Trận chiến bi hùng trên vùng biển Phú Quốc

Trận chiến bi hùng trên vùng biển Phú Quốc

(GD&TĐ) - Ngày 23-4-1972, Tàu chiến mang số hiệu 04 của Quân đội Sài Gòn với sự hộ tống của tàu khu trục Mỹ đã công khai tấn công một con tàu mà chúng nghi là “Bắc Việt giả dạng” ngay trên vùng biển quốc tế. Đó chính là thời điểm diễn ra trận chiến bi hùng của Tàu 645 - chuyến tàu sắt cuối cùng của “Đoàn tàu không số”.

Gần 40 năm kể từ ngày xảy ra trận đánh quyết tử, chúng tôi đã tìm gặp cựu chiến binh Thẩm Hồng Năng - nguyên chiến sĩ hàng hải Tàu 645 và được nghe họ kể lại khá chi tiết về chuyến đi cuối cùng năm ấy…

Chuyến đi quyết tử

Chuyện xảy ra vào ngày 23-4-1972, khi Tàu 645 do Thuyền trưởng Lê Hà và Chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu chỉ huy chở 70 tấn vũ khí đã ra tới vùng biển Phú Quốc. Do địch phòng bố, kiểm soát liên tục nên tàu phải chuyển hướng về phía đảo Cô Công (Cam-pu-chia) cách Phú Quốc chừng 60 hải lý để chờ khi trời tối sẽ cập bến trả hàng. Trước đó, lúc 14h, tàu nhận điện của Sở chỉ huy báo về: “Đêm nay sẽ có thuyền đón ở mũi Cà Mau”, nhưng 17h lại nhận được tin "Bến động". Tàu buộc phải quay ra hải phận quốc tế vòng tránh và giả vờ làm ngư dân đánh cá.

19 giờ ngày 23-4-1972, Tàu 645 gặp tàu địch, chúng rọi đèn pha sáng rực, đánh tín hiệu hỏi: “Tàu từ đâu đến, đi đâu”. Tàu 645 trả lời: "Tàu từ Trung Quốc xuống, bị lạc". Địch phát tín hiệu dừng tàu. Tàu 645 liền tăng tốc nhằm thoát khỏi tầm truy đuổi của chúng. Địch bắt tàu 645 đi theo hướng đã bắn sẵn pháo sáng, nhưng tàu ta không nghe mà đi vuông góc với đường chúng vạch ra. Các thuỷ thủ trên Tàu 645 nhìn rõ xung quanh có 3 tàu địch, trong đó có một chiếc khu trục của Mỹ làm nhiệm vụ hộ tống. Tàu 645 vẫn giữ tốc độ tiến nhanh ra vùng biển quốc tế. Chiếc khu trục tăng tốc và bám rất sát tàu ta với ý đồ bắt sống. Suốt đêm 23-4, địch cho hết tốp máy bay này tới tốp khác ra bắn pháo sáng rực cả một vùng. Tàu ta tăng tốc tránh xa hải phận của chính quyền Sài Gòn, chuyển hướng sang phía Malaysia... Sáng hôm sau, địch gọi thêm máy bay ném bom và tàu chiến mang số hiệu Trần Khánh Dư – 04 tới kèm sát. 10 giờ sáng, khi tàu ta đang trong hải phận quốc tế, địch bắt đầu cho thả bom phía trước mũi tàu. Ít phút sau, tàu 645 bị trúng loạt bom đầu tiên làm đổ cột cờ và mất la bàn chuẩn.

Chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu cùng vợ và các con - ảnh do gia đình cung cấp
Chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu cùng vợ và các con - ảnh do gia đình cung cấp

Trước tình thế vô cùng gay cấn, quyết không để rơi vào tay địch, Thuyền trưởng Lê Hà và Chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu đã bình tĩnh chỉ huy các thủy thủ chiến đấu, nếu cần sẽ hủy tàu và hy sinh. Giữa biển khơi, tàu ta và tàu địch vờn nhau đến 5 giờ sáng ngày 24-4. Khi trời sáng rõ và xác định được tàu 645 là tàu "Bắc Việt giả dạng", kẻ địch lập tức dùng loa dụ hàng bằng 4 thứ tiếng: Việt, Nga, Anh, Trung nhưng các chiến sĩ trên tàu lờ đi. Tàu 645 vẫn tiếp tục chạy. Thấy gọi hàng không kết quả, địch nổ súng bắn uy hiếp. Từng loạt đạn như mưa xối xả rơi trước mũi tàu 645. Vẫn không ép được tàu 645 dừng lại, địch bắt đầu bắn nhiều loạt đạn liên thanh 14,5mm thẳng vào tàu ta, gây thương vong cho một số thủy thủ, một số quả đạn pháo lớn của địch bắn giữa thân tàu, làm thủng lỗ chỗ. Trước tình thế đó, Chỉ huy Tàu 645 quyết định nổ súng chống trả. Các loại súng B40, B41, 12,8mm của ta hướng nòng về phía tàu địch đồng loạt nhả đạn. Lúc này địch tập trung hỏa lực đánh trả rất ác liệt. Một số thủy thủ đã bị trúng đạn và hy sinh, một số khác bị thương. 9h sáng ngày 24-4, tàu 645 vẫn tiếp tục cơ động ra xa và đánh trả quyết liệt.

Cuộc chiến giằng co kéo dài tới 12 giờ trưa thì một quả bom của địch thả trúng vào mũi tàu làm thủy thủ Lưu Đình Thẻ hy sinh. Tàu vẫn tiếp tục hành trình, khoảng hơn 12 giờ, địch bắn tiếp một chùm pháo lên buồng lái. Tàu ta không còn điều khiển được nữa nên phải chạy vòng tròn. Khi biết tàu hỏng lái không thể cơ động được, Chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu đề nghị thuyền trưởng Lê Hà ra lệnh cho anh em khoác áo phao nhảy xuống biển bơi vào bờ…

 “Xuống biển đi, em vẫn còn trẻ lắm...”

 “Khi ấy tôi đang lái tàu, hai chiến sĩ Lân và Chiến đứng cạnh bị trúng đạn hy sinh, tôi cũng bị thương nặng nên bất tỉnh. Lúc tỉnh dậy, tôi thấy tàu bị mất lái nhưng vẫn chạy, cũng không còn nghe thấy tiếng ai trên tàu. Một lúc lâu, Chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu đi qua, anh thấy tôi mở mắt, liền bảo: “Năng tỉnh rồi đấy à, dậy đi em, có lệnh hủy tàu rồi”. Tôi cố nhổm dậy, anh Hiệu dặn: “Đi đánh vị trí bộc phá của em đi”. Tôi xuống dưới buồng ngủ và đi lắp kíp tại vị trí được phân công, sau đó lên buồng lái để hủy tài liệu”, cựu chiến binh Thẩm Hồng Năng nhớ lại.

Ông Thẩm Hồng Năng: “Tôi không sao quên được dáng người cao gầy, mảnh dẻ của Chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu trong thời khắc anh chuẩn bị kích nổ, hủy tàu”
Ông Thẩm Hồng Năng: “Tôi không sao quên được dáng người cao gầy, mảnh dẻ của Chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu trong thời khắc anh chuẩn bị kích nổ, hủy tàu”

Vì đã có sẵn một chai cồn trong buồng lái nên Thẩm Hồng Năng nhanh chóng lấy các loại tài liệu ra rồi đổ cồn vào đốt. Còn một số sách và cuốn nhật ký hàng hải dày cộp, đang định mang ra chỗ khác để huỷ thì gặp Chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu đi qua. “Thấy tôi đang bị đau, đi lại khó khăn nên anh giằng lấy tài liệu từ tay tôi, bảo: “Đưa đây anh hủy cho” rồi cầm tập tài liệu vào buồng máy châm lửa. Khi ấy, trong làn khói mù mịt của cả bom đạn lẫn đám cháy từ đống tài liệu, chỉ còn tôi và anh Hiệu là những người cuối cùng chuẩn bị rời tàu”. Nhìn xuống biển, thấy phần lớn anh em đều bị thương, đuối sức nên phải chụm lại thành một khối, dìu nhau bơi vào bờ, ông Năng đề xuất với Chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu: “Anh xuống trước đi, tôi bị thương chắc không bơi được đâu”. “Không, cả hai anh em mình cùng đi, em bị thương nên cứ xuống trước, anh còn phải kiểm tra bộc phá rồi sẽ đi sau”, vừa nói, Nguyễn Văn Hiệu vừa nhanh tay đẩy chiến sĩ hàng hải Thẩm Hồng Năng xuống biển bơi cùng đồng đội. Từ dưới biển nhìn lên, anh em thấy người Chính trị viên đã xoay lưng lại và đi vào phía trong buồng ngủ của con tàu. Khi tàu chạy vòng tròn ở cách xa chỗ đồng đội đang bơi khoảng 500m thì một ánh chớp lóe sáng, một cột lửa đỏ và những con sóng cao hàng chục mét dựng lên. Tàu 645 với gần 100 tấn vũ khí đã được Chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu kích nổ và anh đã hy sinh ngay trên tàu. “Vì là người rời tàu sau cùng nên tôi nhìn rất rõ những mảnh vỡ to nhưng những chiếc bàn, chiếc ghế văng ra bên cạnh, sau đó là những mảnh nhỏ như những hạt ngô, hạt đỗ từ trên cao rơi xuống vùng biển rộng...  Sau này, theo suy đoán của anh em chúng tôi, vì bị mất lái nên tàu chạy theo chuyển động vòng tròn, có lúc rất gần anh em thủy thủ, có lúc lại ở xa. Chính vì thế nên Chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu đã không xuống biển cùng các anh em mà thay đổi cách thức điểm hỏa và quyết định hủy tàu ở vị trí cách xa đồng đội nhất”, ông Năng khẳng định.

Khoảng 13 giờ ngày 24-4, địch cho canô ra vớt từng người lên tàu đưa về đảo Phú Quốc. Ở Phú Quốc một đêm, địch đưa các thuỷ thủ về Sài Gòn tra khảo rồi sau đó lại đưa ra giam tại Phú Quốc cho tới ngày 9-3-1973 thì được trao trả...

Đã gần 4 thập kỷ trôi qua kể từ ngày sát cánh cùng đồng đội trên con Tàu 645 ngày ấy, cựu chiến binh Thẩm Hồng Năng vẫn không sao quên được dáng người cao gầy, mảnh dẻ của Chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu trong thời khắc anh chuẩn bị kích nổ, hủy tàu. Bên tai ông vẫn văng vẳng những khẩu lệnh dứt khoát và cả những lời thủ thỉ, động viên như đối với một người em thân thiết: “Năng xuống biển cùng anh em đi, em còn trẻ, còn cống hiến được nhiều hơn anh…” - đó là những lời dặn cuối trước khi Chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu vĩnh biệt đồng đội trong chuyến tàu quyết tử.

Bài, ảnh: Bùi Vũ Minh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng chức năng duy trì công tác tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn. Ảnh: TT

Giữ bình yên trên cao nguyên M’Nông

GD&TĐ - Bước vào thu hoạch cà phê niên vụ 2024, người dân trên cao nguyên M’Nông (Đắk Nông) đang hân hoan phấn khởi vì sản phẩm được giá.