3 nguyên tắc “vàng” giúp làm tốt môn Giáo dục công dân thi THPTQG

GD&TĐ - Giáo dục công dân trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 là môn thi khiến không ít giáo viên, học sinh gặp một số khó khăn như: giáo viên ít có tài liệu tham khảo, học sinh bỡ ngỡ vì môn học này xưa nay hầu như được xem là môn phụ.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Từ thực tế này, tham khảo đề thi tham khảo năm 2019 của Bộ GD&ĐT, cô Đỗ Thị Mây – giáo viên Trường THPT Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) gợi ý một số bí quyết giúp học và làm tốt bài thi môn Giáo dục công dân trong kỳ thi THPT quốc gia tới.

Nắm vững kiến thức SGK

Việc nắm vững kiến thức trong SGK giúp thí sinh dễ dàng đạt mức 5 điểm. Chương trình trong SGK 12 và 11, khối lượng kiến thức không quá nhiều. Với thời lượng 1 tiết/tuần, thí sinh hoàn toàn có thể nắm vững kiến thức cơ bản.

Ở trên lớp, thí sinh chỉ cần chú ý nghe giảng, ghi chép và gạch sách các ý cơ bản. Sau khi học xong một bài giáo viên có thể cho học sinh hệ thống bằng một sơ đồ tư duy, giúp các em nhớ và khắc sâu kiến thức.

Nếu nắm vững lý thuyết, khi đọc đáp án, thí sinh dễ dàng nhận ra đáp án đúng mà không lo đáp án nhiễu.

Hiểu sâu hơn về các khái niệm

Học và ôn tập theo hình thức cuốn chiếu: Học đến đâu nắm chắc vấn đề đến đó. Tô đậm những kiến thức đọc hiểu, khắc sâu kiến thức như độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự…

Sau mỗi bài học, dưới sự hướng dẫn của giáo viên, học sinh trả lời các câu hỏi liên quan để củng cố kiến thức. Việc củng cố kiến thức ngay sau mỗi bài học sẽ hiệu quả hơn trong nắm bắt và ghi nhớ.

Bên cạnh đó, học sinh tập làm quen nhiều với dạng đề trắc nghiệm. Chú ý đến các cụm từ nhấn mạnh trong câu, đoạn.

Ví dụ: các em cần nắm rõ trong quan hệ nhân thân, vợ chồng có quyền và nghĩa vụ ngang nhau trong việc giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhau phát triển về mọi mặt. Như vậy, việc hiểu bài giúp thí sinh tự tin trong việc lựa chọn đáp án đúng.

Vận dụng linh hoạt trong xử lí tình huống

Bên cạnh kiến thức thông hiểu, thí sinh cần nắm vững kiến thức SGK, liên hệ với các tình huống thực tế. Bởi môn Giáo dục công dân không chỉ cung cấp những kiến thức thường thức về pháp luật mà còn giáo dục, uốn nắn học sinh các vấn đề trong cuộc sống, từ giao tiếp, ứng xử, điều chỉnh hành vi, cần có những bài học cụ thể hơn, bao quát trọn vấn đề hơn, ví dụ như Luật Hình sự, Dân sự, Luật Hôn nhân gia đình.

Ở phần Giáo dục công dân lớp 10, nên chăng hạn chế bớt phần triết học đồng thời bớt các phần tích hợp vào môn Giáo dục công dân quá nhiều ví như tham nhũng, giao thông…

Có thể nói, học luật là để học sinh hiểu và vận dụng luật vào trong cuộc sống. Do đó, các tình huống thực tế được báo chí đưa tin thường được giáo viên lấy làm ví dụ minh họa cho bài giảng của mình.

Trong quá trình học, các em nên chú ý các ví dụ này để biết được giáo viên đã vận dụng luật để giải quyết tình huống như thế nào.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ