Tại ngày hội du học, nội dung chia sẻ của nhà du hành vũ trụ Thụy Điển Christer Fuglesang và nhà du hành vũ trụ Việt Nam Phạm Tuân đã mang đến cho những người tham gia những trải nghiệm thú vị về đời sống của các phi hành gia trong không gian và vai trò của con người trong việc giữ gìn cho trái đất được mạnh khỏe.
Trong tâm thức người Việt, đất nước Thụy Điển xa xôi về mặt địa lý và nhưng rất gần gũi bởi hai quốc gia đã có 45 năm quan hệ ngoại giao và tình hữu nghị bền vững, đặc biệt là giải thưởng Nobel danh giá hằng năm với nhiều tác phẩm đạt giải Nobel được dịch sang tiếng Việt.
Những thắc mắc giáo dục và du học ở Thụy Điển được 5 trường đại học hàng đầu của Thụy Điển gặp gỡ và giới thiệu tại chương trình. Học tập tại Thụy Điển rất khác biệt, các trường đại học Thụy Điển có môi trường cởi mở và nhấn mạnh vào làm việc nhóm.
Chia sẻ về nhu cầu giáo dục ở Việt Nam, ông Detlef Clowe – Giám đốc văn phòng đại diện Đại học Uppsala (Thụy Điển) tại Hà Nội - cho biết: “Tôi thấy thị trường ở Việt Nam rất sôi động, hiện có 125.000 người ra nước ngoài học.
Chúng tôi đã và đang hợp tác rất tốt với các trường ĐH tại Việt Nam. Trong xu thế toàn cầu hóa, mỗi công dân đều cần phải trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết để hội nhập, trong đó việc liên kết hợp tác đào tạo giữa các trường trên thế giới là cần thiết.
Không hề có sự khó khăn nào trong quá trình tiếp nối ở chương trình đào tạo giữa 2 cơ sở giáo dục trong việc đào tạo cao học.
Tuy nhiên ở bậc ĐH thì có một chút khác biệt, Thụy Điển đào tạo ĐH 3 năm, còn ở Việt Nam trung bình là 4 năm, điều chúng tôi mong muốn là làm sao để biến năm thứ 4 là bàn đạp để các bạn có được các kỹ năng cần thiết chuẩn bị cho mình khi có ý định sang Thụy Điển học tiếp”.