4 giải pháp nâng chất lượng rèn nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên Mĩ thuật

GD&TĐ - Từ thực tiễn của công tác đào tạo nghiệp vụ sư phạm, PGS.TS. Nguyễn Thu Tuấn (khoa Nghệ thuật - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng rèn luyện nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên Mĩ thuật.

4 giải pháp nâng chất lượng rèn nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên Mĩ thuật

Những giải pháp này được PGS.TS. Nguyễn Thu Tuấn chia sẻ tại hội thảo “Kinh nghiệm của Malaysia và Singapore về đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông, CBQL các cơ sở giáo dục phổ thông và giảng viên sư phạm” do Trường ĐHSP Hà Nội tổ chức.

Thay đổi nhận thức về đào tạo nghiệp vụ sư phạm

Giải pháp đầu tiên là các cấp quản lí giáo dục và giảng viên cần thay đổi nhận thức về tầm quan trọng của công tác đào tạo nghiệp vụ sư phạm (NVSP).

Cụ thể, cần thay đổi tư tưởng lạc hậu của không ít cán bộ quản lí các trường/khoa sư phạm trong việc rèn luyện NVSP cho sinh viên theo kiểu ăn xổi, ngắt ngọn, nhất thời, không thường xuyên, không liên tục. Cần phải xác định NVSP là một trong hai nội dung đào tạo chủ yếu của trường sư phạm.

Một số giảng viên và một số cán bộ lãnh đạo vẫn có suy nghĩ cho rằng, chỉ cần dạy sinh viên vững kiến thức chuyên ngành, ắt sinh viên sẽ dạy tốt. Chính tư tưởng sai lầm đó đã dẫn tới hệ lụy, làm một số sinh viên có quan niệm sai lầm là cứ học giỏi chuyên môn là dạy được tốt, vì vậy thấy không cần thiết phải chuyên tâm rèn luyện NVSP cho bản thân.

Tiếp theo, cần tạo điều kiện tối đa để sinh viên được thường xuyên tiếp cận và cập nhật với việc đổi mới dạy và học ở trường phổ thông bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, hấp dẫn; thu hút được đông đảo sinh viên tham gia một cách tự giác, tích cực, chủ động và đạt hiệu quả cao.

Có thể tổ chức bằng nhiều cách khác nhau, như: mời các chuyên gia, chuyên viên đầu ngành có thực tế phổ thông; một số giáo viên dạy giỏi môn Mĩ thuật ở trường phổ thông có nhiều kinh nghiệm đến nói chuyện về thực tế dạy và học Mĩ thuật ở trường phổ thông cho sinh viên; tổ chức cho sinh viên được dự các giờ dạy mẫu của giáo viên giỏi trường phổ thông theo yêu cầu của từng bài dạy; tổ chức các câu lạc bộ rèn luyện NVSP của SV...

Nội dung rèn luyện NVSP gắn với thực tiễn giáo dục phổ thông

Khi thiết kế nội dung các bài tập thực hành rèn luyện kĩ năng sư phạm, cần chú ý gắn kết chặt chẽ với thực tiễn luôn luôn đổi mới của trường phổ thông để giúp sinh viên có thể ứng dụng được ngay vào các bài dạy trong SGK.

Nội dung rèn luyện NVSP cần phải hợp lí ở từng giai đoạn, ở từng khâu, trong đó cần xác định rõ những công việc cụ thể về nội dung và phương pháp thực hiện trong từng học kì ngay từ đầu năm thứ nhất cho đến năm thứ tư, với những chỉ dẫn sư phạm cụ thể để giảng viên và sinh viên thực hiện.

Tăng thời lượng rèn luyện NVSP thường xuyên, đổi mới tổ chức thực tập sư phạm

Hoạt động rèn luyện NVSP cho sinh viên không nên chỉ giới hạn và gói gọn trong 2 đợt thực tập sư phạm. Sinh viên phải được rèn luyện thường xuyên và rèn luyện liên tục ngay từ năm học thứ nhất để cập nhật với thực tiễn liên tục đổi mới của trường phổ thông (nên đào tạo như kiểu đào tạo nghề của trường ĐH Y khoa).

Vì vậy, để sinh viên Mĩ thuật có kĩ năng NVSP tốt, ngoài những kiến thức lí luận được học trên giảng đường, các trường cần nâng tỉ trọng khối kiến thức sư phạm trong tổng số tín chỉ của chương trình ĐT (ở mức 30-35% cho thực hành, thực tập sư phạm) nhằm tạo điều kiện cho sinh viên được tiếp cận nhiều hơn với thực tế giáo dục ở trường phổ thông.

Có như vậy, khi ra trường, sinh viên sẽ dễ dàng thích ứng ngay và thích ứng có hiệu quả với mọi yêu cầu khắt khe của thực tiễn luôn luôn đổi mới ở trường phổ thông.

Để công tác đào tạo NVSP thực sự có hiệu quả và đạt tới trình độ chuyên nghiệp của việc dạy nghề, rất cần thiết phải đầu tư những phòng học chuyên dụng với các trang thiết bị tối thiểu cho đao tạo NVSP, thậm chí cần phải thiết kế một phòng học môi trường giả định để sinh viên được rèn luyện các kĩ năng sư phạm trên những “đối tượng giả định” (như kiểu đào tạo phi công tập lái trong phòng ảo trước khi lái thật trên không trung);

Cần có phòng tư liệu NVSP để trưng bày các loại đồ dùng trực quan, các tư liệu, hồ sơ giảng dạy… Việc cần thiết phải có các phòng học như vậy là để tạo môi trường thuận lợi cho sinh viên được rèn luyện một cách bài bản theo một quy trình khoa học các kĩ năng sư phạm trước khi các em đi thực tập sư phạm tập trung ở trường phổ thông.

Quá trình đào tạo không thể thoát ly thực tế trường phổ thông

Cần gắn kết chặt chẽ giữa trường sư phạm với trường phổ thông trong quá trình đào tạo nghề cho sinh viên. Cụ thể là: Xây dựng hệ thống mạng lưới các trường thực hành và mạng lưới các giáo viên dạy giỏi môn Mĩ thuật ở trường phổ thông để cùng trường sư phạm rèn luyện NVSP cho sinh viên. Chú trọng nâng cao kĩ năng giải quyết các tình huống sư phạm cho sinh viên Mĩ thuật.

Về kiến tập và TTSP của sinh viên Mĩ thuật: Để khắc phục tình trạng sinh viên bị phó thác hoàn toàn cho trường phổ thông khi đi thực tập sư phạm, làm cho việc đánh giá kết quả thực tập của sinh viên không đúng thực chất, các trường/khoa sư phạm Mĩ thuật cần có những biện pháp phối hợp chặt chẽ với trường phổ thông trong suốt quá trình sinh viên thực tập để việc đánh giá, cho điểm sinh viên không chạy theo thành tích.

Đồng thời các trường/khoa sư phạm Mĩ thuật cần tăng cường đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn vững vàng và am hiểu thực tế trường phổ thông đi hướng dẫn thực tập sư phạm cho sinh viên, theo sát các em trong thời gian này để nắm bắt tình hình, hỗ trợ sinh viên kịp thời; đồng thời qua đó các giảng viên còn đối chiếu được nội dung dạy học, chương trình giảng dạy của nhà trường sư phạm có đáp ứng được yêu cầu của trường phổ thông hay không, trên cơ sở đó họ sẽ có kế hoạch để điều chỉnh, bổ sung, cải tiến chương trình giảng dạy của trường mình tốt hơn.

Song song với việc tăng cường thời lượng thực hành, các trường/khoa SPMT cũng cần quan tâm nhiều đến việc rèn luyện năng lực quản lí và lãnh đạo cho sinh viên sư phạm Mĩ thuật. Các năng lực này rất cần thiết để giáo viên Mĩ thuật có thể quản lí tốt lớp học trong giờ dạy, nhằm thực hiện tốt vai trò của một người đứng lớp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên Trường Tiểu học Lê Đình Chinh với sáng kiến tổ chức cho học sinh viết thư “điều con muốn nói” gửi đến ba, mẹ trong buổi họp sơ kết học kỳ I năm học 2023 - 2024. Ảnh: PV

Chống 'sốc' cho giáo viên trẻ

GD&TĐ - Không chỉ gặp khó khăn về phương pháp sư phạm, nhiều giáo viên trẻ còn hạn chế trong kỹ năng quản lý lớp học, tương tác với phụ huynh, học sinh…