TPHCM mạnh tay loại xe máy từ 1/4

TPHCM mạnh tay loại xe máy từ 1/4

Xe có tuổi thọ 5 năm phải kiểm tra khí thải

Ngày 18/3, Sở GTVT cùng Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) và Viện Khoa học - Công nghệ GTVT đã ký biên bản thỏa thuận hợp tác.

Nội dung là thực hiện chương trình “Nghiên cứu thí điểm kiểm tra khí thải xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành, hướng tới thí điểm kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành trên địa bàn thành phố, góp phần cải thiện chất lượng môi trường không khí”.

Theo biên bản thỏa thuận, các bên sẽ hợp tác đánh giá hiện trạng phát thải xe máy đang lưu hành trên địa bàn TPHCM. Khảo sát, đánh giá tác động kinh tế - xã hội của việc kiểm soát khí thải xe máy tới người dân, cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức có liên quan.

Sau đó, sẽ xây dựng và đề xuất các giải pháp, chính sách để thí điểm kiểm soát khí thải xe máy tham gia giao thông trên địa bàn TPHCM. Thời gian thực hiện bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 12. Đối tượng kiểm tra là xe máy sử dụng từ 5 năm trở lên (không phụ thuộc vào hãng sản xuất).

GS.TS Lê Huy Bá, Viện Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường cho rằng, việc kiểm soát khí thải xe máy đáng ra cần phải làm sớm hơn. Ở TPHCM hiện nay, tiếng ồn, ùn tắc, ô nhiễm do xe máy gây ra rất lớn. Có một đặc điểm là số lượng xe máy cũ ở TPHCM nhiều hơn Hà Nội.

Ở đây, người dân dùng xe đến khi nào xe hỏng mới bỏ. Trong khi ở Hà Nội thì người dân có tâm lý thích xe đẹp, xe mẫu mới, nên sẵn sàng đầu tư xe mới khi có điều kiện. Đó là lý do khiến tình trạng khí thải từ những chiếc “xe mù, xe điếc” trở nên trầm trọng, gây ra áp lực lớn với giao thông.

“Có những chiếc xe với ống pô nhả khói đen xì, không đèn, không còi, chạy ngược xuôi chở rau quả, đem theo gánh hàng bán buôn khắp phố phường. Tuổi thọ của những chiếc xe đó chắc phải vài chục năm, và chẳng bao giờ được kiểm tra xem khí thải của chúng có an toàn cho môi trường hay không.

Đã đến lúc phải dẹp bỏ ngay các loại xe quá cũ nát này để giao thông đi vào nề nếp, bảo vệ môi trường không khí đang ô nhiễm nghiêm trọng”, GS.TSKH Lê Huy Bá cho hay.

Việc kiểm tra, kiểm soát khí thải và tịch thu xe cũ cần phải được làm nghiêm, đồng thời tuyên truyền để người dân hiểu. Để chính sách có tính khả thi thì song song với kiểm tra, tịch thu xe, Hiệp hội Sản xuất Xe máy cần có chính sách hỗ trợ người dân khi đổi xe cũ sang xe mới.

Ví dụ như cho vay với lãi suất ưu đãi, hoặc không lãi suất. Giảm trừ gia cảnh cho những người có điều kiện kinh tế thấp. Hỗ trợ đổi xe cũ lấy xe mới theo hình thức trả góp dần dần… làm sao không ảnh hưởng đến sinh kế của người dân mà vẫn đạt mục đích bảo vệ môi trường, loại những chiếc xe mù, xe điếc ra khỏi đời sống.

Sẽ có hàng triệu xe phải vứt bỏ

Theo GS.TS Lê Huy Bá, hiện nay chưa có quy định về áp dụng tiêu chuẩn khí thải và kiểm soát khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông. Vẫn đang chờ Bộ GTVT chỉnh sửa, bổ sung Luật Giao thông đường bộ. Vì vậy, TPHCM cũng như các địa phương khác chưa thể tiến hành kiểm định và ra chế tài đối với xe máy cũ.

Kế hoạch trên được coi là bước chuẩn bị sẵn sàng và mang tính tuyên truyền, từng bước để người dân hiểu, đồng thuận với việc cần thiết phải kiểm soát khí thải xe máy. Nếu thực hiện kiểm soát khí thải xe máy nghiêm ngặt, đầy đủ thì sẽ có khoảng 20% xe máy cũ phải vứt bỏ. Hiện TPHCM đang có khoảng trên 9 triệu xe máy, số xe cũ phải vứt bỏ, chắc chắn sẽ lên đến hàng triệu.

“Xe cũ ngoài nguy cơ về khí thải, tiếng ồn, còn gây nguy hiểm cho người sử dụng. Thói quen đi xe đến khi nào không đi được nữa mới bỏ cần phải thay đổi ngay lúc này. Không thể vì thương người lao động nghèo, vì hoàn cảnh khó khăn, mà chấp nhận để những chiếc xe mù, điếc… tràn lan trên đường phố”, GS.TS Lê Huy Bá cho hay.

Mới đây, theo kết quả nghiên cứu của Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học Quốc gia TPHCM), khí thải từ xe máy đang là nguồn gây ô nhiễm không khí lớn nhất cho TPHCM. Cụ thể, xe máy “đóng góp” 90% lượng CO, 65,4% NMVOC, 37,7% bụi và 29% NOx.

Kết quả nghiên cứu trên cho thấy, hoạt động giao thông chiếm phát thải cao nhất tại TPHCM, cụ thể hoạt động giao thông chiếm 99% trong tổng phát thải CO của toàn TPHCM, 97% NMVOC (các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi không chứa metan), 93% NOx (khí thải hình thành từ quá trình đốt khí nitơ), 78% SO2 (lưu huỳnh điôxit), 46% bụi và 64% CH4 (metan). Xe gắn máy là phương tiện phát sinh khí thải gây ô nhiễm không khí nhiều nhất.

TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam cho rằng, Nhà nước đã có nhiều chính sách, làm rất nhiều việc ngăn chặn ô nhiễm không khí. Nhưng thực tế là hệ thống văn bản pháp quy chưa sát sao, hiệu quả thực thi còn chưa tốt và quyết tâm chính trị chưa cao.

Ví dụ như Đề án “Kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các tỉnh, thành phố” đã có từ năm 2010 nhưng đến nay chưa triển khai hoàn tất. Hay như việc TPHCM trước đây có 9 trạm quan trắc chất lượng không khí nhưng đã hỏng từ 8 - 9 năm nay. TP cũng không đầu tư sửa hay thay mới nên đến nay TPHCM không có trạm nào hoạt động.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Khơi nước gần dập lửa xa

GD&TĐ - Iran đã bước vào giai đoạn xung khắc mang bản chất mới với Mỹ và Israel nên càng cần yên bình ở phía biên giới chung với Pakistan.
Minh họa/INT

Khai mở động lực tăng trưởng mới

GD&TĐ - Về tổng thể, kết thúc quý I/2024, kinh tế Việt Nam được đánh giá là có nhiều điểm sáng nhưng thực tế, các doanh nghiệp vẫn đang gặp khá nhiều khó khăn.