3 giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục nghệ thuật

GD&TĐ - TS Nguyễn Trọng Hoàn – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) – chia sẻ một số giải pháp góp phần “chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất của người học”...

Giờ học ngoại khóa ngoài trời của HS Hà Nội.                                                                                   Ảnh: Thiên Thanh
Giờ học ngoại khóa ngoài trời của HS Hà Nội. Ảnh: Thiên Thanh

Đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học

Với giải pháp này, TS Nguyễn Trọng Hoàn cho rằng, cần xây dựng kế hoạch bài học theo hướng tăng cường và phát huy tính chủ động, tích cực, tự học của học sinh thông qua việc thiết kế tiến trình dạy học thành các hoạt động học để thực hiện cả ở trên lớp và ngoài lớp học. Việc thiết kế tiến trình dạy học căn cứ trên logic của tâm lý học hoạt động nhận thức và tâm lý học phát triển của học sinh có ý nghĩa quan trọng nhằm đáp ứng quan điểm dạy học từ học sinh, bằng học sinh và vì học sinh.

Cùng với đó, chú trọng rèn luyện cho học sinh phương pháp tự học, tự nghiên cứu để tiếp nhận và vận dụng kiến thức mới thông qua giải quyết nhiệm vụ học tập đặt ra trong bài học và chuyên đề học tập. Cân đối thời gian trong lớp và ngoài lớp nhằm tạo điều kiện khích lệ học sinh luyện tập, thực hành, trình bày, thảo luận, bảo vệ kết quả học tập của mình; giáo viên tổng hợp, nhận xét, đánh giá, kết luận để học sinh tiếp nhận và vận dụng.

Căn cứ mục tiêu chương trình môn học, cấp học, tính chất và quy mô bài học, chủ đề và chuyên đề học tập... nhà trường tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả việc sử dụng di sản văn hóa trong tổ chức dạy học liên môn và các hoạt động giáo dục theo hướng dẫn của liên Bộ GD&ĐT, Bộ VH,TT&DL.

Ảnh minh họa/ Internet
 Ảnh minh họa/ Internet

Tích hợp giáo dục nghệ thuật theo chủ đề và kết nối hệ thống loại hình

Theo TS Nguyễn Trọng Hoàn, để hình thành và phát triển năng lực thẩm mỹ cho học sinh, cần đặt giáo dục nghệ thuật trong mối tương quan hệ thống và đồng bộ của loại hình văn học nghệ thuật (bao gồm Âm nhạc, Mĩ thuật và Văn học).

Văn học có khả năng khơi gợi tình cảm đạo đức nhân văn của con người, thông qua sự đồng điệu giúp con người nhận thức được ý nghĩa sâu xa của giá trị chân - thiện – mỹ và tình yêu cuộc sống. Ngữ văn là môn học bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 12. Trong tác phẩm văn học, những hình ảnh, nhịp điệu, tiết tấu ngôn ngôn ngữ thông qua các lớp nghĩa tiềm ẩn và hàm ngôn của Tiếng Việt là những yếu tố cốt lõi mang tính đặc thù của hình tượng văn học.

Cho nên, việc khai thác hiệu quả các yếu tố nghệ thuật của tác phẩm trong quá trình dạy học Ngữ văn theo hướng tích hợp vừa góp phần hình thành và phát triển năng lực văn học - một biểu hiện của năng lực thẩm mỹ; đồng thời vừa tạo ra hiệu ứng “cộng hưởng” nhằm bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm để học sinh phát triển về tâm hồn và hoàn thiện nhân cách.

Thực tiễn triển khai đổi mới giáo dục thời gian qua cho thấy: Việc dạy học liên môn, tích hợp theo chủ đề đã có những kết quả đáng ghi nhận. Hoạt động của các câu lạc bộ hoặc/và các bài học theo chủ đề đã khai thác được nhiều bình diện kiến thức và năng lực ngữ văn, âm nhạc, mĩ thuật, giáo dục công dân, ngoại ngữ... tạo ra những tình huống bộc lộ và cộng hưởng của hiệu quả biểu đạt, khơi dậy cảm xúc mới mẻ và hứng thú cho học sinh. Theo cách thức tổ chức dạy học này, học sinh tự tin trong việc bộc lộ năng lực thẩm mỹ thông qua quá trình khai thác tối đa các yếu tố đặc thù của các môn học và kết nối được nhiều bình diện của kiến thức theo mục tiêu cần đạt của những chủ đề khác nhau.

Tổ chức hình thức học tập đa dạng

Giải pháp thứ 3, theo chia sẻ của TS Nguyễn Trọng Hoàn là chuyển từ học chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức học tập đa dạng, chú ý các hoạt động xã hội, ngoại khóa, kết nối với cộng đồng.

Trong đó, thực hiện tích hợp giáo dục nghệ thuật trong các hoạt động trải nghiệm và trải nghiệm, hướng nghiệp. TS Nguyễn Trọng Hoàn cho rằng, không chỉ giới hạn trong không gian lớp học truyền thống, thông qua hoạt động câu lạc bộ văn học nghệ thuật tổ chức theo chủ đề (thường xuyên và định kì), tham gia các hoạt động tổ chức sự kiện... các hoạt động xã hội, ngoại khoá, kết nối với cộng đồng đã tạo không gian sáng tạo mới cho học sinh trải nghiệm khả năng lập kế hoạch thực hành triển lãm, biểu diễn, xây dựng video clip, tổ chức sự kiện. Việc triển khai hoạt động giáo dục nghệ thuật theo phương thức tích hợp này vừa bảo đảm tính thống nhất của chương trình giáo dục phổ thông vừa đáp ứng nhu cầu nâng cao hiệu quả thực tiễn của giáo dục nghệ thuật.

Cùng với đó, thực hiện tích hợp trong nội dung giáo dục địa phương. Căn cứ vào đặc điểm của vùng miền, các cơ sở giáo dục lựa chọn những nội dung phù hợp để biên soạn tài liệu tích hợp giáo dục nghệ thuật theo các chủ đề và hướng dẫn nhà trường trên địa bàn tổ chức thực hiện. Theo cấu trúc của chương trình giáo dục, ở cấp tiểu học, nội dung giáo dục của địa phương được tích hợp với hoạt động trải nghiệm; ở cấp THCS, THPT, nội dung giáo dục của địa phương có vị trí tương đương các môn học khác. Do đó, lưu ý của TS Nguyễn Trọng Hoàn, các hoạt động giáo dục nghệ thuật được thiết kế và triển khai trên cơ sở sau:

Các vấn đề về văn hóa, lịch sử truyền thống của địa phương (lễ hội truyền thống; các loại hình nghệ thuật truyền thống; truyền thống quê hương; phong tục, tập quán địa phương; xây dựng nếp sống văn minh, tôn trọng kỷ cương, pháp luật; danh nhân văn hóa; di tích lịch sử; bảo tàng, lịch sử hình thành và phát triển của địa phương). Các vấn đề về địa lý, kinh tế, hướng nghiệp của địa phương (Địa lý tự nhiên; địa lý dân cư; địa lý kinh tế xã hội; địa lý du lịch; làng nghề truyền thống; các ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương). Các vấn đề về chính trị - xã hội, môi trường của địa phương (chính sách an sinh xã hội; các vấn đề giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống, kĩ năng sống; bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học; ứng phó với biến đổi khí hậu).

“Các giải pháp cơ bản đề xuất trên đây nhằm phát triển ở học sinh các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung. Trong đó, môn Âm nhạc hình thành và phát triển cho học sinh năng lực thể hiện âm nhạc, cảm thụ và hiểu biết âm nhạc, ứng dụng và sáng tạo âm nhạc, góp phần phát hiện và bồi dưỡng những học sinh có năng khiếu âm nhạc. Môn Mĩ thuật hình thành và phát triển cho học sinh năng lực quan sát và nhận thức thẩm mỹ, sáng tạo và ứng dụng thẩm mỹ, phân tích và đánh giá thẩm mỹ, tạo cơ hội để học sinh trải nghiệm và ứng dụng mĩ thuật vào thực tiễn, phát hiện và bồi dưỡng những học sinh có năng khiếu”. TS Nguyễn Trọng Hoàn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Hủ tục nên bỏ

GD&TĐ - Lễ hội đâm trâu của người Ca Dong là một tập tục có từ ngàn xưa của những bộ tộc tựa lưng vào dãy Trường Sơn...