(GD&TĐ) - Thông tin mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về hoạt động của hệ thống NH trong nước cho biết lãi suất huy động đang đi vào sự ổn định, lãi suất cho vay cũng được bảo đảm với giao động thấp. Mặt bằng chung là như vậy, nhưng trên thực tế không ít NH thương mại (TM) vẫn rục rịch vượt trần lãi suất cho vay hoặc ẩn dưới việc chuyển đổi từ cho vay VND sang ngoại tệ để thay đổi lãi suất huy động .
Trần lãi suất gần như chỉ được bảo đảm trên danh nghĩa, trong khi khả năng hấp thụ vốn của DN vẫn yếu kém; bản thân trong hệ thống NH cũng có không ít tổ chức tín dụng yếu kém đang thiếu thanh khoản, cần huy động nhiều tiền để bù đắp trạng thái, khiến cho trần lãi suất đặt ra không được bảo đảm trên thực tế.
Thực tế đó đặt ra câu hỏi: liệu NHNN có nên duy trì trần lãi suất nữa hay không? Đặt ra trần lãi suất, nhưng ngoài việc kiểm tra từ báo cáo định kì hay các từ các cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất (ít khi được công bố công khai), bản thân NHNN cũng không có chế tài quản lý hữu hiệu nào trong tay để “nắm” các NHTM.
Phát hiện sai phạm đương nhiên phải xử lý, nhất là đối với sai phạm về tài chính. Thế nhưng, có lẽ công tác thanh tra, xử lý của cơ quan này chưa làm hết chức năng của mình, bởi vậy chế tài xử phạt (khác chế tài quản lý) đã được giao đầy đủ cho NHNN và cả đối với pháp luật, nhưng thời gian gần đây ít NHTM nào bị tuyên bố xử lý, dù báo chí liên tục thông tin về một số nhà băng cụ thể vi phạm trần lãi suất.
Không chỉ pháp lý bị “phá rào” mà ngay cả tính minh bạch cần có của các tổ chức tài chính cũng như niềm tin vào hệ thống NH cũng bị bào mòn; nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi mà người dân liên tục chứng kiến những khuất tất về tài chính bị phanh phui ở một số NH lớn hay việc một số TCTD hoạt động yếu kém bị buộc phải sát nhập với đơn vị khác.
Ảnh MH |
Đó là câu chuyện về “dự kiến” đối với trần lãi suất mà NHNN đã đặt ra nhưng chưa (hay không thể) có mốc thời gian thực hiện cụ thể. Việc giảm lãi suất hơn nữa như đòi hỏi của dư luận cũng như cộng đồng DN, khách quan mà nói trong bối cảnh hiện nay là không thể, nếu không muốn lạm phát tiếp tục tăng cao trở lại.
Trong khi đó, việc yếu thanh khoản của một số NH là thực tế đang diễn ra, buộc phải huy động càng nhiều tiền càng tốt để bù đắp trạng thái. Hạ thêm lãi suất, thà người dân mang tiền mua vàng để chờ đợi lúc giá lên bán kiếm lời còn khả dĩ hơn mang gửi ngân hàng.
Một số NHTM lớn vẫn có nguồn tài chính vững mạnh, có nhu cầu cho vay nhiều hơn huy động (nhưng cho vay được cũng khó trong bối cảnh hiện nay, bởi dẫu nhu cầu của DN nghiệp về vốn là rất lớn nhưng để đủ điều kiện được vay thì lại… không nhiều, chưa kể những khoản nợ xấu khổng lồ của DN vẫn chưa có hướng giải quyết khiến các NH cũng phải chùn tay và cân nhắc cẩn thận đối với mỗi khách hàng của mình).
Những dẫn chứng từ thực tế cho thấy việc quy định trần lãi suất vô hình trung đang làm khó cả nền kinh tế lẫn chính các TCTD. Người cần gửi tiền không mặn mà, người cần vay khó tiếp cận vốn; trong khi nguồn vốn của cả xã hội vẫn ứ đọng ở những nhà băng lớn mà không thể giải ngân được. Thực tế đó đưa NHNN đứng trước 2 lựa chọn: Một là, nếu duy trì trần lãi suất huy động, thì phải có biện pháp thanh kiểm tra để xử lý nghiêm các NH lách trần lãi suất, và đẩy các TCTD này vào rủi ro pháp lý nghiêm trọng, làm tính minh bạch của hệ thống giảm xuống. Hai là, bỏ trần lãi suất huy động, để các NH tự điều chỉnh theo năng lực tài chính của mình.
Ở lựa chọn thứ nhất, rõ ràng NHNN đã và đang không làm tốt. Đối với lựa chọn thứ hai, rõ ràng sẽ tạo sự cạnh tranh lành mạnh cho các nhà băng - điều rất thiếu trong hệ thống HNTM của chúng ta hiện nay. NHNN chọn con đường nào?
Nhất Nguyên