Cưu mang bà bầu lỡ làng
Chàng thanh niên Ngô Quang Trung (27 tuổi, xã Đông Tân, Đông Hưng, Thái Bình) lớn lên trên quê lúa. Cha mẹ anh là nông dân quanh năm vất vả, đầu tắt mặt tối với mảnh vườn và vài ba sào ruộng.
Cuộc sống làng quê vốn vất vả, ngay từ nhỏ anh đã chứng kiến những mảnh đời đầy bất hạnh, những “chật chội” ở vùng quê nghèo “khát” chữ này.
Theo lời kể của anh, khi còn ngồi trên ghế nhà trường anh từng là người quậy phá: Trốn học, đánh nhau, hút thuốc, đua xe... Ba mẹ luôn hy vọng anh có công việc ổn định để bớt chơi bời, đập phá vì thế muốn anh làm một thầy giáo trường làng.
Thế nhưng, Trung lại có niềm đam mê cháy bỏng với xăm mỹ thuật trên cơ thể (còn được gọi là tattoo). Gác tấm bằng cao đẳng sư phạm mỹ thuật, anh theo nghiệp tattoo nhưng ở miền quê lúa Thái Bình, xăm hình là một cái gì đó xa xôi mới mẻ và có vẻ “giang hồ”.
Trung làm đủ nghề để mưu sinh từ đi vẽ tranh, làm non bộ, mở salon tóc, bán cây cảnh... nhưng tất cả cũng chỉ để nuôi ước mơ theo đuổi nghiệp tattoo.
Nhưng ở vùng đất này quan niệm về tattoo chẳng khác gì so với vùng quê Thái Bình nên hành trình nuôi dưỡng đam mê của anh còn vô cùng gian nan.
Rời miền quê nghèo nhiều định kiến, anh khoác ba lô lên và đi lang thang khắp miền Nam, Bắc. Rồi vòng quay của duyên số đã khiến anh dừng chân ở thị xã Gia Nghĩa (Đắk Nông), nơi Tây Nguyên đại ngàn không một người thân thích.
Ngày ấy, ngôi nhà anh ở gần nhà hộ sinh Đức Hạnh. Ngày ngày, chứng kiến cảnh các sản phụ có thai ngoài ý muốn đến bệnh viện “giải quyết”, thai nhi bị cho vào túi nilon, vứt ngoài vệ đường trong lòng anh xót xa, trăn trở nhiều lắm. Trung vận động mọi người lập một nghĩa trang để chôn cất những hài nhi xấu số.
Mặt khác, anh còn tư vấn, động viên, cưu mang các bà bầu khó khăn vượt qua khó khăn để sinh con. Lúc đầu, mọi người tham gia rất nhiệt tình nhưng thời gian trôi qua dần nản lòng và cuối cùng chỉ còn lại mình anh lặng lẽ tiếp tục công việc.
Trói chặt đời với trẻ lang thang, mồ côi
Nghĩ đến những dự định còn dang dở và niềm đam mê cháy bỏng với nghệ thuật xăm hình, một ngày anh quyết định khoác balô lên và đi. Giữa gió núi vùng Tây Nguyên đại ngàn, anh vô tình gặp một cậu bé đang lả đi vì đói, đôi mắt lạc lõng, đơn độc.
Trung tìm hiểu mới biết, cậu bé lang thang sống một mình từ hai năm nay, hàng ngày em xin được thứ gì ăn thứ ấy, nhiều đêm phải đi ngủ với cái bụng lép kẹp.
Cho rằng đó là cơ duyên trời định, chàng thanh niên này quyết định nhận cậu bé làm con và hai bố con họ tiếp tục cuộc hành trình của mình giữa vùng rừng núi Tây Nguyên. Bước chân phiêu bạt đưa anh tới trung tâm từ thiện Bạch Tuyết (phường Nghĩa Phú, thị xã Gia Nghĩa, Đắk Nông).
Anh gặp bọn trẻ và quyết định dành toàn bộ tâm huyết, thời gian để chăm sóc và dạy dỗ chúng như sứ mệnh của cuộc đời mình. Một ông bố trẻ chăm sóc cho 20 đứa con đã trở thành hình ảnh quen thuộc trong mắt của người dân vùng Đắk Nông.
Nơi đây, anh gặp những mảnh đời bất hạnh, những số phận bơ vơ từ trong nôi, lúc đó anh mới thấm được câu nói của một người bạn thân "có nghèo mới biết thương nghèo, có trôi mới hiểu cánh bèo lênh đênh".
Chính nơi đây, anh có những trải nghiệm tuyệt vời nhất trong vai trò của một người cha mà trước đó anh chưa từng có. Anh bắt đầu tìm được chính mình, tìm được sự say mê và lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ.
Bỏ qua được sự ham mê về tiền bạc và của cải, bỏ qua được những ý muốn nổi loạn quậy phá tưng bừng trước đó để chia sẻ, chăm lo cho các cháu.
Anh tâm sự: “Bây giờ còn nợ ba một sự nghiệp, nợ mẹ một nàng dâu nhưng có lẽ những thứ đó tôi cũng để cho tùy duyên trời. Tôi chỉ biết bây giờ duyên của tôi và đàn con đã chiến thắng được tất cả. Dù còn nhiều khó khăn phía trước nhưng với quyết tâm đem nụ cười cho những mảnh đời bất hạnh tôi sẽ nỗ lực hết mình”.
Anh còn nói: “Nếu một ngày bạn không thấy tôi say sưa vẽ tranh, không thấy tôi cầm máy xăm nữa thì đó cũng là điều hết sức bình thường. Bạn hãy hỏi các con của tôi sẽ biết tôi ở đâu bởi tôi tin trong trái tim chúng có một góc nhỏ có tôi ở đó”.
Sự bao dung và tấm lòng nhân ái của anh khiến tôi chợt nhớ tới một câu nói mà tôi đã từng nghe ở đâu đó: "Nụ cười dọa những phong ba, bàn chân dọa những đường xa gập ghềnh".
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Nguyễn Đức Thuận - Tổ trưởng tổ 2 (phường Nghĩa Phú) nói: “Chàng thanh niên 27 tuổi Ngô Quang Trung đang tự nguyện làm một người cha cưu mang 20 đứa trẻ từ 5 đến 15 tuổi cơ nhỡ, mồ côi tại Gia Nghĩa. Hành động ấy của anh như một nghĩa cử cao đẹp giữa vùng gió núi Tây Nguyên này”.