Tại phiên tòa, Nguyễn Thị Tố Vững khai, dù không có giấy phép hoạt động nhưng vẫn nhận giữ trẻ tại nhà riêng; trong đó, có cháu Lương Công C. (SN 2015), con của anh Lương Công T. (SN 1984) và chị Ngô Thị Y. (SN 1985), cùng trú tại quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng .
Theo lời khai của bị cáo, ngày 18/7/2016, Vững nhận giữ cháu C. như thường ngày. Đến 11h30 cùng ngày, sau khi cháu C. ăn xong, Vững cho cháu nằm nôi. Thấy C. nhắm mắt, bị cáo nghĩ cháu đã ngủ nên đi rửa chén. Khoảng 15 phút sau, bị cáo nghe tiếng “bịch” liền chạy vào thì C. đã nằm giữa nhà, bất tỉnh, mắt trợn ngược.
Sau đó, Vững gọi điện thông báo sự việc cho phụ huynh là chị Y. Cháu C. lập tức được người nhà cùng Vững đưa đi cấp cứu. Cháu được cứu sống nhưng bị thương tật 74%.
Bị cáo Nguyễn Thị Tố Vững tại phiên tòa.
Tại phiên tòa, Vững khai thêm, khi xảy ra sự việc, ở hiện trường còn có con của bị cáo. Thế nhưng, trong tất cả hồ sơ vụ án đều không nhắc đến chi tiết này. Trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng không lấy lời khai của con bị cáo.
Anh T. không đồng tình với lời khai của Vững. Anh cho rằng, vụ án này còn có nhiều tình tiết chưa được làm rõ. Anh không tin con trai bị ngã từ nôi xuống đất mà thương tích nặng như thế. Anh T. nghi ngờ có lực khác tác động vào đầu khiến con trai bị chấn thương sọ não. Ngoài ra, anh T. yêu cầu giám định lại thương tích của cháu C.
Trong khi đó, chị Y. cho biết, trước đây, cháu C. rất lanh lợi, khỏe mạnh. Thế nhưng, sau khi xảy ra sự việc, cháu phải sống thực vật . Thương con, anh chị đưa cháu chữa trị nhiều nơi nên phải bỏ việc, gia đình càng khó khăn hơn. Đến nay, cháu đã được phẫu thuật hai lần nhưng tình trạng bệnh vẫn không có chút gì khả quan.
Sau khi hội ý, HĐXX nhận định, trong vụ án này còn có nhiều tình tiết chưa được làm rõ nên quyết định trả hồ sơ, điều tra bổ sung vụ án. Tòa yêu cầu cơ quan điều tra giám định lại thương tật cho bị hại; lấy lời khai của con bị cáo và thực nghiệm điều tra tại hiện trường xem nạn nhân có phải ngã từ trên nôi xuống đất hay không.