Thầy Nguyễn Văn Định - Hiệu trưởng Trường THPT Tháp Mười - Đồng Tháp: Giáo dục - đào tạo đang đổi mới đúng lúc và có những bước đi đúng hướng.
Nghị quyết 29/NQ-TW đã khẳng định tầm quan trọng, vai trò quốc sách hàng đầu của giáo dục - đào tạo. Đại hội XII của Đảng đã dành nhiều thời gian, nhiều vị trí quan trọng cho giáo dục - đào tạo, càng nhấn mạnh thêm sứ mệnh của giáo dục - đào tạo đối vời sự phát triển của đất nước. Không riêng gì ngành Giáo dục mà mọi người dân đang rất cảm động và hết sức trân trọng trước tình cảm của Đảng và Nhà nước đối với giáo dục.
Tôi cho rằng, đổi mới giáo dục - đào tạo trong giai đoạn hiện nay là phù hợp với xu thế của thế giới, phù hợp lòng dân, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đổi mới để phát triển, thay đổi để tiến bộ. Ngành giáo dục - đào tạo đang đổi mới đúng lúc và có những bước đi đúng hướng.
Đó là chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Học đi đôi với hành; lý luận gắn với thực tiễn; giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội. Phát triển giáo dục và đào tạo phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; với tiến bộ khoa học và công nghệ; phù hợp quy luật khách quan.
Chuyển phát triển giáo dục và đào tạo từ chủ yếu theo số lượng sang chú trọng chất lượng và hiệu quả, đồng thời đáp ứng yêu cầu số lượng. Đổi mới hệ thống giáo dục theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các bậc học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo. Chuẩn hóa, hiện đại hóa giáo dục và đào tạo...
Có thể nói, giáo dục - đào tạo là sự nghiệp của toàn dân, người người lo cho giáo dục, nhà nhà lo cho giáo dục. Chính vì thế, những người làm công tác giáo dục phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, toàn tâm toàn ý, đồng sức đồng lòng, chủ động tích cực tham gia quá trình đổi mới để xứng đáng với lòng tin tưởng của nhân dân và kỳ vọng của Đảng. Nếu dân đã đồng thuận, Đảng đã tin tưởng thì những người làm công tác giáo dục sẽ nguyện làm tất cả những gì có thể để xứng đáng đáng với lòng tin niềm tin yêu đó.
Với Trường THPT Tháp Mười, các cán bộ, giáo viên, học sinh của trường đã và đang nỗ lực hết mình trong dòng chảy đổi mới. Với vai trò là người đứng đầu nhà trường, bài học của cá nhân tôi là, để hoàn thành tốt nhiệm vụ của một người làm công tác quản lý giáo dục, người lãnh đạo phải tuyệt đối không được áp đặt. Nếu không làm được điều đó thì bao giờ cũng đứng sau lưng cán bộ, giáo viên.
Ở trường học nói riêng, trong xã hội nói chung, công tác thi đua giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Để mọi người cống hiến hết mình cho công việc thì công tác thi đua, khen thưởng phải đảm bảo công bằng, chính xác và kịp thời. Người tham gia thi đua không sợ mình được khen thưởng nhiều hay ít, cao hay thấp, mà điều họ sợ nhất là không công bằng...
Cô giáo Nguyễn Thị Thúy- Giáo viên trường THPT Nguyễn Du (Bà Rịa - Vũng Tàu): Sẵn sàng đón nhận sự đổi mới
Bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội Đảng lần thứ XII dành một phần khá dài cho giáo dục. Là một giáo viên nhiều năm công tác, tôi rất vui mừng, tự hào khi Đảng, Nhà nước tiếp tục khẳng định: Giáo dục là quốc sách hàng đầu.
Phát biểu của Tổng Bí thư có nhấn mạnh việc tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục, đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học. Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học: yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, sống tốt và làm việc hiệu quả. Đó cũng là những việc mà chúng tôi đang triển khai, thực hiện.
Từ những kỳ vọng đối với giáo dục nước nhà, bản thân tôi thấy rằng, suy nghĩ về nhiệm vụ của người thầy trong giai đoạn đổi mới đồng bộ và toàn diện giáo dục, đó là một tất yếu phù hợp với sự phát triển và tiến bộ về giáo dục trên thế giới. Sự thay đổi này diễn ra từ chính giáo viên trong việc dạy học của mình.
Người thầy đứng trên góc độ của người học, hòa vào tâm trạng của người học để tự đào tạo, phát triển năng lực; từ đó sẽ có hướng đi, hướng phát triển phương pháp trong việc định hướng và dẫn dắt người học. Tôi thấy rất thoải mái trong việc đón nhận và thực hiện nhiệm vụ của mình trong giai đoạn đổi mới và cũng tự nguyện tự giác trong tự học để cập nhật kiến thức, chuyên môn phục vụ cho việc dạy học, luôn hướng học sinh vận dụng kiến thức để giải quyết vần đề của thực tiễn
Tôi cho rằng, trách nhiệm của người thầy hơn bao giờ hết, không chỉ là dạy chữ mà việc dạy học sinh cách học, cách làm người, cách hòa nhập là trọng trách rất lớn và rất vất vả. Kết quả giáo dục sẽ phụ thuộc vào sự yêu nghề và thương trẻ của mỗi thầy cô giáo.