TPHCM loay hoay bảo tồn biệt thự cổ: Giá trị càng cao bán càng… rẻ

TPHCM loay hoay bảo tồn biệt thự cổ: Giá trị càng cao bán càng… rẻ

Hàng trăm căn biệt thự cũ đã biến mất

Gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử từ các biệt thự cổ không chỉ giữ lại nét riêng, đặc thù cho TPHCM, mà còn là điểm nhấn văn hóa thu hút du khách quốc tế. Điều đáng quan ngại hiện nay là số lượng các biệt thự cổ tại TPHCM theo thời gian đang dần bị “teo tóp” do chủ sở hữu phá dỡ để phát triển kinh tế.

Tại buổi giám sát của HĐND TPHCM về công tác bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị vào cuối năm 2019, ông Nguyễn Thanh Nhã - Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM cho biết, 560/1.400 biệt thự cũ tại TPHCM đã biến mất, không còn giữ nguyên hiện trạng mà bị xây dựng thành nhà phố.

Nguyên nhân của sự “teo tóp” trên phần nhiều do số biệt thự cũ không thuộc dạng biệt thự cổ, chủ nhà phá dỡ để làm kinh tế. Một phần khác do công tác phân loại biệt thự của TPHCM chậm và gặp nhiều khó khăn.

Kiến trúc sư Khương Văn Mười - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhìn nhận: “Những biệt thự cổ tại TPHCM đang đứng trước nguy cơ bị xâm lấn rất cao. Bởi phần lớn các biệt thự cổ đều nằm ở những vị trí đắc địa, giá trị kinh tế lớn. Do đó, việc phân loại và xếp loại biệt thự của TP gặp nhiều khó khăn do vấp phải sự bất hợp tác từ chủ nhà.

Theo quy định, nếu biệt thự cũ được xếp loại vào nhóm 1, bắt buộc bảo tồn thì giá trị bán ra sẽ rất thấp. Nhưng xếp vào nhóm 3 - chủ nhà có quyền quyết định số phận kiến trúc trên đất - thì giá trị nâng lên rất nhiều. Đây chính là khúc mắc lớn nhất mà TP cần phải tháo gỡ khi bảo tồn biệt thự cổ. Với biệt thự nhóm 1, TP yêu cầu giữ nguyên hiện trạng không có nghĩa là để yên như vậy mà cần tính đến bài toán khai thác kinh tế. Nếu chủ biệt thự có nhu cầu khai thác kinh tế thì TP phải có chính sách cụ thể để gia chủ sống được trên chính tài sản của mình thì mới bền vững” – KTS Mười chia sẻ.

Về giá trị biệt thự cổ, Tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu nhìn nhận, hệ thống biệt thự cổ mà TP đang có thật sự rất đáng quý. Bởi cứ hai du khách nước ngoài đặt chân đến Việt Nam thì một người đến TPHCM và tìm kiếm những công trình lịch sử, cổ xưa để tham quan. Vì vậy, việc bảo tồn một cách nghiêm túc các biệt thự cổ cần phải được quan tâm nhiều hơn nữa bằng chính sách.

Tìm giải pháp để bảo tồn

Theo báo cáo mới nhất của Sở Xây dựng TPHCM, toàn TP hiện có 151 biệt thự cũ, trong đó có 52 biệt thự thuộc nhóm 1, 75 biệt thự thuộc nhóm 2 và 24 biệt thự thuộc nhóm 3 (chủ yếu tập trung trên địa bàn các quận 1 và 3).

Theo đó, nhóm 1 có tất cả 52 biệt thự (quận 1 có 10 biệt thự; quận 3 có 41 biệt thự và 1 biệt thự ở quận Thủ Đức). Các biệt thự này phải giữ nguyên hình dáng kiến trúc bên ngoài, cấu trúc bên trong, mật độ xây dựng, số tầng và chiều cao… để TPHCM thực hiện công tác bảo tồn.

Riêng nhóm 2 có tất cả 75 biệt thự cũ (quận 1 có 30 biệt thự; quận 3 có 39 biệt thự; quận 5 có 4 biệt thự; quận Phú Nhuận và quận Thủ Đức mỗi quận có 1 biệt thự). Những biệt thự này cũng phải giữ nguyên kiến trúc bên ngoài.

Theo phân loại về nguyên tắc bảo tồn, các biệt thự thuộc 2 nhóm này UBND TPHCM yêu cầu chủ các biệt thự cũ không được làm thay đổi nguyên trạng ban đầu, không phá dỡ biệt thự cũ nếu chưa hư hỏng nặng, có nguy cơ sụp đổ theo kết luận kiểm định của Sở Xây dựng TPHCM.

Trường hợp phải phá dỡ để xây dựng lại thì phải theo kiến trúc ban đầu, sử dụng đúng loại vật liệu, mật độ xây dựng, số tầng và chiều cao của biệt thự cũ. Đồng thời, không được tạo thêm kết cấu để làm tăng diện tích hoặc cơi nới, chiếm dụng không gian bên ngoài biệt thự.

Với biệt thự thuộc nhóm 3 (có 24 biệt thự cũ), UBND TPHCM yêu cầu chủ sở hữu các biệt thự này phải thực hiện theo quy định về quy hoạch, kiến trúc và pháp luật về xây dựng. Các cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu biệt thự cũ thuộc 3 nhóm nói trên phải tuân thủ nguyên tắc về quản lý, sử dụng và bảo trì, cải tạo biệt thự cũ theo quy định. Trường hợp biệt thự cũ có giá trị nghệ thuật, lịch sử, văn hóa thì phải tuân thủ theo quy định pháp luật về quản lý di sản văn hóa.

Quy định của UBND TPHCM là vậy, nhưng theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, để bảo tồn cần phải tính toán làm sao tăng giá trị kinh tế cho bất động sản loại này. Giá trị kinh tế đầu tiên mà các biệt thự cổ có thể khai thác được là thúc đẩy du lịch. Cụ thể, các biệt thự này có thể tham gia vào quá trình phát triển du lịch, khai thác kinh tế bằng cách trở thành điểm tham quan, nhà hàng, khách sạn...

“Muốn bảo tồn và phát huy di sản cần tích hợp và giúp ích cho chủ nhân của chúng bảo đảm các giá trị vật chất và tinh thần. Chúng ta không thể thực hiện chính sách mà bỏ quên việc quan tâm đến lợi ích của người dân. Đặc biệt là giá trị kinh tế khu đất, căn biệt thự có thể sinh ra cho chủ nhân của nó.

Người ta thường nhắc đến kinh tế tuần hoàn để gia tăng giá trị kinh tế. Vì vậy, chúng ta hãy mạnh dạn nghĩ đến việc tái sử dụng công năng của ngôi nhà theo cách mới trước khi nghĩ đến việc xây mới một công trình. Khi TP định hướng phát triển bền vững thì tái sử dụng di sản kiến trúc cũng là một điểm quan trọng. Quan trọng hơn nó cân đối được mâu thuẫn nội tại giữa nhà quản lý và người dân” – TS Hậu phân tích.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Giải pháp căn cơ

GD&TĐ - Giải pháp căn cơ vẫn là ưu tiên quỹ đất cho trường học, xây thêm trường...