Bạo lực học đường: Lời cảnh báo từ chuyên gia

GD&TĐ - Bạo lực học đường (BLHĐ) được nhiều nước trên thế giới coi là mối lo ngại lớn. Việt Nam là một trong số nước đứng đầu về vấn nạn BLHĐ.

Bạo lực học đường: Lời cảnh báo từ chuyên gia

Tập trung nhiều ở các thành phố lớn

Tình trạng BLHĐ diễn ra ở cả nông thôn và thành thị nhưng tập trung nhiều hơn ở các thành phố lớn. Chuyên gia tư vấn Nguyễn Thanh Hiền, Tổng đài Tư vấn trực tuyến Tâm lý học đường cho biết, học sinh ở các thành phố lớn thường có cuộc sống đầy đủ và được bố mẹ nuông chiều hơn học sinh nông thôn. Học sinh nông thôn gắn bó với cuộc sống ở làng quê rồi những người lao động thuần túy. Môi trường xã hội không phức tạp và nhiều tệ nạn như ở thành phố. Ngoài học tập, học sinh ở nông thôn còn tham gia giúp cha mẹ nhiều công việc. Các em ý thức được cuộc sống vất vả, cố gắng học tập, rèn luyện và có mục tiêu phấn đấu.

Ở thành phố, nhiều gia đình có điều kiện kinh tế khá giả hơn. Các em được bố mẹ dành mọi điều kiện tốt nhất, thậm chí được bố mẹ chu cấp tiền bạc thường xuyên để tiêu vặt. Vì thế, nhiều em có tâm lý ỷ lại vào gia đình sao lãng học hành và chú tâm vào những trào lưu, cám dỗ ngoài xã hội. Nhiều học sinh mới 16, 17 tuổi đã rủ nhau theo nhóm đi bar, vũ trường và thể hiện “độ chất” bằng bóng cười, rượu, thuốc lắc, cần sa…

Khi đó chỉ cần một lời khích bác, một ánh nhìn mỉa mai, hoặc đang trong trạng thái thần kinh bị kích động thì chẳng cần lý do cũng có thể cãi vã, đánh lộn nhau. Những vụ BLHĐ để lại hậu quả nghiêm trọng thường xảy ra ở nhóm những học sinh hư hỏng này. Theo bà Hiền, tình trạng BLHĐ ở thành phố sẽ ngày một gia tăng nếu các cơ quan chức năng không quản lý, dẹp bỏ được những tụ điểm phát sinh các tệ nạn, cũng như các bậc cha mẹ chỉ mải mê lao vào vòng xoáy kiếm tiền mà ít dành thời gian quan tâm, giám sát, uốn nắn con mình.

Gia tăng trong các cơ sở mầm non nhỏ lẻ

Ở những thành phố lớn, mật độ dân cư đông đúc. Dù số lượng các trường học công lập và tư thục khá nhiều nhất là ở cấp mầm non nhưng cũng không đáp ứng đủ nhu cầu trông, giữ trẻ của người dân. Trong bối cảnh như vậy, nhiều cơ sở mầm non tư thục nhỏ lẻ đã bung ra để đáp ứng nhu cầu gửi trẻ nhất là những gia đình công nhân lao động nghèo.

Gọi là cơ sở mầm non nhưng đa phần điểm trông giữ này có diện tích nhỏ hẹp, chật chội. Lợi ở chỗ, các cơ sở này gần khu dân cư, thời gian trông trẻ linh hoạt và mức phí khá hợp với túi tiền của người lao động nghèo. Những cơ sở này thường không có camera giám sát, phụ huynh chỉ hy vọng vào “hên, sui” ở lương tâm người trông giữ trẻ.

Giảng viên Nguyễn Thị Hồng Vân, Phó khoa Giáo dục Mầm non, Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương cho rằng: Những cơ sở mầm non có diện tích chật chội, vài cô chăm mấy chục cháu khiến những cô trông giữ rất vất vả. Môi trường làm việc ngột ngạt, nhiều áp lực từ phía chủ cơ sở và phụ huynh học sinh cộng với việc nhiều cô trông giữ trẻ không được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ bài bản nên nhiều lúc nóng nảy, không kiềm chế cảm xúc, gây bạo lực với trẻ.

Các nhóm nhà trẻ, cơ sở mầm non mọc lên tràn lan nên việc kiểm soát cũng hết sức khó khăn cho các cơ quan chức năng. Nhiều cơ sở khi bị báo chí phanh phui sai phạm mới lộ ra tình trạng hoạt động chui hoặc chưa xong thủ tục cấp phép đã tiến hành mở lớp.

“Những vụ bạo hành ghê rợn đối với trẻ em ở TPHCM hay ở Đà Nẵng vừa qua gióng lên hồi chuông báo động về thực trạng trẻ bị bạo hành sẽ tiếp tục còn xảy ra trong thời gian tới nếu các thành phố lớn không giải được bài toán trong quản lý và giám sát các cơ sở mầm non một cách chặt chẽ”, bà Vân cho biết.

Mạng xã hội - con dao hai lưỡi

Theo quy định tại Khoản 2 và 3 Điều 31, Bộ luật Dân sự, trường hợp học sinh bị đánh, sỉ nhục rồi quay clip đưa lên mạng tùy mức độ, hình thức vi phạm mà người vi phạm có thể bị kiện ra tòa đòi bồi thường thiệt hại, bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Người phát tán hình ảnh, clip là hành vi vi phạm và phải bồi thường thiệt hại, công khai xin lỗi. Việc tùy tiện đưa hình ảnh của người khác lên mạng sẽ bị coi là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm bí mật đời tư.

Chỉ cần tìm kiếm nhanh trên Google ta có thể thấy hàng loạt clip bạo lực ở lứa tuổi học đường. Người xem không khỏi rùng mình phẫn nộ về sự tàn nhẫn, vô cảm của các cô, cậu học trò này. Nguyên nhân dẫn đến bạo lực xuất phát từ những lý do rất nhỏ nhặt “xinh hơn nên đánh”, “nhìn thấy ghét thì đánh”…

Đa số học sinh đều biết BLHĐ là sai trái nhưng không dám lên tiếng vì sợ liên lụy. Một số khác thì thờ ơ, vô cảm khi chứng kiến hành vi bạo lực. Không những không can ngăn còn cười cợt, cổ vũ, ghi lại rồi phát tán lên mạng xã hội, để lại những tổn thương tinh thần vô cùng lớn cho học sinh bị hại. Nhiều em đã quyên sinh vì không chịu nổi cú sốc tinh thần khi hình ảnh mình bị hành hung, hay cử chỉ thân mật, nhạy cảm của mình với bạn khác giới bị phơi bày trên mạng xã hội với vô vàn những lời bình phẩm, thóa mạ…

Các chuyên gia tâm lý cho rằng, các em học sinh này thiếu trầm trọng kỹ năng sống, không được trang bị những kiến thức, bài học về đạo đức và không có kỹ năng giải quyết các vấn đề. Nhiều em chưa ý thức được tác hại của mạng xã hội khi tự ý đăng tải hình ảnh, video của người khác mà chưa có sự cho phép. Tình trạng học sinh sử dụng mạng xã hội làm công cụ gây bạo lực cho bạn mình là một hành vi rất nguy hiểm.

Để hạn chế tình hình BLHĐ, các nhà trường cần làm tốt công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho các em, tạo nhiều sân chơi lành mạnh, bổ ích giúp các em hạn chế việc dành nhiều thời gian cho mạng xã hội. Đồng thời chú trọng công tác giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng giải quyết vấn đề, giúp các em vượt qua áp lực trong cuộc sống.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Giải pháp căn cơ

GD&TĐ - Giải pháp căn cơ vẫn là ưu tiên quỹ đất cho trường học, xây thêm trường...