Trái cây Trung Quốc gắn mác Việt Nam bày bán vô tư

Dọc nhiều tuyến đường ở TPHCMhiện có không ít xe di động hoa quả với giá chỉ bằng phân nửa giá tại chợ, siêu thị. Thực chất, đó là trái cây Trung Quốc nhưng được gắn mác đặc sản Vệt Nam.

Trái cây Trung Quốc gắn mác Việt Nam bày bán vô tư

Dọc nhiều tuyến đường ở TPHCM hiện có không ít xe di động bán nho Ninh Thuận hoặc nho Mỹ, đào Sa Pa, mận Hà Nội, lê Lạng Sơn, dâu Đà Lạt… với giá chỉ bằng phân nửa giá tại chợ, siêu thị. Thực chất, đó là trái cây Trung Quốc (TQ) nhưng được gắn mác đặc sản Vệt Nam.

Vào mùa nên giá rẻ?

Trước Làng SOS (đường Tân Sơn, P.12, Q.Gò Vấp, TP.HCM), chỉ một đoạn dài vài chục mét nhưng đã có đến năm xe nho túc trực. Người bán luôn miệng rao: “Nho Ninh Thuận xổ, giá 50.000đ/ký”.

Khi người mua thắc mắc vì sao giá rẻ như vậy, người đàn ông bán hàng giải thích: “Bình thường bán 70.000đ/ký nhưng bán cả ngày ế quá, xổ rẻ để về với vợ con”.

Khách ghé mua nghe “bùi” tai nên ai cũng ủng hộ 2-3 ký. Quan sát số nho trên xe thấy vẫn còn đọng hơi nước, trái nho còn lạnh, chứng tỏ người này chỉ mới lấy nho về bán.

Tại các điểm bán trên đường Phan Văn Hớn (Q.12), Nguyễn Thị Tú (Q.Bình Tân)… có lẽ do bán cho đối tượng công nhân nên giá nho càng rẻ hơn, chỉ 40.000đ/ký, người bán khẳng định nho Ninh Thuận, do đang vào mùa nên giá rẻ.

Nho bán tại các xe đẩy này trái đỏ, to, ăn có vị ngọt nhưng vỏ mỏng, thịt bở và nhão. Tại một số chợ chiều trên đường Phạm Văn Bạch (Q.Gò Vấp), khu công nghiệp Vĩnh Lộc (H.Bình Chánh)… loại nho này được chất đống trên xe đẩy, kệ gỗ hoặc những tấm bạt nhưng lại được gắn mác nho Mỹ, giá 60.000đ/ký.

Trai cay Trung Quoc gan mac Viet Nam bay ban vo tu - Anh 1

Nho Trung Quốc nhưng gắn mác nho Ninh Thuận chỉ có giá 40.000đ/ký

Mận hậu Mộc Châu, Sơn La đã hết mùa cách đây nửa tháng, ngay cả những cửa hàng chuyên bán đặc sản miền Bắc cũng khan hiếm loại mận này, muốn mua phải đặt trước mới có, giá 80.000-150.000đ/ký. Thế nhưng những ngày gần đây, tại các chợ, xe đẩy… mận hậu bất ngờ xuất hiện trở lại, giá chỉ 30.000-50.000đ/ký (tùy trái to hay nhỏ).

Dọc đường Cộng Hòa (Q.Tân Bình), hàng chục xe mận nối nhau. Ghé mua, chị bán hàng xởi lởi: “Mận cuối mùa, tranh thủ mua đi, 50.000đ/ký, ngày mai không có hàng đâu em”.

Mận hậu tại đây trái rất to, gấp rưỡi mận hậu bình thường, màu đỏ thẫm như nho đỏ chứ không phải màu tím, trái nào sờ cũng mềm, cắn vào mọng nước, thịt mềm, vị ngọt, không chua.

"Mận cuối mùa chín cây nên mềm vậy đó em” - chị bán hàng giải thích. Tại các chợ Phạm Văn Bạch (Q.Gò Vấp), chợ Bà Điểm (H.Hóc Môn) sạp trái cây nào cũng có loại mận này.

Trên Quốc lộ 1A (đoạn gần khu công nghiệp Tân Tạo, Q.Bình Tân), chỉ khoảng 2km nhưng có đến trên 30 điểm treo pa nô “Dâu tây Đà Lạt 6.000”.

Con số “6.000” mập mờ này thật ra là 6.000đ/lạng. Sơn, một người bán tại đây cho biết, hiện dâu đang trái mùa, vơ vét nhà vườn được ký nào thì bán ký đó.

Mỗi điểm chỉ bày 1-2 ký nhưng quan sát thấy cứ bán hết là người bán lại chạy vào nhà đem ra. Khắp nhiều tuyến đường khác như Quang Trung (G.Gò Vấp), Nguyễn Thái Bình (Q.Tân Bình), đại lộ Võ Văn Kiệt, Quốc lộ 1A… còn có thể thấy đào mỏ quạ Sa Pa tràn ngập, giá chỉ 15.000- 20.000đ/ký, người bán nói do đào vào mùa nên giá rẻ.

Một đêm tại chợ đầu mối

Sau nhiều buổi chúng tôi lân la làm quen, tỏ ý muốn mở “sạp” bán tại Quốc lộ 1A, Sơn nhiệt tình cho biết, hàng lấy tại chợ đầu mối là dâu TQ, chỉ 30.000đ/ ký, về bán giá 60.000đ/ký, lời gấp đôi.

Khu vực này đều là khách phương xa đổ về miền Tây du lịch, phải bán giá cao người ta mới tin là dâu Đà Lạt. “Bán dạo nhưng vẫn có luật ngầm. Em phải bán đúng giá theo bọn anh thì mấy “sạp” kia mới để em bán, người mua mới tin” - Sơn nói.

22 giờ ngày 13/7, theo Sơn đến chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, hàng trăm xe công-ten-nơ đang ra vào chợ, người khuân kẻ vác, người đi chợ lấy trái cây tấp nập.

“Chợ này có hai khu, khu phía trong là trái cây trong nước, khu ngoài này là trái cây TQ” - Sơn nói. Theo hướng tay Sơn chỉ, hai bên hông lối vào các sạp là hàng chục công-tennơ đang đấu đuôi vào nhau.

Các sạp chỉ trưng bày vài chục thùng trái cây mẫu, số còn lại vẫn nằm trong xe đông lạnh, có khách lấy các chủ sạp mới xuống hàng.

Trong lúc Sơn đang bận điện thoại, chúng tôi ghé sạp H.S.G., thấy các thùng mận hậu tươi ngon bắt mắt nên hỏi: “Mận hậu này của Việt Nam hay TQ”, người bán nói: “Mận hậu Hà Nội đó, giá 250.000đ/thùng 10 ký”.

Quan sát lớp giấy lót dưới thùng thì thấy đều là chữ TQ. Chưa kịp thắc mắc, Sơn đã kéo tay chúng tôi dặn: “Hỏi vậy người ta biết mình mới vào nghề, sẽ nói xạo, chém đẹp”.

Cùng xem mận với chúng tôi lúc đó có một người đàn ông, xin ăn thử trái mận rồi phán với chủ sạp: “Mận ruột trắng, phải ruột đỏ thì nói mận Hà Nội người ta mới tin, ruột trắng khó nói lắm. Giảm giá mới dám lấy về bán”. Sau một hồi kỳ kèo, mận từ 25.000đ/ký giảm còn 20.000đ/ký.

Dạo một vòng quanh chợ, ngoài những mặt hàng trái cây quen thuộc của TQ, chúng tôi rất bất ngờ vì khu trái cây TQ nhập khẩu lại có mặt mận hậu, vải thiều, đào mỏ quạ - những loại trái cây mà trước đây chúng tôi đinh ninh chỉ Việt Nam mới có. Nhìn chung, mặt hàng nho đỏ chiếm phần lớn. Nho chỉ đựng trong thùng, bên ngoài dán duy nhất tờ giấy in hình chùm nho đỏ.

Ghé sạp B.T., một nam thanh niên thẳng thắn: “Việt Nam có trái gì, TQ có trái đó. Trái cây toàn bộ khu này đều của TQ, giá rẻ hơn của Việt Nam rất nhiều. Nho đỏ giá 220.000đ/ thùng 7 ký.

Đem về muốn bán lời nhiều thì cứ nói nho Mỹ, lời ít hơn thì nói nho Ninh Thuận. Nói ít nhưng cũng là đã lời gấp đôi rồi”. Cùng xem trái cây lúc đó có vài người bán hàng rong.

Họ ít lấy lê, táo mà chọn các mặt hàng như mận hậu, vải, đào mỏ quạ. “Lê, táo báo chí nói nhiều rồi, người ta biết hàng TQ nên cảnh giác. Mận, vải, đào này họ chưa biết nhiều, dễ bán, dễ lời” - một người bán hàng rong tôi biết.

Buông lỏng quản lý

Trước tình trạng thực phẩm nhập khẩu ngày càng tăng, để kiểm soát, ngày 26/2/2016, Bộ Công thương đã ban hành kế hoạch số 1630/KH-BCT về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2016, trong đó yêu cầu Sở Công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, giám sát, đôn đốc lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm đối với các lĩnh vực, mặt hàng trọng điểm tác động lớn đến kinh tế - xã hội, đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và quyền lợi người tiêu dùng.

Ngoài ra, Cục Quản lý thị trường cũng yêu cầu chi cục các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra việc chấp hành những quy định pháp luật của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm nhập khẩu, trong đó có sản phẩm hoa quả; tập trung kiểm tra về nguồn gốc, chất lượng.

Thực tế, chúng tôi đã liên hệ Chi cục Quản lý thị trường TPHCM để tìm hiểu Chi cục có tổ chức kiểm tra những điểm bán trái cây TQ đội lốt Việt Nam không nhưng không nhận được hồi âm.

Trong một cuộc trò chuyện gần đây với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Bách, Phó chi cục Quản lý thị trường TPHCM cho biết, Chi cục có phối hợp với các cơ quan chức năng quận, huyện tổ chức kiểm tra các điểm bán trái cây hàng rong.

Nếu người bán không chứng minh được rõ ràng xuất xứ sản phẩm sẽ bị xử phạt. Nhưng, lực lượng kiểm tra gặp khó khăn vì các đối tượng hàng rong di chuyển liên tục, nay ở đường này, mai ở đường khác, thấy lực lượng chức năng là bỏ chạy. Để dẹp vấn nạn này, người dân cần phối hợp với cơ quan chức năng, không mua trái cây không rõ nguồn gốc.

Theo Nghị định 185/2013/ NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đối với hành vi buôn bán hàng nhập lậu, hàng hóa có nhãn ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc, lực lượng quản lý thị trường có quyền xử phạt hành chính.

Phải chăng do lực lượng quản lý thị trường còn lơ là trách nhiệm buông lỏng quản lý nên tình trạng trái cây TQ gắn mác Việt Nam vẫn tự do tung hoành?

Theo Ban quản lý chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, trong các loại trái Trung Quốc, nho được nhập về nhiều nhất. Anh Hùng, chủ sạp P.H. tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức cho biết, mận hậu Việt Nam quả nhỏ chứ không to, khi chín có màu đỏ tím rất bắt mắt, ăn có vị chua hơi đắng, thanh, ruột đỏ tím.

Mận Trung Quốc trái to đều, khi sống có màu vàng mờ, chín có màu đỏ thẫm chứ không tím, ruột đỏ hoặc trắng, có vị ngọt, không chua, ruột mềm hơn. Khi để tủ lạnh bị nẫu ruột, nhạt, ăn không ngon.

Ông Nguyễn Văn Mọi, chủ nhân thương hiệu nho Ba Mọi nổi tiếng ở Ninh Thuận, cho biết, trước đây Ninh Thuận có trồng loại nho đỏ trái to (giống nho Trung Quốc) nhưng không hiệu quả.

Nho Ninh Thuận có nhiều loại, trong đó hai loại ăn tươi là nho đỏ trái nhỏ và nho xanh được bán phổ biến. Nho Việt Nam khi bỏ vào tủ lạnh ruột vẫn chặt, không bị nhão. Nho đỏ Trung Quốc trái to, vỏ mỏng, để trong tủ lạnh lấy ra ruột bở và nhão.

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai, hầu hết đào đang được tiêu thụ tại TPHCM là đào Trung Quốc. Đào ở Lào Cai chỉ thu hoạch từ tháng Năm đến tháng Sáu đã hết vụ, chủ yếu là đào Pháp, tổng diện tích chỉ 300ha với khoảng 150.000 gốc.

Giống đào truyền thống do cuối năm hay đốn cành, đánh gốc đưa về xuôi chơi tết nên không còn nhiều, chỉ khoảng 360ha rải rác ở các huyện như Sa Pa, Bát Xát, Bắc Hà, Mường Khương. Đào Trung Quốc quả to, bắt mắt hơn nhưng ăn xốp nhạt, giá rẻ; đào Sa Pa quả nhỏ nhưng thơm, giòn, ngọt, giá cao hơn.

Theo Phụ Nữ TPHCM

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Việc dạy trẻ cách cư xử và tương tác với thú cưng là vô cùng cần thiết. (Ảnh: ITN).

Dạy con chơi với thú cưng an toàn

GD&TĐ - Đối với nhiều gia đình, thú cưng cũng là một thành viên quan trọng. Chúng góp phần dạy trẻ nhiều kỹ năng sống, đặc biệt là tinh thần trách nhiệm.