TPHCM: Mở rộng phân cấp tuyển dụng giáo viên cho cơ sở

GD&TĐ - Với nhiều quy định mới có tính đột phá, ngành GD&ĐT TPHCM đã và đang thu hút khá đông ứng viên nộp hồ sơ xét tuyển trước thềm năm học mới 2019 - 2020. Báo GD&TĐ đã phỏng vấn ông Nguyễn Huỳnh Long - Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ - Sở GD&ĐT TPHCM xung quanh vấn đề này.

Ông Nguyễn Huỳnh Long
Ông Nguyễn Huỳnh Long

* Việc tuyển dụng GV năm nay ở TPHCM liệu có xảy ra tình trạng thừa - thiếu cục bộ như những năm trước không, thưa ông?

+ Chuẩn bị năm học mới 2019 - 2020, các quận, huyện đang lên kế hoạch tuyển viên chức ngành GD&ĐT TPHCM cho các cấp học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở (MN, TH, THCS) theo phân cấp (có 6 quận, huyện đã có kế hoạch tuyển dụng). Riêng khối THPT, Sở GD&ĐT TPHCM thực hiện tuyển dụng qua hình thức xét tuyển.

Đến ngày 6/7/2019 số ứng viên đăng ký xét tuyển trên trang Web của ngành GD TP là 1.700 người, trên con số dự kiến tuyển là gần 500 viên chức. Theo kế hoạch, ngành GD TP đang thực hiện vòng 1 kiểm tra điều kiện, tiêu chuẩn tại phiếu đăng ký dự tuyển của ứng viên. Các ứng viên nếu đủ điều kiện, tiêu chuẩn, phù hợp vị trí việc làm sẽ tham dự xét tuyển vòng 2. Ở khối THPT sẽ không xảy ra tình trạng thiếu GV. Năm nay nếu các đơn vị GD trực thuộc quận, huyện sớm xây dựng kế hoạch tuyển dụng, sẽ chủ động hơn trong công tác tuyển dụng, đảm bảo tuyển đủ GV cho năm học mới.

* So với năm ngoái, quy định về tuyển dụng viên chức của ngành GD&ĐT TPHCM (cụ thể là tuyển dụng GV) có gì mới?

+ Thực hiện Nghị định 161 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, năm nay việc tuyển dụng có một số điểm mới như: Không phân biệt loại hình đào tạo, văn bằng chứng chỉ trường công lập, ngoài công lập; Tuyển dụng qua thi tuyển và xét tuyển; Một số trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng viên chức…; Đối tượng và điểm ưu tiên trong tuyển dụng viên chức.

Việc quy định chuẩn về bằng cấp chuyên môn giúp thuận lợi hơn trong việc xét tuyển GV năm học này theo quy định của Luật Giáo dục mới có hiệu lực thi hành từ 1/7/2019. Đặc biệt ở vòng 1 kiểm tra về điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định, ngay từ đầu, cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng có thể xác định được ứng viên có đủ chuẩn để vào tiếp vòng 2 hay không.

Ngành GD&ĐT TPHCM thực hiện tuyển dụng với hình thức xét tuyển qua 2 vòng. Sau khi đủ điều kiện ở vòng 1, ứng viên dự tuyển tham dự tiếp vòng 2 phần thực hành. Với phần thực hành kiểm tra năng lực về chuyên môn nghiệp vụ, sẽ giúp các giám khảo đánh giá đúng thực chất năng lực của người dạy, khả năng sư phạm và cách xử lý tình huống sư phạm được đặt ra trong quá trình thực hành của các ứng viên.

* Việc bỏ rào cản hộ khẩu thường trú TPHCM đối với các ứng viên dự tuyển làm GV tại thành phố mang lại lợi ích gì rõ nét nhất?

+ Với việc bỏ quy định ứng viên dự tuyển làm GV tại TP HCM phải có hộ khẩu thường trú ở thành phố đã giúp nâng cao tính cạnh tranh trong xét tuyển, nguồn tuyển được mở rộng, có thể tuyển được nhiều người giỏi, đây là lợi ích rõ nét nhất.

Các GV có nguồn gốc xuất thân ngoài TP HCM được tuyển dụng vào công tác tại ngành GD TP phải bảo đảm đạt chuẩn và các điều kiện theo quy định, được kiểm tra năng lực chuyên môn nghiệp vụ, vì thế không phải lo ngại về chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ GV ngoại tỉnh với GV gốc.

* Hiện nay rất ít trường học của TPHCM được giao quyền tự chủ hoàn toàn trong công tác tuyển dụng GV. Có ách tắc nào trong công việc này không?

+ Ngày 12/4/2019, Sở GD&ĐT TPHCM tổ chức Hội nghị Sơ kết công tác phân cấp tuyển dụng năm học 2018 - 2019 và phổ biến một số điểm sửa đổi, bổ sung của Nghị định 161 của Chính phủ. Tại buổi sơ kết, các đơn vị dự kiến được phân cấp tuyển dụng trong năm 2019, có đề xuất được nghiên cứu tìm hiểu và rút kinh nghiệm từ việc áp dụng Nghị định 161 của Chính phủ tại các đơn vị đã được phân cấp tuyển dụng, trước khi trao quyền tự tuyển dụng GV vào năm 2020.

Lãnh đạo Sở tiếp tục thực hiện phân cấp tuyển dụng đối với 23 đơn vị được phân cấp tuyển dụng theo Quyết định số 790/QĐ-GDĐT-TC ngày 8/5/2018 của Sở GD&ĐT TPHCM, đồng thời chỉ đạo các đơn vị này nghiên cứu áp dụng Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ, để thực hiện tuyển dụng viên chức GD của đơn vị từ năm học 2019 - 2020, sau đó sẽ sơ kết rút kinh nghiệm.

Chủ trương của lãnh đạo ngành GD&ĐT TPHCM là tiếp tục mở rộng phân cấp tuyển dụng cho các đơn vị, trên cơ sở gắn với vị trí việc làm, chỉ tiêu biên chế được giao; các đơn vị phải đủ điều kiện và khả năng. Việc phân cấp tuyển dụng được thực hiện một cách thận trọng, có bước đi cụ thể, đồng thời xác định, bên cạnh giao quyền tự chủ là cơ chế kiểm tra, giám sát, xử lý theo quy định. Theo tôi nếu đảm bảo tốt các yêu cầu trên, có thể giao quyền tự chủ hoàn toàn cho tất cả các đơn vị trên địa bàn TPHCM và trên thực tế ngành GD chúng tôi đã và đang làm, bước đầu cho thấy kết quả tích cực.

* Gần 1 năm nay, TPHCM có chính sách riêng là lấy từ nguồn ngân sách TP để chi thu nhập tăng thêm hàng năm cho cán bộ - công chức - viên chức, việc này được triển khai như thế nào?

+ Việc chi thu nhập tăng thêm hàng quý thực hiện theo Nghị quyết 03 của Quốc hội và Quyết định 4631 của UBND TPHCM. Ngành GD TP căn cứ chỉ đạo này đã xây dựng kế hoạch và hướng dẫn các đơn vị thực hiện (theo phân cấp). Trong đó xác định thu nhập tăng thêm: phải căn cứ trên cơ sở đánh giá theo hiệu quả công việc được giao. Như vậy, các cơ sở đơn vị GD phải xây dựng các tiêu chí cụ thể và từng cá nhân phải có kế hoạch hoạt động, căn cứ hiệu quả của công việc được giao, để đánh giá phân loại trung thực, công bằng, khách quan CBQL GD, GV.

Thời gian qua với thu nhập tăng thêm hàng quý, đã tạo được sự phấn khởi trong đội ngũ CBQL GD, GV, NV, góp phần nâng cao hiệu quả chất lượng GD tại các trường học. Hiện nay, chúng tôi chưa thống kê được bình quân khoản thu nhập tăng thêm đối với GV mới ra trường, GV có thâm niên công tác, GV sắp nghỉ hưu cụ thể thế nào…

* Lâu nay, nhu cầu về chỗ ở đối với các GV mới ra trường được tuyển dụng làm GV ở địa bàn TPHCM rất căng thẳng. Làm sao thoát khỏi nỗi lo này, thưa ông?

+ Từ năm 2015, Sở GD&ĐT TPHCM phối hợp cùng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) triển khai Chương trình nhà ở cho CBQL GD, GV trong ngành được tiếp cận cơ hội sở hữu nhà, ổn định đời sống, an tâm công tác. GV được ngân hàng cho vay ưu đãi trong 20 năm để mua các dự án nhà ở.

Đối tượng chủ yếu có nhu cầu cấp bách về nhà ở chính là GV ngoại tỉnh (không có hộ khẩu thường trú tại TPHCM). Đa số họ là GV trẻ và một số GV có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Với chương trình này, ngân hàng và các nhà đầu tư bất động sản sẽ cho GV, NV ngành GD TP vay 20 - 30% giá trị căn nhà với lãi suất thấp. Gói tín dụng hỗ trợ tài chính của chương trình này cho phép GV vay 15 năm với lãi suất không quá 6%, được ân hạn thêm 5 năm; miễn phí khi trả nợ trước thời hạn. Ngoài ra, GV còn được vay từ nguồn quỹ xã hội để mua nhà, mức vay có thể lên đến 900 triệu đồng/ người, điều kiện người vay chưa từng đứng sở hữu bất kỳ nhà nào (Quyết định số 19 ngày 17/6/2019 của UBND TPHCM).

* Trân trọng cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ