- PGS nhận định thế nào về tầm quan trọng của việc lồng ghép nội dung về giới và bình đẳng giới trong chương trình, SGK giáo dục phổ thông?
Lồng ghép giới vào SGK là vấn đề rất cần thiết hiện nay. Nó cần thiết bởi vì lâu này chúng nhìn nhận về giới và bình đẳng giới theo một cách cơ học nhiều hơn là vấn đề khoa học.
Ví dụ, ta muốn nam giới làm được cái gì thì nữ giới cũng phải làm được cái đó, đó mới là bình đẳng. Tuy nhiên, nhận thức như vậy chưa hoàn toàn chính xác.
Ta phải hiểu bình đẳng trên cơ sở thiên chức của giới tính. Người phụ nữ có giới tính nữ nên họ làm những công việc phù hợp với giới tính của họ và đàn ông cũng tương tự như vậy.
Chúng ta phải hiểu bình đẳng giới trên cơ sở phát triển tâm sinh lý của con người chứ không phải bình đẳng là cái gì giới này làm được thì giới kia cũng phải làm được.
Hoặc, khi nói tới bình đẳng giới hiện nay, đa số mọi người đề cập tới việc tôn vinh phụ nữ, nâng cao vai trò và vị trí của phụ nữ. Tôi thì cho rằng, bàn về giới phải bàn cả về nam, bàn cả về nữ ngang nhau.
Vì thế, hiện nay, việc lồng ghép giới và bình đẳng giới vào trong chương trình và SGK là rất cấp bách và cần thiết. Nếu không làm điều này, có thể sẽ dẫn đến học sinh của chúng ta hiểu sai cách tiếp cận đến sự bình đẳng giới và giới.
Học sinh cần có cách tiếp cận sao cho phù hợp và thích nghi với cuộc sống mà tạo hóa đã ban cho giới tính của mỗi người.
- PGS nhận định như thế nào về việc lồng ghép giới và bình đẳng giới vào trong sách giáo khoa hiện nay?
Hiện nay, sách giáo khoa đã có yếu tố giới tính và trên cơ sở các yếu tố giới tính ấy, người ta đưa ra các vấn đề về giới.
Cách tiếp cận của sách giáo khoa lâu nay đã đáp ứng một phần vấn đề giới và giới tính. Tuy nhiên, sự vận động liên tục diễn ra, xã hội luôn luôn vận động và thông tin ngày càng phải bổ sung, cập nhật thêm nên việc lồng ghép thêm các kiến thức về giới tính cũng cần phải được cập nhật.
Mặt khác, sau 2018 chúng ta có một bộ sách giáo khoa mới, nên cách tiếp cận, lồng ghép về giới và giới tính cũng phải thay đổi để phù hợp với hệ thống chương trình và sách giáo khoa mới, phù hợp với nhận thức xã hội luôn luôn thay đổi trong tương lai.
- Thầy có góp ý cho việc lồng ghép giới và bình đẳng giới trong chương trình và SGK giáo dục phổ thông mới?
Tôi nghiên cứu về sinh lý con người nên muốn các vấn đề bàn về giới phải dựa trên cơ sở sinh học giới tính thì tính khoa học và tính bền vững của nó sẽ cao hơn, thay vì chúng ta chỉ mô tả những hành vi khác biệt của nam và nữ.
Nếu chúng ta chỉ đi sâu vào những hành vi khác biệt của cả nam và nữ, tức là chúng ta mới bình đẳng phần ngọn.
Cần phải hiểu được bản chất các hành vi khác nhau ấy trên cơ sở sinh học giới, do đó, tôi muốn đưa thêm một số thông tin về sinh học giới để làm nền tảng cho việc giảng dạy các kiến thức về hành vi khác biệt về giới trong học sinh.
- Nhiều bài báo hiện nay phân tích việc lồng ghép giới trong SGK dựa trên số lần xuất hiện của từng giới tính. Có ý kiến cho rằng, để giáo dục bình đẳng giới, việc lựa chọn hình ảnh trong SGK cần phải thay đổi. Ví dụ, không nhất thiết cô giáo mầm non, tiểu học ở trong sách phải là nữ chẳng hạn. PGS nhận định như thế nào về việc này?
Theo tôi, điều đó là không cần thiết. Vì bình đẳng giới phải tiếp cận dựa trên tính chất tự nhiên của giới. Sự xuất hiện nữ nhiều hay nam nhiều không nói lên sự bất bình đẳng hay bình đẳng. Không phải cứ muốn nâng giá trị người phụ nữ lên thì nhất thiết chúng ta đưa nhiều hình ảnh nữ.
Hiện nay, đúng là một số bài báo đếm số lượt người nữ xuất hiện trong sách giáo khoa, rồi đếm số lượt nữ giới xuất hiện trong những việc đặc trưng cho giới. Tôi thấy việc đó không hẳn là bất bình đẳng giới.
Những công việc đó có thể nam làm hoặc nữ làm, có việc người nữ họ thích làm thì ta phải tôn trọng ý thích của họ, chứ không phải thay đổi. Khi thay đổi đi thì không còn là tính tự nhiên của bình đẳng giới nữa mà sẽ trở thành tính nhân tạo của bình đẳng giới. Do đó, việc lựa chọn hình ảnh trong SGK cũng cần tránh sự khiên cưỡng.
- Xin cảm ơn PGS!