Tranh luận phải có văn hóa

GD&TĐ - Xin lấy luôn hai đề tài về tiếng Việt đã làm “dậy sóng” cộng đồng mạng thời gian qua làm dẫn chứng: Đề xuất cải cách chữ viết của PGS.TS Bùi Hiền và chương trình dạy Công nghệ giáo dục cho HS lớp 1 của GS Hồ Ngọc Đại.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ở đây tôi không bàn luận về việc ai đúng, ai sai mà tôi chỉ muốn đề cập tới vấn đề văn hóa trong tranh luận của mọi người chúng ta.

Cả hai vấn đề trên là những vấn đề lớn và hệ trọng của xã hội và của dân tộc vì nó liên quan đến ngôn ngữ quốc gia và giáo dục cho trẻ em buổi đầu đi học nên nó thu hút sự quan tâm và tranh luận của đông đảo mọi người là lẽ đương nhiên. Hơn nữa, việc tranh luận, phản biện cũng sẽ giúp cho chúng ta nhìn nhận đúng đắn và rõ ràng hơn khía cạnh của vấn đề. Tuy nhiên, chúng ta không thể chỉ vì bất đồng quan điểm mà xúc phạm tới người khác, đi ngược lại truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam.

Trước hết về vấn đề xưng hô. Cả hai người đã là những vị cao niên nhiều tuổi như tuổi cha, ông chúng ta. Tôi thật thấy buồn cho những người đã dùng những từ ngữ xưng hô không phải đạo. Có nhiều người lên mạng thấy mọi người tranh luận hay nói đúng ra là chửi thì cũng bắt chước chửi theo bằng những ngôn từ xưng hô không phải là vẻ đẹp của tiếng Việt. Tôi xin khẳng định lại lần nữa là tôi không bàn tới vấn đề đưa ra của 2 giáo sư là đúng hay sai. Nhưng chúng ta khi tranh luận, phản biện cần đưa ra những lí lẽ xác đáng, những chứng cứ cụ thể, thuyết phục.

Trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay, các vấn đề nóng bỏng của xã hội sẽ nhanh chóng được lan truyền. Có không ít người sẽ vì mục đích riêng của cá nhân để lợi dụng. Vì vậy khi tranh luận, phản biện mỗi người chúng ta cần có những cái nhìn khách quan, có văn hóa để không làm mất đi hình ảnh con người Việt Nam lịch thiệp và nhân ái.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ