Trăn trở về “part-time”

GD&TĐ - Gần như bất kỳ bạn trẻ nào khi bước vào cuộc sống sinh viên cũng đã từng "khao khát" được đi làm thêm, tự mình kiếm ra tiền. Nhưng khao khát này đôi khi mang lại nhiều hệ lụy, bạn có thể kiếm được tiền nhưng lại phải đánh đổi quá nhiều thứ.

Trăn trở về “part-time”

Nhìn chung, chẳng dễ dàng gì để sinh viên có được một công việc làm thêm vừa ổn định, vừa hiệu quả. Nói như vậy không có nghĩa là "part-time" không dành cho sinh viên.

Được gì?

Nhắc đến việc làm thêm trong giới sinh viên có lẽ không thể bỏ qua việc chạy bàn ở các quán café, quán karaoke hay các quán ăn nhậu, bởi lẽ loại hình dịch vụ này rất nhiều.

Dù ở thành phố nào, chúng ta cũng dễ dàng nhìn thấy hai bên đường dày đặc những quán café, những con phố karaoke luôn nhộn nhịp và đơn giản là ở những nơi này không yêu cầu bằng cấp. Chỉ cần có thời gian là bạn dễ dàng kiếm được việc, mà sinh viên thì đáp ứng được yêu cầu này.

Không thể phủ nhận, môi trường làm thêm giúp các bạn nhận thức được chính mình để điều chỉnh bởi hiện nay, thói ngộ nhận đang tràn ngập trong sinh viên.

Bên cạnh đó, việc làm thêm cũng tạo ra kinh nghiệm nghề nghiệp như ngoại ngữ, du lịch, ngân hàng… cùng những kỹ năng mềm, để khi các bạn chính thức bước vào nghề sẽ bớt bỡ ngỡ hơn.

Đặc biệt, đi làm thêm khiến sinh viên hiểu được giá trị của đồng tiền, mà những kẻ tiêu tiền của bố mẹ thì không bao giờ hiểu được.

Với tuổi trẻ, va vấp là điều đương nhiên, nhưng đừng bao giờ cho rằng bạn có quyền sai và được phép làm sai để hướng suy nghĩ mình vào những thói xấu.

Hãy thử xem mình được những gì và phải đánh đổi những gì, đặt nó lên bàn cân trước khi quyết định đến công việc làm thêm mà bạn chọn.

Mất gì?

Đơn giản như việc do chủ yếu phải học sáng hoặc chiều nên hầu như các bạn sinh viên đều nhận làm thêm vào buổi tối. Từ đó, việc đi lại trở nên thiếu an toàn, kể cả là ở trên những tuyến phố lớn.

Và ngay cả khi nếu bạn làm thêm trong một môi trường phức tạp, việc bị quấy rối hoặc không được tôn trọng sẽ có khả năng xảy ra rất cao, nếu bạn không có một tâm lý, lập trường vững vàng thì việc bị tổn thương sẽ là một điều khó tránh khỏi.

Làm việc bưng bê trong một quán bia hơi, lại cộng thêm một ngoại hình khá xinh xắn, một sinh viên chia sẻ, cô thường xuyên bị những khách hàng nam giới ở đây trêu chọc, buông những lời khiếm nhã, đôi khi còn nói những cử chỉ khiến cô bạn cảm thấy bực bội và khó chịu.

Không chỉ là ở những vấn đề ở bên ngoài xã hội mà đôi khi, những bất cập còn nằm ở chính bản thân những sinh viên đi làm thêm. Bởi nếu bạn không biết cân bằng bài toán thời gian cho hai việc học và làm thì nó sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng bài vở trên lớp.

Tạm kết

Để có được một công việc ổn định và thực hiện được ước mơ của mình, các bạn sinh viên cần tích lũy cả kiến thức và kinh nghiệm ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Cân bằng giữa việc học và làm thêm chính là một trong những chìa khóa giúp bạn thành công trong tương lai. Vì thế, các bạn phải luôn luôn nhớ rằng nhiệm vụ chính của người sinh viên là học và rèn luyện cho thật tốt để xứng đáng trở thành người chủ nhân tương lai của đất nước.

Đừng vì một vài trăm nghìn, một vài triệu đồng trước mắt mà đánh mất những ước mơ, hoài bão, tương lai tươi sáng của mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.