Việc trao đổi, đàm thoại trong dạy học Lịch sử được tiến hành dưới các dạng chủ yếu sau:
Tái hiện sự kiện lịch sử
Qua trao đổi giữa giáo viên và học sinh nhằm gợi lại những kiến thức đã học để tiếp thu kiến thức mới để khái quát hoá và hệ thống hoá kiến thức. Nó giúp cho học sinh củng cố, hiểu sâu hơn kíến thức cũ, làm cơ sở cho việc tiếp thu kiến thức mới, không bị gián đoạn trong nhận thức.
Việc trao đổi tái hiện sự kiện lịch sử cũng có thể tiến hành ở đầu giờ để giới thiệu bài mới hoặc trong tiến trình bài giảng để củng cố hay khẳng định sự kiện, lúc ấy giáo viên cần nhắc lại kiến thức cũ, để học sinh nhận thức được liên tục, có hệ thống.
Ví dụ: Khi dạy bài: “Nước Mĩ ”, giáo viên cho học sinh quan sát bức tranh Mĩ ném bom nguyên tử xuống Nhật Bản sử dụng câu hỏi tái hiện như sau: Bức tranh mà em đang quan sát gợi cho em nhớ đến sự kiện nào? Sau khi học sinh nhớ lại và trả lời giáo viên hỏi tiếp:Các em hãy cho biết: Nước Mĩ đã thu được những lợi nhuận gì sau chiến tranh?
Đó là tình huống có vấn đề mà HS buộc phải nhớ lại kiến thức và trả lời: Nước Mĩ buôn bán vũ khí thu được 114 tỉ USD, chiến tranh ít tàn phá... Vậy những điều kiện thuận lợi đó giúp nền kinh tế Mĩ phát triển như thế nào? Sau chiến tranh thế giới thứ II thì chính sách đối nội, đối ngoại của giới cầm quyền Mĩ thực hiện ra sao?..... GV dẫn dắt vào bài hôm nay. Như vậy HS sẽ nắm kiến thức 1 cách có hệ thống, liên tục.
Phân tích và khái quát hoá
Qua trao đổi, đàm thoại, giáo viên làm cho học sinh tiếp thu kiến thức trình bày, hiểu được tính logic, bản chất của sự kiện lịch sử. trong việc trao đổi này, giáo viên hướng dẫn học sinh phân tích và đánh giá các sự kiện lịch sử.
Câu hỏi nêu ra để học sinh trao đổi kiểu này thường liên quan đến các sự kiện cơ bản đòi hỏi sự vận dụng tổng hợp của nhiều hiện tượng, để tìm ra tính logic, bản chất của sự kiện đó.
Ví dụ: Khi dạy bài 24: “Cuộc đấu tranh bảo vệ và xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân (1945 – 1946) ” Phần VI, GV đặt câu hỏi để hướng dẫn HS thảo luận nhóm và phân tích:
Tại sao nói việc ký hiệp định sơ bộ ngày 6 tháng 3 năm 1946 là chủ trương hết sức sáng suốt của Đảng ta?
Trước tình huống này, HS phải vận dụng kiến thức của các sự kiện liên quan. GV có thể gợi mở bằng hệ thống câu hỏi: Quân Tưởng và quân Pháp có âm mưu gì để chống phá cách mạng nước ta? (Kí hiệp ước Hoa-Pháp bắt tay chống phá cách mạng nước ta...) Cùng một lúc chúng ta có thể đối đầu với nhiều kẻ thù hay không? (Chúng ta phải đuổi được 20 vạn quân Tưởng về nước...).
Như vậy qua 2 câu hỏi gợi mở trên, chắc chắn HS sẽ giải quyết được vấn đề mà giáo viên đưa ra ở đầu mục Phần VI: Tại sao nói việc ký hiệp định sơ bộ ngày 06 tháng 3 năm 1946 là chủ trương hết sức sáng suốt của Đảng ta? (Tránh phải đối đầu với nhiều kẻ thù, việc ký hiệp định ta đuổi nhanh được 20 vạn quân Tưởng về nước, có thời gian để chuẩn bị lực lượng để tiến hành cuộc kháng chiến lâu dài, tỏ rõ thiện chí hòa bình của nhân dân ta, tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân thế giới....)
Tìm tòi phát hiện sự kiện lịch sử
Qua trao đổi trong quá trình dạy học nhằm tổ chức hoạt động nhận thức của học sinh khi giải quyết các nhiệm vụ học tập phức tạp. Trong trường hợp này, giáo viên đặt câu hỏi để học sinh huy động những kiến thức cần thiết đã thu nhận được trong quá trình học tập, trong hoạt động thực tiễn ( quan sát, nhận xét…) để so sánh, đối chiếu các sự kiện lịch sử bằng suy đoán logic và tự tìm ra câu trả lời cho vấn đề đặt ra.
Trao đổi tìm tòi phát hiện bao gồm một chuỗi các câu hỏi lần lượt tìm hiểu những vấn đề nhỏ, bộ phận có liên quan với nhau, hợp thành vấn đề lớn, cơ bản. Việc giải quyết các câu hỏi nhỏ có tính chất gợi ý, bổ trợ sẽ dẫn đến việc giải quyết vấn đề chính.
Ví dụ: Sau khi tìm hiểu cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta giai đoạn từ 1945-1954. GV đưa ra tình huống có vấn đề: Theo em những thắng lợi quân sự có ý nghĩa chiến lược của ta trong cuộc kháng chiến chống Pháp là gì? Thắng lợi nào có ý nghĩa quyết định nhất?
HS phải tiến hành thao tác so sánh, đối chiếu trên cơ sở đã nắm được nội dung của cả 3 chiến thắng Việt Bắc 1947,Biên giới 1950 và Điện Biên Phủ 1954 để tìm tòi và phát hiện ra vấn đề.
GV có thể hướng dẫn các em thao tác so sánh trên các phương diện: Thời gian tồn tại, địa bàn (qui mô)......Với các câu hỏi trên, HS dễ dàng so sánh và nhận thấy: Chiến thắng Điện Biên Phủ xứng đáng là thắng lợi có ý nghĩa quyết định nhất. (Đập tan kế hoạch Na-Va với ý chí xâm lược của thực dân Pháp, làm xoay chuyển cục diện chiến tranh,tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đấu tranh ngoại giaotaij hội nghị Giơ-ne-vơ......)
Ôn tập, tổng kết bài học lịch sử hoặc giai đoạn lịch sử
Biện pháp trao đổi được được tiến hành để khái quát hoá, củng cố kiến thức đã học và nâng cao hiệu quả học tập cho học sinh.
Ví dụ dạy bài 13: “Tổng kết lịch sử thế giới từ sau năm 1945 đến nay”, GV nên đặt ra tình huống (vấn đề) ngay ở đầu giờ ôn tập để trong suốt tiến trình bài giảng sẽ lần lượt giải quyết từng phần của vấn đề:
Ví dụ: Trong khoảng thời gian học kì I các em đã được tìm hiểu chặng đường lịch sử thế giới từ sau năm 1945 đến nay. Ở tiết học này, cô trò ta cùng dừng lại để xem xét: Trong giai đoạn lịch sử đã học nội dung chính của giai đoạn này là gì? Các xu thế phát triển của thế giới ngày nay? Tại sao lại nói: “Hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển” vừa là thời cơ, vừa là thách thức đối với các dân tộc? Đó cũng là những vấn đề chính của tiết ôn tập ngày hôm nay.
Với cách đặt vấn đề trên đã tạo tâm thế cho HS trong giờ học, xác định cho các em mục đích rõ ràng, buộc các em phải tích cực huy động những kiến thức đã học để giải quyết. Và sau đó trong bài dạy, GV cho các em thời gian hoàn thiện các bảng thống kê để trả lời các câu hỏi.
Trao đổi kiểm tra: Nhằm xem xét việc tiếp thu kiến thức của học sinh trong học tập để đánh giá, bổ sung, đính chính kiến thức. Việc trao đổi này được tiến hành thường xuyên, xen vào bài giảng hay trong khi kiểm tra bài cũ. Trao đổi kiểm tra không chỉ nhằm xem xét học sinh nắm các sự kiện lịch sử mà cả khả năng phân tích khái quát, hệ thống hoá và thực hành của học sinh.
Với loại câu hỏi này, GV tiến hành thường xuyên trong các bài học hoặc nên cho HS tự đặt câu hỏi và kiểm tra lẫn nhau, thậm chí bản thân mỗi học sinh tự đặt câu hỏi và trả lời. Song vấn đề đặt ra là phải tuân thủ những yêu cầu sư phạm. Chọn các loại câu hỏi nào và tổ chức trao đổi như thế nào cho đúng với yêu cầu sư phạm.