7 giải pháp nâng cao chất lượng tuyển sinh

GD&TĐ - NGƯT.TS Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề chất lượng cao HN đưa ra 7 giải pháp nâng cao chất lượng tuyển sinh. Trong đó có việc cho phép các trường nghề khai thác hệ thống dữ liệu học sinh.

Sinh viên Trường Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh học tập thực hành trên máy móc. Ảnh: NVCC
Sinh viên Trường Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh học tập thực hành trên máy móc. Ảnh: NVCC

Sáp nhập các cơ sở GDNN yếu kém

NGƯT.TS Phạm Xuân Khánh chia sẻ rằng, mục tiêu chung phát triển GDNN là tiếp tục đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về số lượng tuyển sinh, chất lượng đào tạo và hiệu quả. Phát triển hệ thống GDNN với nhiều phương thức và trình độ đào tạo nghề nghiệp, nhất là đào tạo chất lượng cao theo hướng ứng dụng, thực hành, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhân lực qua đào tạo cho thị trường lao động. Từ đó góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế.

Để đạt được mục tiêu chung đó, đặc biệt là nâng cao chất lượng tuyển sinh trong GDNN, NGƯT.TS Phạm Xuân Khánh đưa ra 7 giải pháp cơ bản. Đó là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của xã hội về GDNN. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo trong thông tin và truyền thông tạo sự chuyển biến về nhận thức, đồng thuận và huy động sự tham gia của toàn xã hội đối với việc đổi mới, nâng cao chất lượng GDNN. Nâng cao vai trò của GDNN đối với sự phát triển nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Các trường nghề cần đổi mới tuyên truyền hình thức tuyển sinh. Cần tăng cường sử dụng công nghệ để tuyên truyền tuyển sinh trực tuyến trong tình hình đại dịch Covid-19 kéo dài.

Bộ LĐ-TB&XH làm việc với các cơ quan, ban ngành cho phép các trường cao đẳng, trung cấp nghề khai thác Hệ thống dữ liệu học sinh THPT và THCS để tuyển sinh. Đồng thời, công tác phân luồng cho HS THPT, THCS cần triển khai triệt để.

Cần quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN theo hướng mở, cơ cấu hợp lý về ngành nghề, trình độ đào tạo và vùng miền, có phân tầng chất lượng. Tập trung nguồn lực đầu tư một số cơ sở GDNN chất lượng cao, các ngành nghề trọng điểm đã được quy hoạch. Có thể giải thể hoặc sáp nhập các cơ sở GDNN yếu kém.

Tăng cường gắn kết GDNN với thị trường lao động và việc làm bền vững. Hình thành mối quan hệ chặt chẽ giữa cơ sở GDNN với các trung tâm dịch vụ việc làm, sàn giao dịch việc làm, hội chợ việc làm nhằm hỗ trợ người học tìm việc làm sau tốt nghiệp. Đồng thời, chú trọng phát triển tinh thần khởi nghiệp trong GDNN.

Đẩy mạnh tự chủ của các cơ sở GDNN gắn với trách nhiệm giải trình, cơ chế đánh giá độc lập, sự kiểm soát của Nhà nước, giám sát của xã hội. Thực hiện tự chủ toàn diện, chuyển đổi hoạt động của các cơ sở GDNN công lập đủ điều kiện sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, hạch toán như doanh nghiệp. Kiên quyết chuyển sang cơ chế tự bảo đảm hoàn toàn về tài chính, tổ chức nhân sự và thực hiện nhiệm vụ đối với các cơ sở GDNN công lập đào tạo những ngành nghề có khả năng xã hội hóa cao trên cơ sở Nhà nước thực hiện lộ trình bảo đảm kinh phí hoạt động có thời hạn.

Chuẩn hóa các điều kiện bảo đảm chất lượng trong hệ thống GDNN. Đổi mới chương trình đào tạo theo hướng năng lực thực hiện. Đẩy mạnh đào tạo theo phương thức tích lũy module, tín chỉ. Tiếp tục thí điểm đào tạo cho sinh viên của các nghề trọng điểm quốc tế theo chương trình chuyển giao và cấp bằng của nước ngoài. Thí điểm triển khai chương trình đào tạo liên thông chất lượng cao từ trung cấp lên cao đẳng đối với đối tượng tốt nghiệp THCS.

Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật; nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về GDNN. Thúc đẩy xã hội hóa GDNN. Xây dựng chương trình mục tiêu đề án, dự án đổi mới GDNN gắn với đào tạo và đào tạo lại đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Giao nhiệm vụ đào tạo căn cứ vào số lượng, chất lượng đầu ra hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ đào tạo nghề nghiệp.

Thành lập tổ công tác tuyển sinh trực tiếp

Nói về một số giải pháp trong thời gian tới về vấn đề tuyển sinh, NGƯT.TS Nguyễn Quốc Huy – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh cho rằng, các cơ sở GDNN cần tiếp tục xác định việc phối hợp đào tạo với doanh nghiệp là yếu tố cốt lõi trong công tác đào tạo. Đặc biệt, tình hình dịch Covid-19 cũng khiến việc tuyển sinh gặp nhiều khó khăn.

Để thích ứng với tình hình mới, các cơ sở GDNN cần đẩy mạnh tuyển sinh trực tuyến, chiêu sinh các đối tượng mới. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trực tuyến qua website của nhà trường, qua mạng xã hội, báo, đài phát thanh - truyền hình; qua các trang Facebook, kết hợp với doanh nghiệp để làm tốt công tác này.

Bên cạnh đó, các cơ sở GDNN cần thành lập tổ công tác tuyển sinh trực tiếp đến các địa phương, vùng miền, các cơ sở giáo dục phổ thông để thực hiện nhiệm vụ tuyển sinh, kết hợp xây dựng cổng thông tin tuyển sinh.

Đồng thời, phối hợp với các trường THCS, THPT tổ chức hội nghị tư vấn hướng nghiệp học nghề nhằm giúp cho các em nắm bắt kịp thời đầy đủ các thông tin về chủ trương chính sách về GDNN để các em có cơ sở lựa chọn vào học GDNN…

TS Nguyễn Quốc Huy cũng cho biết thêm, hiện, nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao đang thiếu và có sự cạnh tranh rất lớn giữa các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh nói riêng và cả nước nói chung. Trường đang xây dựng cơ chế đặc thù để doanh nghiệp sẵn sàng phối hợp với nhà trường tổ chức đào tạo tại doanh nghiệp và hỗ trợ chuyên gia để giảng dạy trong quá trình đào tạo.

Đặc biệt là xây dựng các dự án cụ thể hợp tác với từng doanh nghiệp, xây dựng dữ liệu kết nối với các doanh nghiệp để gắn đào tạo với sự phát triển thị trường lao động của địa phương, của ngành và nhu cầu xuất khẩu lao động.

Đồng thời, xây dựng và tổ chức đào tạo theo chương trình chất lượng cao các nghề trọng điểm quốc tế. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác tổ chức đào tạo. Quan tâm phát triển hình thức vừa làm, vừa học của người lao động trong các doanh nghiệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.