Trải nghiệm sáng tạo ngay trong sân trường

GD&TĐ - Trường THPT Hòn Đất (huyện Hòn Đất, Kiên Giang) đã mạnh dạn thay đổi hình thức tổ chức hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp và hướng nghiệp bằng cách tạo ra các môi trường khác nhau ngay trong nhà trường, giúp học sinh được trải nghiệm và phát huy tính sáng tạo.

Sinh hoạt âm nhạc
Sinh hoạt âm nhạc

Mạnh dạn thay đổi

Thầy Nguyễn Quang Hạnh, hiệu trưởng nhà trường cho biết, trước khi thực hiện, Ban giám hiệu (BGH) xin chủ trương Sở GD&ĐT tỉnh thay đổi hình thức đối với môn học ngoài giờ lên lớp và hướng nghiệp bằng các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, sau đó xây dựng kế hoạch tổ chức chung trong nhà trường và triển khai đến toàn thể cán bộ, giáo viên, học sinh.

Nhà trường xác định mục tiêu hoạt động trải nghiệm và lựa chọn các hình thức trải nghiệm phù hợp với học sinh như: Thực hành nhiệm vụ ở nhà; Thực hành lao động, sản xuất tại trường (trồng rau sạch, chiết ghép cây, chăm sóc cây...); Tham gia sinh hoạt các câu lạc bộ, các hoạt động tập thể (võ thuật, khiêu vũ, bóng chuyền, thiện nguyện, âm nhạc, kỹ năng mềm, sáng tạo văn chương...); Hoạt động phục vụ cộng đồng (tổ chức lao động vệ sinh, tuyên truyền, giúp đỡ những gia đình khó khăn, chăm sóc trẻ em mồ côi, tàn tật xã Mỹ Lâm); Tham quan thực tế tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh; Tham quan di tích lịch sử (Di tích Hòn Đất và một số di tích lịch sử trong và ngoài tỉnh...)...

Khi thực hiện, giáo viên định hướng để học sinh tự tổ chức các hình thức học tập trên lớp và các hoạt động ngoài trời cũng như tự lập dự án, tổ thực hiện dự án, có kế hoạch và báo cáo quá trình, kết quả thực hiện. Môi trường trải nghiệm có thể là dự án kinh doanh, du lịch, gây quỹ, giáo dục, tuyên tuyền, tham quan các cơ sở đào tạo nghề, các trường đại học, cao đẳng trong và ngoài tỉnh, tập san của trường...

Nhà trường tiến hành nghiên cứu tài liệu và tổ chức tập huấn công tác trải nghiệm sáng tạo cho giáo viên trong toàn trường ngay từ đầu học kỳ I. Qua đó, giáo viên có thể hình dung được công việc hướng dẫn cũng như có những điều chỉnh phù hợp và cần thiết trong quá trình thực hiện và tuyên truyền cho cha mẹ học sinh và học sinh để tạo sự đồng thuận.

Trong buổi họp mặt phụ huynh vào đầu năm học, nhà trường tổ chức hướng dẫn, tuyên truyền cho cha mẹ học sinh hiểu, đồng thuận và hợp tác cùng nhà trường trong việc thực hiện các hoạt động trải nghiệm cho học sinh. Sau khi lựa chọn và cụ thể hóa các hoạt động trải nghiệm phù hợp với tình hình thực tế của nhà trường, giáo viên chủ nhiệm và giáo viên hướng dẫn tiến hành cho các em đăng ký các hoạt động phù hợp với khả năng.

Tham gia lao động sản xuất tại trường
 Tham gia lao động sản xuất tại trường

Phong phú các hoạt động trải nghiệm

Các hoạt động trải nghiệm đều được lên lịch và kế hoạch thực hiện. Mỗi hoạt động trải nghiệm tùy theo nội dung mà có số tiết khác nhau. Có hoạt động được thực hiện trong 3 tiết, 4 tiết, 5 tiết, 6 tiết hoặc 11 tiết. Sau mỗi hoạt động trải nghiệm, học sinh sẽ viết thu hoạch những thay đổi về nhận thức, hành động, giá trị của bản thân và những bài học cần rút ra. Giáo viên nhận xét, đánh giá và tổng hợp báo cáo chung.

Trường còn có những hoạt động trải nghiệm dưới hình thức sinh hoạt câu lạc bộ (CLB). Ban Chủ nhiệm CLB thực hiện xây dựng kế hoạch, đăng ký các hoạt động, phân công nhiệm vụ, chuẩn bị vật dụng và những trang bị cần thiết cho hoạt động. Riêng về các môn võ thuật, âm nhạc thì thường được phân loại nhóm (ví dụ như CLB Âm nhạc thì phân thành nhiều nhóm như nhóm nhạc truyền thống, nhóm nhạc thính phòng, nhóm nhạc trẻ, nhóm nhạc nhẹ).

Căn cứ vào bảng dự kiến các hoạt động được nhà trường lựa chọn, giáo viên triển khai cho học sinh đăng ký và tổ chức các hoạt động theo hướng dẫn trong chương trình. Hiện nay, nhà trường có 3 CLB Âm nhạc, 1 CLB thiện nguyện, 1 CLB võ Vovinam; 10 nhóm lớp lao động sản xuất tại trường; 1 nhóm lớp tham gia sản xuất nghề truyền thống nồi đất; 1 nhóm sinh hoạt chuyên môn văn học; 2 nhóm lớp thăm cơ sở sản xuất tại địa phương; 1 nhóm lớp đăng ký hoạt động kinh doanh; 1 nhóm lớp đăng ký chăm sóc trẻ em tàn tật tại xã Mỹ Lâm...

Việc thay đổi hình thức dạy học ngoài giờ lên lớp bằng hình thức trải nghiệm sáng tạo trong nhà trường đã làm cho tinh thần, thái độ học tập của học sinh được nâng lên một cách rõ nét, từng bước hình thành và phát triển phẩm chất, nhân cách cũng như phát huy tiềm năng sáng tạo của học sinh, trong đó đáng kể là hình thành khả năng làm việc độc lập, khả năng giao tiếp, quan sát, thu thập thông tin và viết báo cáo; kỹ năng lắng nghe và biểu đạt ý kiến; kỹ năng trình bày suy nghĩ; kỹ năng hợp tác...

Đánh giá về các hoạt động ngoại khóa trên, thầy Nguyễn Quang Hạnh cho biết: Hoạt động trải nghiệm là cơ hội phát triển năng lực cho học sinh, không chỉ đem đến cho người học, mà ngay cả người thầy cũng được bứt phá khỏi sách vở để kết nối kiến thức với cuộc sống. Từ các hoạt động trải nghiệm, tinh thần thái độ học tập của học sinh được nâng lên rõ rệt, các em sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng nhiều hơn. Hiệu quả thấy rõ là học sinh biết tránh xa các tệ nạn xã hội, tỷ lệ bỏ học giảm nhiều.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Gỡ bỏ gánh nặng

GD&TĐ - Một thời gian dài, sáng kiến - kinh nghiệm là điều kiện bắt buộc để xét thi đua.