Âm vang mùa thu cách mạng trong bài thơ “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi

GD&TĐ - Tôi đã đọc đi đọc lại rất nhiều lần bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi, một nhà thơ để lại ấn tượng sâu đậm trong dòng chảy văn học Việt Nam bằng sự bền bỉ, tài hoa và sâu sắc.

Thu Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Lâm
Thu Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Lâm

Điều đáng trân quý hơn nữa là thơ ông luôn dạt dào cảm hứng yêu thương về đất nước “vất vả, gian lao, tươi thắm vô ngần”. Đất nước Việt Nam đau thương vất vả ấy trở thành chủ đề nhất quán trong thơ ca của ông. Với tình cảm tha thiết, với niềm tự hào sâu sắc về xứ sở, quê hương, nhiều bài thơ như Nhớ, Bài thơ Hắc Hải, Lá đỏ… đã ra đời. Nhưng có lẽ Đất nước là trường hợp đặc biệt. Thi phẩm được ấp ủ từ những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp (năm 1948, 1949) và đến với bạn đọc khi cuộc kháng chiến ấy đã kết thúc (năm 1955). Điều quan trọng hơn chính là do tác phẩm ấy được tạo dựng nên từ những cảm xúc, suy nghĩ của Nguyễn Đình Thi về một chủ đề lớn: Đất nước trong âm vang mùa thu!

Khởi đầu bài thơ là những cảm xúc trực tiếp trong một sáng mùa thu, gợi nỗi nhớ về Hà Nội. Đó cũng là điều dễ hiểu bởi đây là nơi ông sinh ra, nơi đau đáu những năm tháng tuổi thơ phải cách xa, nơi ông thường lên Hồ Tây ngồi ngắm bầu trời và những áng mây bay. Có lẽ vì thế cảm hứng về bầu trời thu, những làn gió mát, về hương sắc mùa thu từ quá khứ đã hiện về:

Sáng mát trong như sáng năm xưa
Gió thổi mùa thu hương cốm mới

Mùa thu Hà Nội hiện lên trong nỗi nhớ và hoài niệm của nhà thơ thật đẹp. Không phải là lá ngô đồng rụng như trong thơ xưa, không mộc mạc bâng khuâng của hương ổi nồng nàn ở một vùng đồng bằng Bắc Bộ nào đó như trong thơ Hữu Thỉnh mà mùa thu Hà Nội với gió heo may se lạnh, với hình khối sắc màu và phảng phất mùi hương cốm mới. Câu thơ gợi tả cả không gian, màu sắc và hương vị, “đồng hiện” cả thời gian quá khứ và hiện tại, trộn lẫn hình ảnh trong thực tại và hình ảnh trong hoài niệm. Hương cốm mới là nét đặc sắc của mùa thu Hà Nội. Dường như đó là kết tinh của tất cả hương vị đất trời, cây cỏ mùa thu Hà Nội “của đồng quê nội cỏ An Nam” (Một thứ quà của lúa non: Cốm – Thạch Lam). Sau này, hương cốm cũng đã đi vào nhạc của Trịnh Công Sơn cùng với cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ… làm thành nét thanh tao, gợi nhớ mùa thu Hà thành:

Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
Những phố dài xao xác heo may
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy

Có thể nói, đây là một trong những khổ thơ viết về mùa thu Hà Nội hay nhất. Nguyễn Đình Thi đã chớp lấy cái hồn của mùa thu, cho nên chỉ bằng vài nét phác họa mà thu Hà Nội đã hằn sâu vào kí ức người đọc. Hình khối, màu sắc, ánh sáng… và trong khung cảnh trữ tình ấy có cả hình ảnh người ra đi. Chẳng biết tâm trạng đã nhuốm vào cảnh vật hay mùa thu Hà Nội đã nói lên tâm trạng con người. Bóng dáng của người li khách trong Tống biệt hành của Thâm Tâm hay người lính trung đoàn thủ đô với thái độ mặc kệ trong Đồng chí của Chính Hữu đã phảng phất trong câu thơ này. Ta dường như đọc được sự cương quyết của ý chí nhưng cũng có cái vấn vương, trăn trở trong tâm hồn. Bề ngoài họ không “bước đi một bước giây giây lại dừng” nhưng trong thâm tâm, từng chiếc lá rơi, từng chút nắng đậu đều gieo vào lòng họ nỗi bâng khuâng dìu dặt. Phải nhớ lắm, yêu lắm, gắn bó tha thiết với xứ sở quê hương mới cảm nhận hết cái hồn sâu lắng như vậy.

Từ hoài niệm về mùa thu xưa, tác giả dẫn vào mùa thu hiện tại:

Mùa thu nay khác rồi
Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi…

Bài thơ có sự chuyển đổi về âm điệu, nhịp điệu: Những câu thơ ngắn với những thanh nhịp nhanh, rộn ràng; sự phối hợp âm thanh với vần trắc và thanh trắc. Cảnh sắc thiên nhiên cũng có sự thay đổi. Vẫn là mùa thu với bầu trời trong xanh, nhưng tươi sáng, giàu thanh âm náo nức: Gió thổi, tre phất phới, trời thay áo mới, tiếng nói cười... Tất cả hòa nhịp với tâm trạng con người và thể hiện niềm vui hồ hởi, phấn chấn, tin tưởng. Khổ thơ cũng thể hiện sự vận động trên trục thời gian quá khứ - hiện tại - tương lai, giữa mùa thu xưa và mùa thu nay. Đây là đất nước có lịch sử dài lâu, đất nước của những người chưa bao giờ khuất:

Nước chúng ta
Nước những người chưa bao giờ khuất
Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về.

Cảm hứng yêu nước đã thổi vào thơ ca Nguyễn Đình Thi một luồng sinh khí mới: hào hùng và hoành tráng. Trên khắp nẻo đường Tổ quốc những đoàn quân “đêm đêm rầm rập như là đất rung” tiếp bước nhau ra trận. Trong mỗi con người đều hừng hực ý chí chiến đấu bởi niềm tự hào về truyền thống đất nước trào dâng trong họ. Truyền thống đất nước anh dũng kháng chiến với sức mạnh từ thời cha ông đến nghìn năm sau đã hun đúc trong bao mồ hôi, xương máu. Từ trên cái nền không gian rộng mở, được miêu tả từ nhiều mặt, Nguyễn Đình Thi chuyển sang chiều dài thời gian: Nước của những người chưa bao giờ khuất. 

Đó là những lớp người, những thế hệ đã anh dũng hy sinh, sẵn sàng hiến dâng cho đất nước. Từ trong miền xa thẳm tiếng nói của những người đã khuất trở thành hồn thiêng sông núi, tiếp sức, nhắc nhở người đời sau. Mối dây liên hệ giữa quá khứ và hiện tại trở thành mạch chảy bền vững của một dân tộc, sức mạnh trường tồn. Thực ra, quá khứ, truyền thống của dân tộc không chỉ có vậy. Nhưng có lẽ, trong hoàn cảnh của cuộc kháng chiến toàn dân lúc bấy giờ, Nguyễn Đình Thi tập trung nói về truyền thống bốn nghìn năm kiên cường chống giặc ngoại xâm. Cùng với nhiều truyền thống tốt đẹp khác, tinh thần bất khuất của dân tộc hợp thành tiếng nói bền bỉ, liên tục, tiếp sức cho hiện tại.

Đất nước của bao thế hệ chưa bao giờ khuất ấy đang vươn mình lớn dậy trong hiện tại gian khổ, đau thương. Mỗi cành cây, ngọn cỏ, mỗi tấc đất, bờ tre dường như thấm đẫm niềm căm thù:

Từ những năm đau thương chiến đấu
Đã ngời lên nét mặt quê hương
Từ gốc lúa bờ tre hồn hậu
Đã bật lên những tiếng căm hờn.

Đất nước chìm trong đau thương, như oằn mình trĩu nặng trước tội ác của giặc:

Bát cơm chan đầy nước mắt
Bay còn giằng khỏi miệng ta

Câu thơ như dựng lên cả một hiện thực lịch sử đen tối của dân tộc, thấm đẫm nước mắt bao thế hệ người Việt của những tháng năm trước Cách mạng tháng Tám. Nhưng cũng chính “từ những đau thương chiến đấu” nét mặt quê hương vẫn sáng ngời, ý chí tự do cháy bừng, rực rỡ. Để rồi trong màn đêm mịt mùng ấy bắt đầu ngọn cở đỏ sao vàng tung cánh phấp phới tung bay, ánh sáng của tự do, của hoa thơm, quả ngọt lấp lánh, dạt dào:

Xiềng xích chúng bay không khóa được
Trời đầy chim và đất đầy hoa

Chính từ trong hiện tại chiến đấu anh dũng, lao động cần cù ấy gương mặt đất nước ngày một ngời sáng. Để rồi càng về cuối bài thơ, cảm hứng tương lai càng nồng đậm:

Trán cháy rực nghĩ trời đất mới
Lòng ta bát ngát ánh bình minh.

Trong cuộc trường chinh vạn dặm, đất nước mình ngày càng vững bước tới tương lai, trong “vất vả đau thương” đất nước mình càng “tươi thắm vô ngần” - đó là cảm nhận sâu sắc của Nguyễn Đình Thi về sức sống bền bỉ, mãnh liệt của dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam.

Có thể khẳng định rằng, đất nước trong bài thơ này mang vẻ đẹp bình dị mà cao cả trong ánh sáng thời đại mới – một mùa thu mới – mùa thu tháng 8/1945, mùa thu sau chiến dịch Điện Biên Phủ. Vì thế âm vang đất nước được khắc họa bằng những vẻ đẹp của thiên nhiên xanh tươi, dạt dào sức sống, bằng những hành động chiến đấu anh dũng, lao động cần cù của nhân dân. Nhà thơ đã ngắm nhìn, cảm nhận đất nước từ chỗ đứng, bằng tấm lòng của “chúng ta” - những con người vừa được cách mạng giải phóng khỏi thân phận nô lệ khổ nhục đang đứng lên làm chủ non sông đất nước minh. Chỉ đến thơ ca sau Cách mạng tháng Tám mới xuất hiện đại từ “chúng ta” với tư thế ấy, tầm vóc ấy.

Mọi vẻ đẹp của hình tượng đất nước, cảm hứng chính của Nguyễn Đình Thi được kết tinh khá trọn vẹn ở khổ cuối. Đây là đỉnh điểm của cảm hứng sử thi khi ngợi ca tầm vóc đất nước, khi dựng tả bức tượng đài:

Nước Việt Nam từ máu lửa
Rũ bùn đứng dậy sáng lòa.

Từ hình ảnh những lớp người cụ thể: Trong chiến hào đầy bùn đất, các chiến sĩ ta dũng mãnh xông lên tấn công vào đồn giặc Pháp, bóng người lấp lánh trong lửa đạn Nguyễn Đình Thi đã liên tưởng, khái quát thành hình ảnh đất nước trong thời đại mới. Khổ thơ kết hợp hài hòa tính tả thực, gợi cảm với tính biểu tượng. Đó là một đất nước từ trong máu lửa đau thương, từ trong bùn lầy của lam lũ, đói nghèo mà vươn mình đứng dậy như cái vươn vai kỳ diệu của chú bé làng Gióng thuở nào. Tầm vóc đất nước vụt trở nên kì vĩ lạ thường “Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân” hay “Người vươn lên, như một   thiên thần!”.

Những câu thơ tha thiết, lắng đọng giàu chất triết lý, suy tưởng về sự kỳ diệu của sự sống, của tình yêu, của sức mạnh tiềm ẩn trong con người Việt Nam hiền lành đôn hậu. Thơ Nguyễn Đình Thi hàm súc và giản dị nhưng có dư ba đều có khả năng gợi không khí, gợi hình ảnh và tâm trạng. Câu thơ phóng khoáng tự do, không câu nệ vần, thậm chí không vần nhưng vẫn giàu nhạc điệu. Mỗi bài thơ đều có chất nhạc riêng không lẫn được. Chính những nỗ lực đổi mới thơ ca, chính những tìm tòi thể nghiệm táo bạo của một con người tài năng, giàu tình yêu với Tổ quốc để rồi qua nhiều năm tháng, Đất nước vẫn là giai điệu hào sảng của thời đại trong tâm hồn người Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ