Bài học quý giá từ chiến lược đào tạo giáo viên ở Nhật Bản

GD&TĐ - Chiến lược đào tạo giáo viên sau chiến tranh ở Nhật Bản diễn ra quyết liệt, có chủ thuyết từ chính phủ, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các trường và các tập đoàn Keiretsu, đáp ứng tốt quá trình toàn cầu hóa.

Bài học quý giá từ chiến lược đào tạo giáo viên ở Nhật Bản

Cô Dương Thanh Mai - Trung tâm Ngoại ngữ, Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh - từ việc phân tích chiến lược đào tạo giáo viên ở Nhật Bản đã cho rằng: Là nước phát triển sau, Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm từ mô hình này để thiết lập chiến lược đào tạo giáo viên phù hợp, phục vụ quá trình “cải cách căn bản, toàn diện nền giáo dục”, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển kinh tế - xã hội.

Ngành sư phạm không ngừng phát huy tính năng động và sáng tạo.

Cô Dương Thanh Mai cho biết: Ngay sau chiến tranh, Nhật Bản hứng chịu hậu quả tàn khốc. Dưới sự tiếp quản và cưỡng ép của quân đồng minh, tướng Marc Arthur đã thực hiện đợt cải cách giáo dục lớn nhất.

Ngày 3/ 11/ 1946, hiến pháp mới do Mỹ soạn thảo được công bố. Năm 1947, các luật về giáo dục được ban hành: Luật giáo dục cơ bản, luật giáo dục trường học, Luật tổ chức Bộ giáo dục.

Bản “Quy tắc giáo dục xây dựng nước Nhật Bản mới” phân tích những điểm yếu của nền giáo dục Nhật Bản trước và trong Chiến tranh thế giới thứ hai.

Bản báo cáo chỉ rõ 5 hạn chế lớn, sau đó vạch ra triết lý: Cấp bách tạo lập nền giáo dục mới, đoạn tuyệt nền giáo dục phục vụ chủ nghĩa quân phiệt, loại bỏ triệt để nội dung ca ngợi chủ nghĩa quân phiệt và thần thánh hóa Thiên hoàng khỏi sách giáo khoa.

Môn Xã hội là môn học mới, được đưa vào dạy ở bậc tiểu học. Giáo dục đã cải cách, rời xa tư duy thường thấy ở các nước châu Á: Thầy nói - trò nghe, thầy đọc - trò chép, thầy là kho kiến thức vĩ đại chỉ truyền thụ một chiều.

Phương pháp dạy chú trọng tư duy tự do kiểu Mỹ: Lấy học sinh làm chủ thể trung tâm, tôn trọng và hướng đến mục tiêu phát huy tối đa tư duy độc lập của người học. Các phương pháp thảo luận, làm việc nhóm, ... được phát huy trong giảng dạy và đã phát huy được tính sáng tạo của học sinh.

Giáo viên được đào tạo để đáp ứng quá trình cải cách giáo dục và ứng dụng các phương pháp mới này. Điều này đòi hỏi những sinh viên ngành sư phạm luôn phải “va chạm” với những tình huống giả định khác nhau về tâm lý lẫn chuyên môn, không ngừng phát huy tính năng động và sáng tạo.

Sách giáo khoa và Bản hướng dẫn học tập do vậy nhanh chóng trở nên cần thay đổi trước những yêu cầu luôn thay đổi của cuộc sống.

Sau đó, Bản hướng dẫn học tập được sửa đổi nhiều lần, mỗi lần sửa đổi là nêu ra những nguyên tắc cốt lõi về mục tiêu hướng tới, và chỉ đạo sự cải cách giáo dục từ từ theo kiểu Kaizen - cải tiến từ từ, chia những vấn đề lớn thành những lần cải cách nhỏ, bắt nhịp kịp với nền giáo dục tiên tiến của Mỹ và quá trình toàn cầu hóa.

Giáo viên tự "sàng lọc" hệ tư tưởng

Song song với việc cải cách giáo dục, là chiến lược đào tạo giáo viên tương xứng.

Đầu tiên là để bắt nhịp kịp với chương trình giáo dục tiên tiến của Mỹ được du nhập một cách cưỡng ép vào Nhật Bản, được người dân Nhật Bản nhiệt thành đón nhận, vì họ đã quá khổ đau và không muốn quay lại nền giáo dục ca ngợi lòng trung thành vô hạn đối với Thiên hoàng, bị chủ nghĩa quân phiệt lợi dụng, đã cuốn cả đất nước vào chiến tranh.

Tầng lớp giáo viên phải tự trải nghiệm “sàng lọc” hệ tư tưởng của chính bản thân, đổi mới phương pháp dạy học, mạnh dạn xóa bỏ những tư duy cũ kỹ và tiếp nhận giá trị phương pháp dạy học kiểu Mỹ. 

Chiến lược “hồi sinh”

Hiện nay, những thách thức lớn mà Nhật Bản đang phải đối mặt là sự già hóa dân số, suy giảm kinh tế, gánh nặng phúc lợi và an sinh xã hội cho xã hội già hóa. Lượng nhân lực vẫn không vì thế mà thiếu sức sống. Nhật Bản tiếp tục đề ra các chiến lược đào tạo giáo viên đáp ứng tình thế hiện nay.

Những biện pháp được đề ra cho năm tài khóa 2014 bao gồm: Cải tiến phương pháp dạy và học tiếng Anh từ cấp tiểu học đến đại học; sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai trong giảng dạy và học tập;

Thực hiện chiến lược “hồi sinh” nhằm đưa Nhật Bản tiến lên vững chắc trong hệ thống giáo dục toàn cầu; đào tạo ra nguồn nhân lực toàn cầu thích ứng cao độ với những đổi thay; đức dục và sức khỏe được chú trọng nhiều hơn;

Quan tâm sâu sắc đến văn hóa truyền thống; bỏ thi đại học vì xem đại học như là nấc học tập cần phổ cập, nhưng tăng cường khả năng sáng tạo và nghiên cứu khoa học cho học sinh và sinh viên.

Chiến lược đào tạo giáo viên do vậy, tiếp tục có những điều chỉnh trong chương trình đào tạo ngành sư phạm. Tầng lớp giáo viên tiếp tục phải rèn luyện, được đào tạo lại nghiêm ngặt và nghiên cứu không ngừng để đáp ứng mục tiêu giáo dục.

Những bài học quý từ Nhật Bản

Nhận định của cô Dương Thanh Mai: Chiến lược đào tạo giáo viên đi đôi với cải cách giáo dục ở Nhật Bản từ sau chiến tranh thế giới II đã diễn ra quyết liệt, đáp ứng tốt quá trình khu vực hóa và toàn cầu hóa. Mô hình này có thể là bài học tham khảo cho Việt Nam, nước đang thực hiện quá trình “đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục”.

Những bài học quý giá có thể kể là:

Thứ nhất: Cải cách giáo dục là cuộc “cải cách từ trên”, với chủ thuyết rõ ràng từ chính phủ, được cụ thể hóa bằng những mục tiêu cụ thể, và phải thực hiện quyết liệt, ở mọi mặt trận để đào tạo lại, đào tạo theo từng nhóm, mời chuyên gia nước ngoài về đào tạo, tăng cường nghiên cứu và công bố quốc tế. Đồng thời có các biện pháp kiểm tra chất lượng (QC) đi kèm từng tháng, chứ không ôm đồm như hiện nay.

Thứ hai: Bản chất việc đào tạo giáo viên là thực hiện nhiệm vụ trung gian đào tạo nguồn nhân lực, do vậy phải chú trọng đào tạo giỏi chuyên môn và tay nghề bắt kịp quá trình đổi thay của khu vực.

Hai điều này các trường sư phạm của ta còn thiếu, bởi lẽ phần thực hành của các giáo viên nghề thiếu trầm trọng. Chương trình đào tạo giáo viên cũng đang lỗi thời trong phạm vi chuyên môn hẹp, không theo kịp sự biến đổi nhanh chóng và năng động của quá trình khu vực hóa. Quá trình này đang diễn ra nhanh chóng khi chúng ta gia nhập TPP, AEC, WTO...

Nguồn nhân lực giáo viên tụt hậu từ khâu đào tạo, tất yếu tạo ra các sản phẩm “lỗi” cho nguồn nhân lực các chuyên ngành, không đáp ứng được nhu cầu doanh nghiệp và văn hóa đa dạng của quá trình khu vực hóa.

Thứ ba: Cần dũng cảm loại bỏ ngay căn bệnh “giả dối” nhức nhối lâu nay trong hệ thống giáo dục cấp phổ thông trên cả nước. Chúng ta đều biết nâng điểm, bỏ bớt tiết trong chương trình học, và bệnh thành tích là các hành vi làm hài lòng phụ huynh nhưng là sự giả dối đáng sợ trong giáo dục, giết dần mòn nguồn nhân lực trong giai đoạn dân số vàng hiện nay.

Thời kỳ cần “nhẹ nhàng” với học sinh để đạt mục tiêu phổ cập giáo dục sau chiến tranh đã qua. Sức cạnh tranh của nguồn nhân lực hiện tại phụ thuộc nhiều vào sự đổi mới phương pháp dạy học của giáo viên và tính quyết liệt trong khâu đào tạo giáo viên, đưa thế hệ giáo viên mới vươn ra biển lớn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ