn là phải có sự kết hợp hiệu quả với gia đình học sinh khiếm thị. Khi những hoạt động của các em được rèn luyện trong nhiều môi trường khác nhau sẽ mang lại hiệu quả cao hơn, phát triển đồng đều, liên tục hơn…

Để học sinh khiếm thị hạnh phúc

Cô Dương Thu Hằng nhận thấy học sinh khiếm thị có khả năng nhận biết âm thanh tốt, vì vậy việc luôn tạo điều kiện và tư vấn cho phụ huynh để các em tiếp xúc với âm nhạc nhiều hơn. Điều đó sẽ giúp các em giải toả được áp lực tâm lí, thư giãn khi nghỉ ngơi và tạo hứng thú khi học tập, làm việc.

Mặt khác, một số emcũng có tính hiếu động, vì không nhìn được nên việc chạy nhảy có thể gây mất an toàn cho bản thân. Do đó được tiếp cận với âm nhạc các em sẽ giảm chạy nhảy tự do và chuyển sang đánh nhịp, lắc lư... Âm nhạc mang đến cho các em một tâm hồn mới mà không rơi vào trầm lặng, buồn chán.

Nhìn ra và phát huy âm nhạc vào dạy học, nhiều năm qua tại Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu đã xây dựng được dàn nhạc dân tộc. Từ đó đào tạo được nhiều thế hệ học sinh ra trường theo nghề và gặt hái nhiều giải thưởng cao khi học sinh khiếm thị tham gia vào các hội diễn văn nghệ của ngành, thành phố, hội người mù.

Lớp học hòa nhập đòi hỏi giáo viên nỗ lực, kiên trì nhiều hơn trong quá trình dạy học.
Lớp học hòa nhập đòi hỏi giáo viên nỗ lực, kiên trì nhiều hơn trong quá trình dạy học.
Có học sinh khiếm thị  bước vào lớp 1 khóc cả tháng, có em không phản ứng mạnh mẽ nhưng lại ngồi im cả ngày như vô cảm. Những lúc đó tôi thấy thương và và nặng lòng. Tôi chỉ có thể vui, hạnh phúc khi thấy các em cùng chơi, trò chuyện với bạn ở sân trường, trong lớp hoặc có những biểu hiện tiến bộ dù nhỏ nhất….
Cô giáo Dương Thu Hằng

Cô Dương Thu Hằng cho biết thêm, điều làm cho học sinh khiếm thị vui vẻ, hạnh phúc chính là có bạn bè. Vì vậy, giáo viên cũng cần làm tốt việc tạo cầu nối gắn kết học sinh bình thường với học sinh khiếm thị trong các hoạt động chung. Từ đó giúp các em hòa đồng, tự tin với mọi hoạt động từ học tập tới sinh hoạt nơi trường lớp…

Có thể thấy, hoạt động giáo dục trong những ngôi trường “đặc biệt” với những đặc thù riêng thì những giá trị, mục tiêu giáo dục cho học sinh được đặt ra cũng phải phù hợp thực tế.

Trong những năm qua, nhà trường và giáo viên luôn cố gắng để đem lại một môi trường học tập chú trọng đến từng em, từ đó phát triển năng lực và kỹ năng tốt nhất giúp các em thành công ở những bậc học tiếp theo. Điều đó cũng tạo tiền đề cho học sinh có năng lực hội nhập toàn cầu và có trách nhiệm xã hội trong tương lai.

Trường đã xây dựng môi trường học tập tích cực, học sinh có động lực và phương pháp học tập hiệu quả, tránh áp lực. Giúp các em biết quan tâm nhiều hơn đến con người và thế giới xung quanh, biết chia sẻ và yêu thương.

Đặc biệt, còn chú trọng phát huy khả năng tư duy và phê phán, lối tư duy độc lập, độc đáo và năng lực sáng tạo của trẻ. Khuyến khích phát huy tinh thần tự giác, độc lập và các giá trị đạo đức đúng đắn...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ