Bạo lực học đường không còn là nỗi lo nếu…!

GD&TĐ - Hiện nay, bạo lực học đường đã và đang là một vấn nạn báo động cần sự phối hợp, cùng hành động, cùng sự đồng bộ của Nhà trường - Gia đình - Xã hội.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Khoan hãy nói đến các tác nhân khác, bởi để xảy ra một sự việc đáng tiếc sẽ có rất nhiều nguyên nhân. Bạo lực học đường cũng vậy, có rất nhiều nguyên nhân cả bên trong và bên ngoài. Chúng ta sẽ đi tìm hiểu bức tranh tổng thể, Nhà trường - Gia đình - Xã hội,

Nhà trường

Xét cho cùng, với những định hướng, chỉ đạo của các cấp quản lí giáo dục, đại đa số nhà trường đã làm khá tốt vai trò và trách nhiệm của mình trong việc phòng chống bạo lực học đường, bởi ở trường các thầy, cô giáo luôn định hướng và giáo dục học sinh theo lẽ phải, phòng chống và lên án bạo lực học đường. Nhưng thực tế cũng còn một số bộ phận trường học còn nặng về kiến thức văn hóa , đôi khi lãng quên đi nhiệm vụ giáo dục con người “tiên học lễ , hậu học văn”. Mặt khác, cách vận hành trong việc phòng chống bạo lực học đường còn mang tính hình thức và xử lí sự vụ.

Thiết nghĩ, vấn đề “phòng” bạo lực học đường phải xuyên suốt, đồng bộ và xem là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của nhà trường thì mới mong “chống” được những hậu quả đáng tiếc. Như ở trường tôi đang công tác, bên cạnh học thuật, chúng tôi còn chú trọng với chương trình giáo dục tính cách bằng hành động, mỗi tháng sẽ tương xứng với mỗi chủ đề như: thái độ hòa bình, lòng chính trực, sự dũng cảm, sự chia sẻ...qua những chủ đề cụ thể đó học sinh toàn trường sẽ học tập, hành động và thể hiện những suy nghĩ, thái độ, hành vi như nội dung chủ đề. Qua đó giúp các em nhận thức và hình thành nhân cách một cách đầy đủ, đúng đắn.

Cụ thể hơn, để phòng chống bạo lực học đường chúng tôi đã lồng ghép kiến thức trong quá trình giảng dạy, những buổi workshop về chủ đề, những dự án của học sinh, do chính các em suy nghĩ, đề xuất...và qua đó chúng tôi hiểu các em nghĩ gì và mong muốn gì để hỗ trợ và điều chỉnh, sự lắng nghe hơn bao giờ hết vô cùng quan trọng.

Để cụ thể hóa vấn đề này và giúp các em học sinh hiểu rõ hơn, trường chúng tôi tổng kết hoạt động bắng ngày áo hồng "Pink Shirt Day- Ngày áo hồng" là một trong những sự kiện quan trọng luôn được hưởng ứng tích cực ở CISS. Đặc biệt dự án "Ngày áo hồng" được thực hiện bởi chính các em học sinh thuộc câu lạc bộ ABP (Anti-Bullying Project), xuất phát từ nhận thức về thực trạng bạo lực học đường của các em.

Trong suốt thời gian diễn ra sự kiện, ngoài việc tuyên truyền thông tin, thiết kế poster, cẩm nang hành động hay xây dựng và chia sẻ các viral video, học sinh còn "nhuộm hồng" không gian trường học bằng việc khoác lên mình mẫu áo hồng do các em tự thiết kế đặc biệt cho từng năm. Tiền bán áo luôn được dành cho các quỹ từ thiện và các hoạt động phục vụ cộng đồng rất đa dạng của học sinh tại hệ thống CISS. Mỗi năm qua, tinh thần này ngày một lan tỏa mạnh mẽ hơn nhằm nâng cao nhận thức về phòng, chống tệ bắt nạt và bạo lực học đường.

Gia đình

Sự ảnh hưởng của gia đình đối với mỗi cá nhân là vô cùng lớn. Để xảy ra tình trạng bạo lực học đường, một trong những nguyên nhân nữa tác động trực tiếp phải kể đến là do sự giáo dục có phần chưa đúng đắn từ phụ huynh, phụ huynh thường nặng lời quát tháo con cái khi chúng sai, chưa nghe lời, điểm kém... cũng dễ dẫn đến những tình trạng bạo lực học đường.

Bên cạnh đó, với sự phát triển của kinh tế, xã hội, phụ huynh có phần ít quan tâm tới con cái hoặc phụ huynh bị stress và có thể xả stress bằng bạo hành gia đình lên chính con cái của mình hay những thành viên trong gia đình mình. Cấp II và cấp III là giai đoạn học sinh hình thành nhân cách chỉ cần một tác động xấu từ gia đình và xã hội có thể gây nên tổn thương không thể chữa lành, hình thành những nhân cách không đúng về giá trị sống dẫn đến những vụ bạo lực học đường, bởi bọn trẻ học từ người lớn cả, và phụ huynh là tấm gương phản chiếu của trẻ.

Xã hội

Xã hội là cạnh của tam giác, một cạnh rất quan trọng để giúp tam giác “cân” hay tam giác “nhọn”. Nói như vậy để chúng ta hiểu rằng, xã hội Việt Nam đang hội nhập rất nhanh đồng nghĩa với việc du nhập rất nhiều văn hóa theo hướng mở, có rất nhiều thứ tốt trong việc du nhập đó. Tuy nhiên, cũng không ít những điều xấu, và chính sự du nhập, biến đổi đó cũng là nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường bùng nổ. Như, ảnh hưởng từ môi trường văn hóa bạo lực: phim ảnh, sách báo, game bạo lực, kể cả những kênh truyền hình bạo lực…

Để giải quyết “vấn nạn” này, chúng ta phải chú trọng, phối hợp chặt chẽ cả 3 cạnh của tam giác và chú ý hơn nữa đến mấu chốt vấn đề đó là tâm điểm của tam giác - các em Học sinh, nhân tố “chủ đạo” của tình trạng bạo lực học đường.

Học sinh

Do sự chuyển biến về tâm lý của bản thân học sinh ở lứa tuổi từ 12-18 tuổi, giai đoạn này hình thành và củng cố nhân cách mạnh nhất ở con người, cùng với đó là tâm lý không ổn định và với một cái tôi cá nhân, muốn chứng tỏ, khẳng định bản thân quá cao, trong giai đoạn này chỉ cần những tác động kích thích xấu từ thế giới bên ngoài cũng khiến các em học theo, dẫn đến nhiều hệ quả xấu như đánh nhau, bắt nạt, băng nhóm... tại trường học cũng chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến bạo lực học đường.

Hiểu và nắm rõ vấn đề, chúng ta cùng chung tay đẩy lùi tình trạng bạo lực học đường, giúp môi trường giáo dục là môi trường nhân văn, nơi đó các em được học tập, được hoạt động và được sống một cách an toàn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ