Cần GD kiến thức phòng chống thiên tai cho trẻ từ tuổi nào?

GD&TĐ - PGS.TS Nguyễn Hồng Phương – Viện Vật lý địa cầu, cho rằng: Để giảm thiểu thiên tai, một trong những việc làm cần thiết là giáo dục ý thức cho mỗi công dân ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường.

Ảnh minh hoạ. (Nguồn: IT)
Ảnh minh hoạ. (Nguồn: IT)

Cần sớm giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho trẻ

Trao đổi với bạn đọc trong Giao lưu trực tuyến do Báo Giáo dục và Thời đại tổ chức gần đây, PGS.TS Nguyễn Hồng Phương – Viện Vật lý địa cầu cho rằng: Một trong những nguyên nhân dẫn tới những thay đổi về khí hậu của trái đất và hiện tượng thời tiết cực đoan là do tác động của con người. Bởi vậy, cần đưa kiến thức giáo dục ý thức bảo vệ môi trường vào giảng dạy cho trẻ trong trường học ngay từ cấp tiểu học.

Lấy một ví dụ cụ thể, ở Italia, các học sinh tiểu học được dạy về biến đổi khí hậu thông qua hình thức "kể truyện cổ tích" khi kết hợp các vấn đề của môi trường với những câu chuyện thần tiên. Những cấp học sau đó, lượng kiến thức về vấn đề này dần dần được nâng lên và đến thời trung học, các em được phép đi sâu thảo luận, góp ý kiến cho Chính phủ về Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hiệp Quốc về Phát triển bền vững.

Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Phương, kiến thức về thiên tai và phòng chống thiên tai là những kiến thức quan trọng mà tất cả các trẻ em cần được biết đến từ sớm, không riêng gì trẻ em vùng lũ. Chẳng hạn, các hiện tượng thiên nhiên như động đất, sóng thần, núi lửa, bão, lũ lụt, … cần được giải thích rõ ràng, có thể bằng những hình thức đơn giản và phổ cập, nhưng phải được trang bị cho các em từ lứa tuổi cắp sách đến trường.

Trong số những kiến thức phổ cập này, một phần rất quan trọng là ý thức về sự ứng phó với thiên tai, từ những vấn đề sơ đẳng nhất như cần phải làm gì khi có thiên tai xảy ra đến những vấn đề phức tạp hơn như các biện pháp đánh giá và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, quản lý rủi ro thiên tai. Như vậy, việc phổ cập các kiến thức này phải được thực hiện như một chiến lược quốc gia, đưa vào chương trình giáo dục trong trường học từ cấp tiểu học đến đại học.

Ở các cấp thấp như tiểu học hay trung học, môn học phù hợp để lồng ghép các kiến thức này có thể là Giáo dục công dân hay các hoạt động ngoại khóa, các hình thức thăm quan hay tọa đàm với chuyên gia ngay tại lớp.

Các trường đại học cũng cần có những bộ môn chuyên sâu về khoa học và công nghệ liên quan đến đánh giá mức độ nguy hiểm, ước lượng rủi ro do thiên tai và các biện pháp phòng chống thiên tai.

Ảnh minh hoạ. (Nguồn: IT)
Ảnh minh hoạ. (Nguồn: IT)

Hành động thiết thực, tránh hô hào khẩu hiệu

Môi trường sống là “tài sản” chung. Chúng ta đang sinh sống và phát triển trong lòng của “mẹ trái đất”. Bởi vậy, trách nhiệm góp phần bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu là của tất cả mọi người, mọi quốc gia, dân tộc.

PGS.TS Nguyễn Hồng Phương cho rằng, tùy từng hoàn cảnh cụ thể, mỗi người trong chúng ta cần có ý thức bảo vệ môi trường và phòng chống biến đổi khí hậu một cách phù hợp và hiệu quả nhất. Bảo vệ môi trường sống cần bắt đầu từ những việc làm nhỏ nhặt và thiết thực, tránh hô hào, khẩu hiệu suông. Ở các khu vực đô thị, những hành động thiết thực nhất có thể là không dùng bếp than, không xả rác bừa bãi hay hạn chế sử dụng túi ni lông, trong khi ở các vùng nông thôn, đó có thể là không đốt rơm rạ, không dùng thuốc diệt cỏ bừa bãi. Còn ở các vùng rừng núi, cần có ý thức rất rõ là sự phá rừng sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng và những thiệt hại to lớn về người và của do lũ quét.

“Thách thức lớn nhất cản trở nỗ lực phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu là nhận thức của người dân về hai khái niệm này còn chưa đạt được mức độ thích hợp. Sự thiếu hiểu biết dẫn đến những hành động nhiều khi là vô thức nhưng lại có ảnh hưởng xấu đến môi trường mà hậu quả lâu dài chính là sự biến đổi khí hậu.

Điều cần rút ra ở đây là việc giáo dục cộng đồng, nâng cao hiểu biết về bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu phải được thực hiện đồng bộ, rộng khắp trên mọi mặt của cuộc sống, tại tất cả các ngành, các cấp trong xã hội, để những kiến thức và ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường dần dần biến thành truyền thống, một văn hóa của cả thế hệ, một phần quan trọng của cuộc sống trong mỗi người dân.”, PGS.TS Nguyễn Hồng Phương nhận định.

Ngày 22/10/2020, Bộ GD&ĐT đã ban hành Quyết định số 3162/QĐ-BGDĐT về việc ban hành Kế hoạch phòng, chống thiên tai (PCTT) giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu tăng cường quản lý nhà nước về phòng, chống thiên tai góp phần phát triển giáo dục, kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, 100% các cơ sở giáo dục thuộc các khu vực chịu nhiều ảnh hưởng bởi thiên tai xây dựng được kế hoạch phòng, chống và ứng phó thiên tai của đơn vị mình; tổ công tác phòng, chống thiên tai các cấp được trang bị kiến thức và kỹ năng về PCTT, cùng hệ thống thông tin liên lạc phù hợp, hiệu quả. Lồng ghép, tích hợp những kiến thức cơ bản về PCTT vào các chương trình giáo dục, hoạt động ngoài giờ lên lớp trong các cơ sở giáo dục; từ năm 2021 tổ chức triển khai đại trà theo kế hoạch cụ thể của Bộ GD&ĐT.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ