(GD&TĐ) - Cùng với Hà Nội, Nam Định, Nghệ An, Sở GD&ĐT Hải Phòng, Thanh Hóa và Quảng Ninh đã có công văn khẩn chỉ đạo các trường trên địa bàn nghỉ học ngày mai (11/11) nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh trước cơn bão số 14.
Sở GD&ĐT Quảng Ninh đề nghị các Phòng GD&ĐT chỉ đạo các trường mầm non, tiểu học, THCS, trường PT DTNT, THPT và trung tâm HN&GDTX trên địa bản ngay lập tức thông báo rộng rãi đến cha, mẹ học sinh về kế hoạch nghỉ học nêu trên. Trong trường hợp đặc biệt, nếu có học sinh chưa nhận được thông tin, vẫn đến trường, nhà trường cần phải bố trí lực lượng tổ chức tiếp nhận, quản lý và đưa các em vào nơi tránh bão an toàn và thông tin để gia đình đến đón.
Sở này cũng tạm dừng tất cả các cuộc họp, hội nghị, tập huấn… trong toàn ngành vào ngày 11/11/2013 để tập trung phòng chống cơn bão số 14. Yêu cầu các đơn vị, nhà trường chủ động phối hợp với các cơ sở y tế tại địa phương lên phương án dọn dẹp vệ sinh, phòng chống dịch bệnh, đảm bảo điều kiện giảng dạy và học tập bình thường tại nhà trường sau khi bão tan. Đồng thời, chủ động xây dựng kế hoạch học bù ngày 11/11/2013 vào thời điểm thích hợp sau bão.
Tại Hải Phòng, Sở GD&ĐT cũng đã có công văn khẩn yêu cầu các trường học thông báo để học sinh toàn thành phố nghỉ học cả ngày 1/11. Cùng với đó, phân công cán bộ theo dõi, trực bão 24/24 giờ trong suốt thời gian có bão, bảo đảm thông tin liên lạc với bên ngoài; thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết và các thông báo liên quan để kịp thời có biện pháp phòng, chống.
Thực hiện các biên pháp bảo đảm an toàn về người và tài sản, nhất là tại các đơn vị đang sửa chữa và thi công xây dựng. Tăng cường công tác bảo vệ, bảo đảm an ninh, không để xảy ra tình trạng kẻ gian lợi dụng mưa bão để đột nhập lấy cắp tài sản. Các trường học tiếp tục theo dõi diễn biến cơn bão để có biện pháp ứng phó kịp thời.
Thông tin từ Sở GD&ĐT Thanh Hóa, ngày mai (11/11), HS trên địa bàn toàn tỉnh được nghỉ học.
Trước đó, ngày 9/11, Giám đốc Sở GD&ĐT Phạm Thị Hằng đã ký công văn gửi các đơn vị, trường học, yêu cầu kiểm tra, rà soát toàn bộ cơ sở vất chất của đơn vị, đặc biệt là các công trình đang thi công dở dang, công trình trọng yếu, công trình có độ an toàn thấp; chú trọng đến các phòng thí nghiệm, phòng máy vi tính, thư viện, phòng học bộ môn, phòng thực hành; có biện pháp sơ tán ngay các trang thiết bị dạy học, các kho sách đến những nơi an toàn, tránh ngập nước;
Chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn để có phương án làm vệ sinh môi trường, nhanh chóng đưa các cơ sở giáo dục trở lại hoạt động bình thường, có phương án bố trí thời gian đến trường hợp lý. Các đơn vị cần đảm bảo “ba đủ”, tạo điều kiện hỗ trợ giúp đỡ học sinh đến trường sau mưa lũ, lụt bão. Đảm bảo không để học sinh bỏ học vì thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu sách vở do thiên tai gây ra.
Các đơn vị thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo. Ngoài báo cáo nhanh về Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn địa phương và Sở GD&ĐT theo quy định, còn phải báo cáo những tình huống phát sinh, những sự cố bất thường xảy ra trong mưa, bão, lũ, lụt để kịp thời được chỉ đạo xử lý.
Thông tin mới nhất từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn, do ảnh hưởng của bão Haiyan, khu vực Vịnh Bắc Bộ (bao gồm đảo Hòn Ngư, các huyện đảo Cô Tô, Bạch Long Vĩ, Cát Hải) có gió mạnh cấp 8 - 10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11, cấp 12, giật cấp 13, cấp 14. Các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thanh Hóa có gió mạnh cấp 6 – 7, giật cấp 8 – 9. Ở các tỉnh ven biển phía Đông Bắc Bộ từ Ninh Bình đến Quảng Ninh có gió mạnh cấp 7 – 8, vùng gần tâm bão cấp 9 – 11, giật cấp 12 – 13. |
Hải Bình
TIN LIÊN QUAN |
---|