(GD&TĐ) - Vừa rồi, tôi có dịp đến nhiều trường mầm non ở một số huyện trên địa bàn Nghệ An, điều bức xúc nhất là lương giáo viên, nhân viên làm việc theo chế độ hợp đồng lao động được trả quá thấp.
Ở Trường Mầm non Diễn Kỷ (huyện Diễn Châu), 7 cô nuôi làm việc theo hợp đồng lao động đều là những người có nghiệp vụ chuyên môn nấu ăn, có người có trình độ cao đẳng, song tiền lương mỗi tháng chỉ được trả 1.300.000 đồng/người đến 1.500.000 đồng/người. Bà Nguyễn Thị Hương, Phó Trưởng phòng Phòng GD&ĐT Diễn Châu cho biết, toàn huyện hiện có khoảng 200 cô nuôi, tất cả đều làm việc theo hợp đồng mùa vụ, không được đóng các loại bảo hiểm bắt buộc, mức lương thấp nhất là 1.050.000 đồng/tháng, cao nhất là 1.500.000 đồng/tháng, phần lớn là 1.200.000 đồng/tháng đến 1.300.000 đồng/tháng.
Ảnh minh họa/internet |
Bà Nguyễn Thị Bé, Hiệu trưởng Trường Mầm non thị trấn Anh Sơn cho biết: Toàn trường có 4 cô nuôi (2 cô có trình độ trung cấp nấu ăn và hai cô có trình độ sơ cấp nấu ăn) đang làm việc theo chế độ hợp đồng lao động; nhà trường trả lương cho các cô mỗi tháng từ 1.050.000 đồng đến 1.700.000 đồng. Còn theo bà Dương Thị Hải, Hiệu trưởng Trường Mầm non Cao Sơn (Anh Sơn), trường của bà có 2 cô nuôi và 2 giáo viên đang làm việc theo chế độ hợp đồng lao động, tất cả đều có trình độ nghiệp vụ, trong đó cô giáo Trần Thị Lài, có trình độ cao đẳng sư phạm mầm non, hợp đồng từ năm 2010 và cô giáo Đào Thị Thuý Vân, có trình độ trung cấp sư phạm mầm non, hợp đồng từ năm 2011, mỗi cô được trả 830.000 đồng/tháng.
Không vào biên chế thì làm việc theo chế độ hợp đồng lao động, điều ấy không sao cả, miễn là hợp đồng lao động đúng quy định của Nhà nước. Nhưng điều lạ là không hiểu sao, các nhà quản lý ký hợp đồng lao động với giáo viên, nhân viên không đúng luật, trả cho họ một mức lương quá thấp như đã nêu ở trên.
Nghị định số 103/2012/NĐ-CP ngày 04/12/2012 của Chính phủ có hiệu lực thi hành từ ngày 20/01/2013 quy định rất rõ về mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động. Theo Điều 3 của Nghị định này, các địa phương (trừ thành phố Vinh) của Nghệ An thuộc vùng 4, có mức lương tối thiểu là 1.650.000 đồng/tháng. Khoản 1, Điều 4 của Nghị định nói rõ: Mức lương tối thiểu vùng là cơ sở để người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận tiền lương, bảo đảm lương trả cho người lao động chưa qua đào tạo làm công việc đơn giản nhất trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm ngày công lao động theo quy định và hoàn thành nhiệm vụ được giao, không được thấp hơn mức lương tối thiểu; mức lương thấp nhất trả cho người lao động đã qua học nghề (kể cả lao động do người sử dụng lao động tự dạy nghề) phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng.
Những trường hợp nêu trên chỉ là một số ví dụ cụ thể, còn thực tế hiện nay, việc ký hợp đồng lao động không đúng theo quy định của Bộ Luật Lao động đang tồn tại không ít trong các nhà trường ở Nghệ An, nhất là các trường mầm non; vì thế, nhiều lao động hợp đồng đang phải chịu thiệt thòi do thực trạng này.
Việc ký hợp đồng lao động không đúng luật, việc người sử dụng lao động không trả lương cho người lao động theo đúng quy định của Chính phủ, ai là người chịu trách nhiệm xử lý? Nếu cứ để tình trạng này kéo dài mà không được chấn chỉnh, người lao động sẽ còn phải chịu nhiều thiệt thòi, nếu không nói là còn bị bóc lột dài dài.
Thiết nghĩ, các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng có thẩm quyền ở Nghệ An cần rà soát lại để có biện pháp chỉ đạo, có chế tài bắt buộc người sử dụng lao động phải ký và thực hiện hợp đồng lao động đúng luật; có như vậy thì quyền lợi của người lao động trên địa bàn Nghệ An mới không bị xâm hại.
Minh Đức