Đây là hoạt động nhằm mục đích giúp các em học sinh thuộc nhiều hơn, biết nhiều hơn, say mê hơn và thẩm thẩu với những ca từ hay, ý nghĩa của các bài hát thiếu nhi trong chương trình của bậc tiểu học.
Được biết, ngoài việc thực hiện tốt chỉ đạo của Sở GD&ĐT TPHCM về đưa âm nhạc dân tộc vào trường học từ nhiều năm nay, đây là năm đầu tiên quận thực hiện mô hình lồng ghép âm nhạc dân tộc cùng với các bài hát trong chương trình tiểu học tại hai trường: Tiểu học Hiệp Tân và Tiểu học Phan Chu Trinh.
Có mặt tại sân trường Tiểu học Phan Chu Trinh, ngoài những tiết mục đặc sắc với các bài hát như Chú voi con ở Bản đôn, Inh lả ơi, Hoa chăm Pa, Bắc kim thang, Mời bạn vui múa ca... được tuyển chọn từ các khối lớp, các em học sinh còn được hát những bài hát tập thể với các điệu múa vui nhộn và được ôn lại kiến thức bằng những câu hỏi đố vui liên hoan đến các bài hát như: tên bài hát mà các bạn đã biểu diễn là gì, học ở chương trình lớp mấy, bài hát ở vùng miền nào?
Bên cạnh đó, các em còn được trải nghiệm, được thử chơi tham gia các gian hàng âm nhạc dân tộc với đàn tranh, đàn bầu, đàn T’rưng… gian hàng nhạc cụ hiện đại. Khánh Nguyên, học sinh lớp 5/1 cho biết, “con rất thích các bài hát thiếu nhi và con thuộc khá nhiều bài, tham gia biểu diễn con thuộc được nhiều bài hát hơn, con hiểu được các ca từ hay và ý nghĩa từng bài hát, con biết được bài hát của vùng miền nào nên con cảm thấy rất bổ ích”.
Minh Hùng, HS lớp 2 - hồn nhiên nói: “Con rất thích ngày hội hôm nay, chúng con được nghe nhiều bài hát hay, các bạn múa rất đẹp. Con được chơi thử đàn T’rưng với chơi trống nữa, rất thú vị!”.
Chứng kiến các em học sinh hòa mình vào ngày hội âm nhạc, chị Mai Trang, một phụ huynh của trường cho hay: “Thấy các con hát các bài hát thiếu nhi, hát say sưa và rất hay phụ huynh ai cũng vui. Âm nhạc sẽ giúp các con thoải mái hơn, cảm xúc hơn, nhất là khi tham gia văn nghệ sẽ tự tin hơn, mạnh dạn hơn. Những sân chơi như vậy sẽ hài hòa được việc học việc chơi, thư giãn của các con”.