(GD&TĐ) - Bất kỳ một đơn vị, tổ chức hay nhóm người nào cũng phải có nhân vật đứng đầu, nôm na là lãnh đạo, hay “người cầm quyền”. Quyền của cá nhân cầm quyền trong thực tế rất lớn, nhưng với cơ chế của chúng ta, trách nhiệm lại luôn thuộc về tập thể. Từ đấy phát sinh nhiều bất cập mà nếu đúng thì lãnh đạo sáng suốt, sai thì lỗi tại… tập thể.
* Đã đến lúc phải xem lại "trách nhiệm tập thể"
Tại Tờ trình Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị được đưa ra lấy ý kiến gần đây, Bộ Nội vụ đã loại bỏ 1 trong 3 phương án được đề xuất trước đó cho cho mô hình chính quyền đô thị là lập Toà thị chính và thị trưởng do dân bầu. Lý do theo Bộ Nội vụ, là chưa có tiền lệ trong lịch sử tổ chức chính quyền nhân dân ở nước ta, vốn đã quen với mô hình chế độ lãnh đạo tập thể của UBND, hoàn toàn khác biệt với chế độ lãnh đạo và chịu trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu trong hoạt động quản lý điều hành. Ở đây, chúng tôi chỉ muốn mượn sự kiện này để bàn về vấn đề “trách nhiệm tập thể” của chúng ta hiện nay, không phải ở lĩnh vực chính trị mà ngay trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước.
Tại mỗi kỳ họp Quốc hội, hầu như luôn có các phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ. Người dân kỳ vọng vào các phiên chất vấn này, nhưng cũng nhiều “ngao ngán” trước không ít trả lời; bởi lẽ chế độ trách nhiệm cá nhân không rõ ràng, chưa có quy định về trách nhiệm giải trình những quyết định gây thiệt hại cho đất nước hay đại biểu Quốc hội, thậm chí là nhân dân chất vấn. Điều này đã là một trong những nguyên nhân dẫn đến không ai chịu trách nhiệm cá nhân về chất lượng chính sách. Không ít văn bản đã được ban hành mà không được điều tra, nghiên cứu thực tiễn, không được thảo luận với đối tượng phải thực hiện, thiếu tính công khai minh bạch, thiếu khả năng dự báo và thiếu tính khả thi. Không ít những quy định đã phải bãi bỏ, thay đổi ngay sau khi ban hành. Bức xúc dư luận là rất lớn, nhưng ai chịu trách nhiệm, “chịu” như thế nào, thì lại không thấy đâu.
Từ Vinashin đến Vinalines, những sai phạm gây thất thoát lên đến hàng trăm ngàn tỷ đồng, thiệt hại không chỉ về kinh tế mà cả uy tín quốc gia, nhưng vẫn không làm rõ được trách nhiệm cá nhân và không kỷ luật được cá nhân nào. Gần đây nhất, đầu tháng 3/2013 thông tin gian hàng Việt Nam tại Hội chợ du lịch quốc tế (ITB) tại Berlin (Đức) đặt ảnh giới thiệu địa danh nổi tiếng của Trung Quốc là “Lạc Sơn Đại Phật” khiến dư luận phẫn nộ. Khi báo chí phát hiện ra, người đứng đầu Tổng cục Du lịch chỉ biết nhận “trách nhiệm hoàn toàn thuộc về Tổng cục Du lịch Việt Nam”. Nghiêm trọng không kém là việc người Trung Quốc thuê đất trồng lúa sâu trong nội địa, núp bóng doanh nghiệp trong nước kinh doanh nuôi trồng hải sản ngay cạnh quân cảng Cam Ranh (Khánh Hoà)... Chỉ khi báo chí phát hiện thì các cơ quan quản lý hay chính quyền địa phương mới biết, mới “chúng tôi nhận trách nhiệm”. Rồi những sai phạm trong đầu tư công, thất thoát ngân sách nhà nước, chi phí quá cao mà chất lượng quá thấp (đặc biệt khá phổ biến trong đầu tư cơ sở hạ tầng hiện nay ở nước ta)...., đều rất ít trường hợp cá nhân phải chịu trách nhiệm, dù thực tế để đi đến một quyết định, ý chí của tập thể cũng chỉ là kênh tham khảo mà thôi...
Nếu tình trạng này không được chấn chỉnh, chế độ trách nhiệm cá nhân không được xác lập, kỷ luật không nghiêm minh thì không biết hiệu lực quản lý nhà nước sẽ đi đến đâu và nước ta có thể đối mặt với những cơ hội và thách thức sắp tới như thế nào? Quả thật, không ai dám nói trước được điều gì, nếu không có sự thiết kế lại chế độ trách nhiệm cá nhân, thể chế hoá sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng cơ chế kiểm soát lợi ích nhóm bất chính, tư duy nhiệm kỳ lợi dụng đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước để trục lợi mà bỏ rơi lợi ích chung, để rồi lại “trách nhiệm là do tập thể”.
Nhất Nguyên