Bàn về giáo dục trí tuệ cảm xúc

GD&TĐ - Trong mục tiêu giáo dục toàn diện hiện nay, một trong những vấn đề được quan tâm là giáo dục trí tuệ cảm xúc- EQ (Emotional Quotient) cho học sinh. Bởi đây là một yếu tố cần thiết, quan trọng đối với thành công của các em trong tương lai.

Bàn về giáo dục trí tuệ cảm xúc

Trí tuệ cảm xúc là gì ?

Trí tuệ cảm xúc là khả năng nhận biết cảm xúc của bản thân, hiểu những gì người khác nói với mình, và hiểu được cảm xúc của mình ảnh hưởng đến người xung quanh như thế nào. Trí tuệ cảm xúc còn liên quan đến nhận thức của bản thân về người khác: khi hiểu cảm xúc của họ, sẽ giúp con người quản lý các mối quan hệ hiệu quả hơn.

Theo Daniel Goleman, Tâm lý gia người Mỹ, có năm yếu tố để xác định trí tuệ cảm xúc: Hiểu rõ bản thân; kiểm soát bản thân; giàu nhiệt huyết, biết cảm thông và cuối cùng là kỹ năng giao tiếp.

Để có được khả năng nhận biết, hiểu và truyền đạt cảm xúc thì học sinh phải được học, được rèn luyện. Khác với IQ, EQ có thể tăng lên dần dần qua quá trình học hỏi, tích lũy kinh nghiệm của mỗi người. Vì vậy, việc đưa giáo dục về EQ vào trường học đang là một vấn đề rất được quan tâm của toàn xã hội.

Vì sao cần tăng cường rèn luyện trí tuệ cảm xúc cho học sinh?

Ở lứa tuổi học sinh, có thể nói các em còn rất dễ bị tác động bởi các cảm xúc tiêu cực, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

Hàng loạt những con số thống kê cho thấy tình hình tội phạm, bạo lực trong nhà trường ngày càng nghiêm trọng và có xu hướng tăng nhanh với những biểu hiện ngày càng đa dạng.

Các em gây hấn, đánh nhau; chửi bới, lăng mạ nhau một cách thiếu kiềm chế. Điều đáng nói là nếu như trước đây, hiện tượng này thường xảy ra ở nam sinh thì bây giờ lại là hiện tượng phổ biến ở cả nữ sinh. Có khi các em còn đưa những video bạo hành này lên mạng xã hội một cách “hồn nhiên”, để lại những hậu quả đáng tiếc.

Đồng thời, ý thức đạo đức của một bộ phận học sinh trong nhà trường ngày càng đi xuống. Với việc tiếp xúc rộng rãi với mạng internet, sự phát triển của các trang mạng xã hội, một số bộ phận học sinh dần “lệch chuẩn” trong suy nghĩ và hành động. Các em sẵn sàng bộc lộ cảm xúc, suy nghĩ tiêu cực của mình mọi lúc mọi nơi, với tất cả mọi đối tượng: bạn bè, gia đình, thầy cô. Cách đây vài ngày, trên các phương tiện thông tin đại chúng đăng tải câu chuyện về những học sinh nói xấu giáo viên trên mạng xã hội. Trong câu chuyện đó, ai đúng ai sai, tôi không bàn ở đây.

Điều tôi muốn nói là câu chuyện đó xuất phát từ nguyên nhân nào và làm thế nào để không còn những câu chuyện như thế? Theo tôi, nguyên nhân sâu xa vẫn là ở sự thiếu kiềm chế cảm xúc của những người trong cuộc.

Ở góc độ học sinh, nếu có trí tuệ cảm xúc cao, biết cân bằng cảm xúc theo hướng tích cực thì hẳn sẽ không có những lời nói xấu giáo viên được rỉ tai nhau ấy. Các em có thể sẽ tìm được hướng giải quyết tích cực cho những điều bức xúc hay không hài lòng về giáo viên.

Bên cạnh đó, những hiện tượng trầm cảm, mất cân bằng tâm lý ngày càng phổ biến hơn, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Khi đối mặt với những khó khăn hay vướng mắc nào đó trong học tập hay cuộc sống gia đình, các em không biết cách tự điều chỉnh cảm xúc theo hướng tiêu cực, dẫn đến trầm cảm, thậm chí nhiều em đã tìm đến cái chết như một giải thoát.

Chính vì vậy, việc giáo dục về trí tuệ xúc cảm EQ trong nhà trường trở nên vô cùng cần thiết, nhất là đối với HS THPT, lứa tuổi đang hoàn thiện hành trang trước ngưỡng cửa vào đời.

Cần có hành động thiết thực

Chúng ta không thể chỉ thuyết lí suông về trí tuệ cảm xúc, rao giảng về EQ mà không đem lại hiệu quả thiết thực. Thiết nghĩ, gia đình, nhà trường, xã hội cần quan tâm nhiều hơn nữa đến công tác giáo dục, bồi dưỡng, tạo điều kiện thuận lợi để học sinh phát triển trí tuệ cảm xúc của mình.

Nhà trường cần tổ chức thường xuyên các hoạt động đa dạng, phong phú, mang tính tập thể nhằm tạo điều kiện cho các em phát triển các kĩ năng xã hội cũng như các năng lực trí tuệ cảm xúc. Đồng thời phối hợp với các chuyên gia tâm lí để tổ chức hướng dẫn học sinh tập luyện nâng cao trí tuệ cảm xúc của mình.

Đồng thời, giáo viên cần lồng ghép việc giáo dục trí tuệ cảm xúc cho học sinh thể trong các tiết dạy của mình. Đặc biệt là một số môn học như Ngữ văn, giáo dục công dân, lịch sử, …

Hãy tăng cường rèn luyện trí tuệ cảm xúc cho học sinh. Bởi đây chính là chìa khoá thành công của các em trong tương lai.

Theo Tiếng nói giáo viên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ