10 câu hỏi về chương trình học ĐH làm “công dân toàn cầu”

GD&TĐ - Vào mùa tuyển sinh 2019, PGS.TS Hoàng Thị Bích Thảo - Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Phát triển quốc tế - Trường ĐH Nông Lâm (ĐH Thái Nguyên) cùng các chuyên gia đến nhiều trường THPT để giới thiệu về các khoa, ngành của trường. 

PGS.TS Hoàng Thị Bích Thảo - Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Phát triển quốc tế - Trường ĐH Nông Lâm (ĐH Thái Nguyên) tư vấn về chương trình ĐH đặc biệt
PGS.TS Hoàng Thị Bích Thảo - Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Phát triển quốc tế - Trường ĐH Nông Lâm (ĐH Thái Nguyên) tư vấn về chương trình ĐH đặc biệt

Chương trình ĐH đặc biệt (CTĐB) với mô hình đào tạo chất lượng cao, liên kết quốc tế để SV có cơ hội thực hành nhiều hơn, giỏi ngoại ngữ… được các HS đặc biệt quan tâm. PGS.TS Hoàng Thị Bích Thảo tổng hợp 10 câu hỏi được HS đặt ra nhiều nhất và được các chuyên gia Trường ĐH Nông Lâm (ĐH Thái Nguyên) giải đáp:

1. SV có thể đi thực tập được nhiều lần không?

Nhà trường khuyến khích SV đi nhiều lần đến khi 28 tuổi và đã có rất nhiều SV khóa trước đã đi thực tập tất cả các chương trình của nhà trường.

Đã có SV lần lượt đi thực tập tại Israel, Mỹ, Đức, Úc, Đan Mạch; đi Israel, Đức, Úc; hoặc đi Israel, Đan Mạch, Úc; hay đi Israel, Đài Loan, Nhật Bản…

2. SV được học miễn phí những ngoại ngữ gì?

CTĐB tập trung đào tạo miễn phí tiếng Anh với người nước ngoài cho SV trong 2 năm đầu. Đối với ngoại ngữ khác (tiếng Nhật, tiếng Trung), mức độ học sẽ nhẹ nhàng hơn và thường nằm trong phí của các chương trình.

3. SV được quyền chọn quốc gia đi thực tập hay do chương trình sắp xếp?

Giai đoạn đầu, đa số do chương trình sắp xếp. Giai đoạn sau, khi SV đã đi thực một nước trở về, trình độ và năng lực ngoại ngữ tốt hơn, SV có thể lựa chọn quốc gia đi thực tập.

HS THPT trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên rất quan tâm tới chương trình ĐH chính quy có thu nhập
 HS THPT trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên rất quan tâm tới chương trình ĐH chính quy có thu nhập

4. Học phí CTĐHĐB là bao nhiêu tiền/năm?

CTĐB nhưng học phí như chương trình ĐH thường, khoảng 9 triệu đồng/năm.

5. Nếu nhà SV không có tài chính thì có cơ hội tham gia các chương trình thực tập hưởng lương không?

Nếu SV chăm chỉ và ý thức tốt, nhà trường sẽ tìm những nguồn vay vốn hỗ trợ giúp SV đi thực tập hưởng lương, khi trở về SV trả lại sau 3-4 tháng. Với một số trường hợp đặc biệt, trường sẽ xem xét ứng tiền trước cho SV rồi thực hiện trả sau.

6. Chương trình đi thực tập ở nước ngoài có điểm gì khác so với chương trình vừa học vừa làm?

Đối với chương trình học nghề hệ CĐ: Thị trường thực tập chỉ có Nhật Bản và không có lựa chọn khác, trong khi thủ tục xin visa – hợp đồng ngày càng chặt chẽ. Do vậy vì lý do nào đó bị trượt visa thì gần như không còn cơ hội đi thực tập nước ngoài;

Đối với dạng vừa học vừa làm: Học viên sang Nhật Bản để vào được ĐH thì mất ít nhất 2 năm học tiếng, sau đó mới thi vào ĐH (tỷ lệ thành công khoảng 10%). Việc vừa học vừa làm ở Nhật vô cùng vất vả, khả năng hoàn thành chương trình học gần như bằng 0.

7. Kinh phí để hoàn thành thủ tục đi thực tập nghề nghiệp tại các nước theo CTĐB là bao nhiêu? Có được nhà trường hỗ trợ không?

Tùy vào nước và chương trình SV chọn, dao động trong khoảng 20 - 40 triệu đồng. Những SV có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, có ý thức và chăm chỉ có thể được xem xét để được nhà trường hoặc Trung tâm ứng tiền cho vay trước, hoàn trả lại sau 3-4 tháng thưc tập.

Đón mùa tuyển sinh 2019, Trường ĐH Nông Lâm đã tổ chức nhiều hội thảo giới thiệu về các ngành học của trường
Đón mùa tuyển sinh 2019, Trường ĐH Nông Lâm đã tổ chức nhiều hội thảo giới thiệu về các ngành học của trường 

8. Thời gian đi thực tập tại nước ngoài thường kéo dài bao lâu? Có ảnh hưởng gì đến việc học ĐH không?

Thời gian thực tập tùy thuộc vào chương trình SV chọn, thông thường kéo dài từ 6 - 12 tháng. Việc thực tập ở nước ngoài sẽ được tính vào các tín chỉ thực tập nghề nghiệp, rèn nghề và thực tập tốt nghiệp nên không ảnh hưởng đến kế hoạch học tập. Với những SV đăng ký nhiều lần (7-8 lần), thời gian tốt nghiệp sẽ bị kéo dài hơn những SV đi ít lần hơn.

9. Điều kiện sống, học tập và quản lý SV khi thực tập tại nước ngoài như thế nào?

Điều kiện sống của SV Việt Nam tại nước ngoài nếu so sánh với điều kiện của SV tại Việt Nam thì tốt hơn nhiều. SV sẽ được học kết hợp cả lý thuyết và thực tập, nhưng về cơ bản lý thuyết rất ít.

Việc quản lý SV ở nước ngoài được nhà trường và phía đối tác kết hợp chặt chẽ, sẽ có cả đại diện phía đối tác và đại diện Trung tâm quản lý.

10. Chứng chỉ sau mỗi khóa thực tập có được các cơ quan chức năng tại Việt Nam công nhận không?

Sau khi hoàn thành khóa thực tập SV sẽ được cấp chứng chỉ quốc tế, được coi là chứng chỉ về kinh nghiệm nghề, làm việc thực tế trong môi trường quốc tế. Chứng chỉ này sẽ rất hữu ích cho SV khi làm hồ sơ xin việc. Tất cả các đơn vị tuyển dụng đều đánh giá cao và quan tâm đến những chứng chỉ bồi dưỡng này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.